Giao thông vận tải như mạch máu của đất nước, tắc nghẽn hay đứt chỗ này, chỗ khác sẽ tổn thương. Càng những vị trí quan trọng, như các vùng kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp, khu sản xuất, khu vực giao thông đầu mối chính, thì tổn thương càng lớn... Vì vậy, kiểm soát dịch nên tập trung vào việc cách ly, tiêm chủng, nguy cơ vùng, không phải bằng kiểm soát hành chính như hiện nay. Cần có quy định để vừa khôi phục lại hàng không, mà vẫn phòng chống được dịch bệnh.
Đây là ý kiến của PGS. TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, chia sẻ tại Tọa đàm "Điều kiện mở lại các chuyến bay an toàn" diễn ra sáng 8/10.
Đón khách phụ thuộc vào năng lực y tế của địa phương
Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), cho biết trong số 21 địa phương được lấy ý kiến về Kế hoạch khôi phục lại các chuyến bay nội địa, còn 2 địa phương chưa phản hồi là Quảng Ninh và Quảng Nam.
Trong số 19 địa phương trả lời, có 16 địa phương đồng ý với Kế hoạch khôi phục bay nội địa là TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nghệ An, Điện Biên, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Phú Yên, Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Cà Mau, Phú Quốc (Kiên Giang). Còn 3 tỉnh, thành phố chưa đồng tình gồm Hải Phòng, Gia Lai, Hà Nội.
Riêng với TP. Hà Nội, ông Võ Huy Cường cho biết, ngày 29/9, TP. Hà Nội có văn bản báo cáo Chính phủ, đề nghị chỉ đạo Bộ GTVT chưa mở lại đường bay nội địa. Vì vậy, trong giai đoạn đầu, Cục Hàng không Việt Nam chỉ xin ý kiến TP. Hà Nội và không gây sức ép về việc mở đường bay.
"Trước đây, để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch, từ ngày 22/7 đã đóng toàn bộ hoạt động hàng không nội địa. Chỉ duy nhất đường bay Hà Nội - TPHCM duy trì một số chuyến bay của Vietnam Airlines. Tuy nhiên, TP. Hà Nội không cho vận chuyển hành khách thương mại nên khi thực hiện những chuyến bay này phải có chỉ đạo từ Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 để khách công vụ, ngoại giao không phải cách ly tập trung", Phó Cục trưởng Cục Hàng không thông tin và nói rõ về thẩm quyền Bộ GTVT ban hành kế hoạch nên ý kiến của địa phương là quan trọng.
Ông Cường giải thích thêm, Cục Hàng không Việt Nam dự kiến mở dần đường bay theo lộ trình (giai đoạn một trong 10 ngày), không phải có hàng chục chuyến bay dồn ngay đến Hà Nội trong một ngày. Ngoài ra, yêu cầu phòng dịch với hành khách đã được quy định chặt chẽ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và áp dụng kinh nghiệm nhiều nước.
Về lý do vì sao Bộ GTVT không chủ động quyết định mở đường bay mà lại lấy kiến từng địa phương, ông Võ Huy Cường cho biết, quyết định đón khách phụ thuộc năng lực hậu cần, y tế của mỗi tỉnh, thành phố. Trong bối cảnh địa phương đưa ra kiến nghị tạm thời "đóng cửa", nếu Bộ GTVT vẫn quyết định mở đường bay sẽ không hiệu quả vì địa phương không đủ năng lực.
"Bộ GTVT đơn phương quyết định mở đường bay sẽ khó bảo đảm yêu cầu chống dịch, không bền vững nếu thiếu sự phối hợp, đồng thuận cũng như chuẩn bị sẵn sàng của các địa phương", ông Cường nói.
Cần gỡ "hàng rào", khôi phục bay nội địa, phục vụ nhu cầu nhân dân
Về thời điểm khôi phục lại bay nội địa, PGS. TS Trần Đắc Phu nhìn nhận: Thủ tướng đã đưa quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh. Trong bối cảnh hiện nay, tỉ lệ tiêm vaccine của Việt Nam còn thấp, không đồng đều, vì vậy kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh là vấn đề khó khăn. Gánh nặng khi mở cửa đường bay nội địa sẽ dồn về các địa phương có tỉ lệ tiêm chủng thấp. Các địa phương lo bùng phát dịch, không có khu cách ly, 'vỡ trận' y tế. Vì vậy, kiểm soát dịch nên tập trung vào việc cách ly, tiêm chủng, nguy cơ vùng, không phải bằng kiểm soát hành chính như hiện nay. Cần có quy định để vừa khôi phục lại hàng không, mà vẫn phòng chống được dịch bệnh.
Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng cũng lưu ý, nếu đi từ vùng nguy cơ cao, thì phải có quy định về xét nghiệm, cách ly; những tỉnh có nguy cơ không cao thì đơn giản hơn. Hiện trong một tỉnh, chỉ chỗ nào phong tỏa mới phong tỏa về đi lại, còn lại những vùng khác trong tỉnh đó vẫn bình thường.
"Khi nào tỉ lệ tiêm chủng bao phủ tốt hơn mới có thể bỏ các hàng rào kỹ thuật phòng chống dịch. Hiện nay, nhiều địa phương tạo hàng rào quá chặt, không linh hoạt. Nếu cứ mở chỗ này, nghẽn chỗ kia thì không ổn. Trong vấn đề liên quan tới nhiều địa phương như vậy, chúng ta cần có quy định hợp lý, linh hoạt và thống nhất", ông Phu cho hay.
Các biện pháp phòng dịch trên máy bay theo chuẩn quốc tế
Về nguy cơ lây nhiễm chéo khi đi máy bay, ông Võ Huy Cường cho biết, theo thống kê chính thức của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) trong cuộc họp về các giải pháp phòng chống lây lan dịch bệnh bằng đường hàng không, đến cuối tháng 8/2020, có hơn 1 tỷ lượt khách quốc tế di chuyển bằng đường hàng không, chỉ phát hiện và xác định 41 hành khách lây nhiễm chéo. Do đó, việc di chuyển bằng đường hàng không rất an toàn.
Dẫn chứng cụ thể, ông Cường lấy ví dụ về một số ca nhiễm COVID-19 liên quan đến hàng không như: Trường hợp 2 người Anh đi máy bay từ Hà Nội vào Đà Nẵng nhiễm bệnh và lây nhiễm cho nhân viên của Điện Máy Xanh, nhưng những hành khách khác và các tiếp viên không bị nhiễm bệnh.
"Ngành hàng không đã và đang áp dụng tất cả các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nhất theo tiêu chuẩn quốc tế, do vậy, di chuyển bằng hàng không vẫn đang là phương thức di chuyển an toàn. Đặc biệt, khi có sự cố nghi ngờ lây nhiễm trên máy bay, ngành hàng không hoàn toàn có điều kiện nhanh chóng truy vết vì đã có đầy đủ thông tin hành khách, đi chuyến bay nào, ngồi ghế nào, địa chỉ, nơi đến… Thực tế, ngành hàng không đã nhiều lần hỗ trợ Bộ Y tế truy vết, không chỉ với các chuyến bay quốc tế mà cả các chuyến bay nội địa khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ có F0", ông Võ Huy Cường nói.
Ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, tất cả hãng hàng không nội địa hiện nay đều đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh mà Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống COVID-19 yêu cầu, cũng như những yêu cầu của ICAO và các quốc gia chúng ta bay đến. Riêng với Vietnam Airlines, Hãng đã được Tổ chức Đánh giá và xếp hạng hàng không Anh (Skytrax) đánh giá là hãng hàng không đạt chuẩn "5 sao" về thực hiện phòng, chống dịch bệnh.
Tương tự như Vietnam Airlines, Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân khẳng định, Bamboo Airways tham gia nhiều chuyến bay trong suốt thời gian dịch phục vụ các nhiệm vụ khác nhau, đến nay 100% tổ lái và tiếp viên không có ai nhiễm COVID-19. Trong khi đó, theo kế hoạch phục hồi hàng không nội địa mà Cục Hàng không đưa ra, các chuyến bay sử dụng hộ chiếu vaccine, vận chuyển hành khách đã tiêm đủ 2 mũi, có xét nghiệm trước khi lên tàu bay, 100% hành khách đều âm tính... Như vậy, có thể thấy rằng, vận tải hàng không rất an toàn.
Ông Nguyễn Quốc Phương, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, trong suốt thời gian vừa qua, cán bộ công nhân viên trên toàn bộ 21 cảng hàng không, sân bay mà ACV phụ trách 100% không bị lây nhiễm từ các chuyến bay.
Để làm được việc này, ngoài đáp ứng các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, ACV thực hiện khử khuẩn liên tục tại nhà ga và khu vực hành khách hay tiếp xúc, bảo đảm an toàn trong suốt quá trình hành khách đến sân bay và khi kết thúc hành trình không bị lây nhiễm. Bên cạnh đó, ACV đã và đang triển khai hệ thống công nghệ giảm thiểu tiếp xúc của hành khách tại khu vực sân bay. Khi hệ thống này tích hợp với các hãng hàng không và Bộ Y tế, hành khách khi đến sân bay sẽ được kiểm soát rõ khách nào đã tiêm, khách nào đã xét nghiệm, có quy trình, "hành lang xanh" cho hành khách đi lại.
(Nguồn: Chính phủ)