Kinh tế cả năm 2024 có khả năng cao đạt được mục tiêu tăng trưởng

Thúy Hiền |

Từ bối cảnh kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận định, mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,8 đến 7% trong năm nay là thách thức lớn, tuy nhiên, cần nỗ lực và kiên định mục tiêu đã đề ra để thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.

Bà Hương phân tích, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% thì quý IV sẽ cần tăng 5,7%; mục tiêu 6,8% thì quý IV cần tăng 6,76%; mục tiêu 7% thì quý IV cần tăng 7,5%. Với kết quả tăng trưởng của quý III và 9 tháng, cùng với nhận định về xu hướng tăng trưởng các tháng cuối năm, tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 khả năng cao đạt được mục tiêu cận trên của kịch bản tăng trưởng.

Bốc xếp container hàng hóa tại Cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Bốc xếp container hàng hóa tại Cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2024, tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt một số giải pháp: Đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát và ổn định tỷ giá hối đoái. Mặc dù, thúc đẩy tăng trưởng, nhưng Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các chính sách nhằm kiểm soát lạm phát và duy trì mức giá ổn định để đảm bảo sức mua của người dân không bị suy giảm. Đảm bảo nguồn cung ngoại tệ ổn định để tránh biến động tỷ giá ảnh hưởng đến nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu hàng hóa.

Tiếp đến, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh tiêu dùng cuối cùng trong nước bằng cách thực hiện có hiệu quả các chương trình kích cầu như giảm giá, khuyến mãi, khuyến khích tiêu dùng, đặc biệt là các mặt hàng sản xuất trong nước, vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương thúc đẩy xuất khẩu và hội nhập quốc tế bằng cách tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ quốc tế, tìm kiếm đối tác mới và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Cùng với đó, các địa phương cần tăng tốc độ giải ngân các dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông để tạo động lực cho các ngành liên quan như xây dựng, sản xuất vật liệu, dịch vụ logistics cũng như thúc đẩy thuận lợi trong lưu thông hàng hóa.

Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, giảm chi phí sản xuất. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh, công nghệ sạch nhằm đáp ứng tiêu chuẩn môi trường của các thị trường xuất khẩu lớn như EU và Mỹ; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trong quá trình sản xuất, kinh doanh và quản lý nhằm tăng năng suất, giảm chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh; giảm chi phí sản xuất thông qua các chính sách về thuế, phí, lãi suất.

Mặt khác, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thiểu các rào cản, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng với nguồn vốn, thị trường và các chương trình hỗ trợ của Chính phủ.

“Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam, việc thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp trên tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định chính trị, xã hội là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2024”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.

Tổng cục Thống kê cho biết, GDP quý III/2024 ước tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,1%, khu vực dịch vụ tăng 7,5%.

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý III và 9 tháng năm 2024 ước đạt 7,4% và 6,82%, cao hơn mức kỳ vọng. Tính chung 9 tháng năm 2024 GDP ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng khá cao so với mức tăng GDP cùng kỳ 2023 là 4,4%.

Chế biến cá ngừ đại dương đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Chế biến cá ngừ đại dương đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Về đóng góp vào tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2024, theo Tổng cục Thống kê, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 5,3%, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 46,2%, khu vực dịch vụ đóng góp 48,4% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Cũng theo bà Hương, trong 9 tháng vừa qua, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ bão số 3 nên tăng trưởng chậm lại so với cùng kỳ các năm trước.

Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,2%, chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2020 - 2024.

Trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng, sản xuất của nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2024 tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 9,7%, ngành xây dựng tăng 7,4%.

Các ngành thương mại, du lịch, vận tải duy trì đà tăng trưởng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của toàn nền kinh tế trong 9 tháng năm nay. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 9 tháng năm 2024 tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước.

Một số ngành dịch vụ có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như: bán buôn, bán lẻ tăng 7,56%, ngành vận tải, kho bãi tăng 11%, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,4%, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,4%.

Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2024, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,6%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,1%; khu vực dịch vụ chiếm 42,8%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,4%.

“Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý III và 9 tháng năm 2024 ước đạt lần lượt là 7,4% và 6,82%, cao hơn mức kỳ vọng trong bối cảnh nền kinh tế một số địa phương phía Bắc bị ảnh hưởng không nhỏ bởi cơn bão số 3 đầu tháng 9 vừa qua”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho hay.

 (Nguồn: TTXVN)

Khảo sát hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa

Trần Anh Minh |

Nhằm đánh giá hiện trạng và nhu cầu của các tổ chức, cá nhân và người tiêu dùng (NTD) về vấn đề công cụ hệ thống truy xuất nguồn gốc (TXNG), Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Quảng Trị đã triển khai khảo sát hệ thống TXNG sản phẩm, hàng hóa. Kết quả khảo sát giúp định hướng phát triển hệ thống TXNG phù hợp cho các doanh nghiệp (DN) và tuyên truyền nâng cao nhận thức về TXNG cho người sản xuất và NTD.

Khai mạc khu trưng bày hàng hóa Việt Nam – Thái Lan

Hữu Hoàng |

Thái Lan hiện tại là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại ASIAN với kim ngạch 2 chiều xấp xỉ 20 tỷ USD. Thái Lan cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 9 tại Việt Nam (đứng thứ hai trong ASIAN, sau Singapore) với 14 tỷ USD.

Xây dựng, thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa để bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng

Bảo Bình |

 

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa là việc xác định và theo dõi nguồn gốc, quá trình sản xuất, chế biến, phân phối của một sản phẩm, hàng hóa từ khi sản xuất cho đến trước khi đến tay người tiêu dùng. Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa giúp doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu, đồng thời giúp người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi khi mua sắm. Tuy nhiên hiện nay, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn còn nhiều hạn chế và gặp không ít khó khăn.

Triệu Phong đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa

Tuấn Quang |

Huyện Triệu Phong (Quảng Trị) có diện tích đất tự nhiên trên 35.000 ha nên rất thuận lợi trong việc phát triển chăn nuôi. Thời gian qua, bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020- 2025, cấp ủy, chính quyền huyện Triệu Phong tập trung chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương tái đàn, khôi phục tổng đàn chăn nuôi, đồng thời khuyến khích chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, chăn nuôi trang trại có sự liên kết các yếu tố đầu vào, đầu ra cũng như quy hoạch vùng chăn nuôi xa khu dân cư nhằm bảo vệ môi trường.