Bưởi thanh trà là một trong những cây đặc sản nổi tiếng, chất lượng thơm ngon và phát triển từ lâu đời ở thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân nơi đây. Qua thời gian trồng quá lâu, cây thanh trà ở đây đã già cỗi, thoái hóa, năng suất không cao, luôn bị sâu bệnh gây hại. Trước thực trạng đó, UBND huyện Triệu Phong đã phối hợp với các ngành chức năng triển khai các chính sách từng bước phục hồi cây bưởi thanh trà trên địa bàn xã Triệu Thượng. Việc quan tâm khôi phục loại cây trồng này vừa góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho người dân, vừa có ý nghĩa giữ gìn và phát triển cây trồng truyền thống của địa phương.
Gia đình ông Lê Văn Cách ở thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong trồng bưởi thanh trà từ trước năm 1975. Ông Cách cho biết, đến thời điểm này gia đình ông đã trồng cây thanh trà được gần 50 năm. Lúc bấy giờ, cây thanh trà phát triển rất tốt, cây cho quả rất sai, ít bị sâu bệnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng vùng đất ở đây. Qua thời gian, cây bố, mẹ đã già, người trồng không thể nhân giống được cũng như chất đất ở đây bị bào mòn nên cây thanh trà dần bị mai một và thoái hóa. Xác định cây thanh trà là một loại cây đặc sản của quê hương, mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các ban, ngành hướng dẫn, gia đình ông Cách đã tiến hành khôi phục, nhân giống được 50 cây.
Trao đổi với chúng tôi, ông Cách cho biết thêm: “Cây thanh trà ở Triệu Thượng đã có từ trước 1975. Sau ngày hòa bình trở về, thấy còn sót lại một đôi cây, chúng tôi tiến hành cùi, nhân ra để trồng nên hiệu quả không cao lắm. Hiện nay, nhờ các ngành chức năng hỗ trợ chúng tôi về cách thức ghép cành nên năng suất có cao hơn. Nhờ vậy hiện nay, trong vườn của gia đình tôi đã nhân giống được 50 cây, trong đó có nhiều cây đã ra hoa và cho quả. Khi được mùa, mỗi cây cho thu hoạch khoảng 70 quả, bình quân mỗi cân bán từ 30 - 40 nghìn đồng. Như vậy, vườn thanh trà này mỗi năm cho nguồn thu từ 100 - 120 triệu đồng, góp phần nâng cao đời sống gia đình”.
Cũng giống như gia đình ông Cách, gia đình ông Nguyễn Hậu nhờ trồng thanh trà đã đem lại nguồn thu nhập khá. Hiện nay, khi đời sống ngày càng nâng lên thì việc lựa chọn các loại trái cây có nguồn gốc rõ ràng, sản xuất sạch, đảm bảo an toàn luôn được ưa chuộng, nên thanh trà là một trong những loại cây thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng. Ông Hậu cho biết, từ những năm 2000, trong vườn nhà ông đã duy trì diện tích khoảng 2.500 m2 đất, chủ yếu trồng thanh trà. Thanh trà trồng nơi đây cho quả ngọt và thanh, người mua rất ưa chuộng. Quả thanh trà thường được người dân mua vào dịp lễ, tết. Bình quân mỗi năm đem lại cho gia đình ông thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng. Việc chăm sóc đối với cây thanh trà đơn giản, chủ yếu bón phân chuồng hoai mục và phân vi sinh. Tuy nhiên trong thời gian qua, cây trồng đã lâu năm, già cỗi, sức chống chịu kém, cho quả ít, sâu bệnh nhiều, chất lượng không cao, một số cây của gia đình ông bị sâu bệnh không cho quả và chết. Được sự đầu tư của nhà nước, hiện nay gia đình ông đã khôi phục bằng cách chiết ghép cành với 30 cây đã cho quả và 20 cây nhỏ đang phát triển tốt.
Trên địa bàn huyện Triệu Phong, cây thanh trà chỉ được trồng duy nhất ở thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng với diện tích 4,5 ha. 180 hộ dân trong thôn đều tham gia trồng thanh trà, hộ nhiều 60 -70 cây, hộ ít khoảng 10 cây. Mỗi cây cho thu nhập khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/vụ. Người dân Thượng Phước cho biết, việc chăm sóc cây thanh trà tương đối dễ dàng, mỗi năm bón phân cho cây 2 lần vào thời điểm cây ra hoa và sau khi hoàn thành việc thu hoạch. Theo số liệu thống kê, những năm trước đây, bình quân mỗi năm, toàn thôn Thượng Phước với diện tích trồng thanh trà khoảng 4,5 ha, mỗi vụ thu khoảng 107 tấn quả, giá bình quân 12 nghìn đồng/kg, cho thu nhập khoảng 1,3 tỉ đồng. Những năm trở lại đây, diện tích thanh trà bị thu hẹp, cây cho quả ít, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu nhập của người dân. Năm 2020, được sự hỗ trợ của UBND huyện Triệu Phong, xã Triệu Thượng đã chọn những cây đầu dòng năng suất cao và nhân giống được 0,7 ha, hiện cây đang phát triển tốt. Xã Triệu Thượng cũng đã có kế hoạch mỗi năm sẽ nhân giống khoảng 1 ha nhằm từng bước khôi phục loại cây truyền thống có giá trị kinh tế cao này.
Ông Phan Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Thượng, Triệu Phong, cho biết: “Qua thời gian dài, một số cây thanh trà đã bị thoái hóa, năng suất thấp. Trước tình hình đó, UBND xã đã có kế hoạch phục hồi, phục tráng cây thanh trà, nhằm tăng năng suất và mở rộng diện tích. Muốn nhân giống cây hiệu quả lâu dài, cách tốt nhất là ghép cành. Chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng quan tâm tạo điều kiện bố trí kinh phí cho địa phương để tiếp tục nhân rộng cây thanh trà tại thôn Thượng Phước bằng cách ghép cành trên cơ sở một số cây giống đã chọn”.
Trong quá trình khôi phục và mở rộng diện tích trồng cây thanh trà, hiện nay người dân địa phương rất mong muốn các ban, ngành chức năng cấp huyện và tỉnh tiếp tục nghiên cứu để cung cấp kỹ thuật nhân giống đảm bảo cây có năng suất, chất lượng tốt, tuổi thọ cao. Mở các lớp tập huấn để nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây, hỗ trợ địa phương xây dựng và phát triển thương hiệu “Thanh trà Thượng Phước”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)