Kỳ vọng rừng gỗ lớn

Lê An |

Với mục tiêu phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm từ rừng sản xuất, trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng các biện pháp kỹ thuật trong trồng, chuyển hóa rừng gỗ lớn, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.

Theo Đề án Phát triển trồng rừng gỗ lớn tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh dự kiến phát triển vùng nguyên liệu kinh doanh gỗ lớn đến năm 2025 đạt khoảng 16.700 ha; góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng và cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu.​  

Rừng trồng gỗ lớn được bán theo giá gỗ xẻ, gỗ chế biến sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn-Ảnh: LA​
Rừng trồng gỗ lớn được bán theo giá gỗ xẻ, gỗ chế biến sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn-Ảnh: LA​

Ông Nguyễn Hữu Minh, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng cho biết xã bắt đầu thí điểm chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn từ năm 2015 trên diện tích 10 ha. Đến nay toàn bộ 170 rừng của HTX đều đã được trồng và chuyển hóa từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Trước đây các hộ trồng keo lai đến năm thứ 4, 5 là bắt đầu thu hoạch bán làm dăm gỗ, giá trị đạt khoảng 60 - 80 triệu đồng/ha, tương đương thu nhập bình quân từ 12 - 15 triệu đồng/ha/năm. Thế nhưng, khi trở thành rừng trồng gỗ lớn, sau 5 năm trồng chỉ tiến hành tỉa thưa từ mật độ 1.650 cây/ha xuống còn 900 - 1.100 cây/ha và tiếp tục chăm sóc đến năm thứ 9, 10 mới khai thác. Lúc này hầu hết các cây đều đạt đường kính trên 20 cm, sản lượng bình quân đạt từ 180 - 200 tấn/ha và được bán theo giá gỗ xẻ, gỗ chế biến với giá từ 1,4 triệu đồng/tấn, mang lại thu nhập bình quân từ 25 - 30 triệu đồng/ha/năm, cao gấp hơn 1,5 lần giá trị rừng gỗ nhỏ.

Huyện Hải Lăng hiện có tổng diện tích rừng trồng gần 19.000 ha. Trong những năm qua, trồng rừng đã từng bước góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, cải thiện môi trường cũng như mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Tuy nhiên, bà con chủ yếu vẫn đang trồng các loại keo, tràm phục vụ cho việc sản xuất gỗ dăm nên giá trị kinh tế chưa cao.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Văn Ngọc Thắng cho biết, toàn tỉnh hiện có trên 112.000 ha diện tích rừng sản xuất. Hằng năm, diện tích rừng sản xuất được trồng mới, trồng lại từ 7.500 - 8.000 ha. Tuy nhiên, mặc dù diện tích rừng trồng toàn tỉnh tăng nhanh nhưng vẫn chủ yếu tập trung cho phát triển trồng rừng nguyên liệu gỗ nhỏ phục vụ chế biến, băm dăm, gỗ bóc… với giá trị kinh tế thấp. Trong khi đó, với xu thế chung, việc dừng hoàn toàn khai thác rừng tự nhiên, giảm nhập khẩu gỗ thì bắt buộc phải đẩy mạnh phát triển trồng rừng gỗ lớn để đáp ứng nhu cầu gỗ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ gia dụng và đồ mộc xuất khẩu.

Qua thực tế các mô hình trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh cho thấy lợi nhuận của trồng rừng gỗ lớn cung cấp nguyên liệu cho chế biến gỗ xuất khẩu cao hơn nhiều lần so với trồng rừng sản xuất gỗ dăm. Chỉ tính riêng đối với loại cây trồng phổ biến là cây keo, đến năm thứ 6 vẫn còn là trồng rừng gỗ nhỏ nên chỉ có thể bán làm dăm gỗ, giá trị đạt khoảng 60 - 80 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân từ 10 - 12 triệu đồng/ha/năm. Nhưng khi trở thành rừng trồng gỗ lớn, tức là cây sau 10 - 14 năm trồng mới tiến hành khai thác, lúc này hầu hết các cây đều đạt đường kính từ 18 cm trở lên, sản lượng đạt từ 200 - 240 m3 /ha. Rừng sẽ được bán theo giá gỗ xẻ, gỗ chế biến với giá từ 1,8 - 2 triệu đồng/ m3 , tương đương 250 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân từ 20 triệu đồng/ha/năm. “Đến nay, diện tích rừng gỗ lớn toàn tỉnh đã đạt hơn 3.146 ha, chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn đạt khoảng 6.100 ha”, ông Thắng cho biết.

Để đạt được mục tiêu về phát triển trồng rừng gỗ lớn, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch lâm nghiệp, quản lý quy hoạch theo hướng phát huy lợi thế sản phẩm địa phương; bố trí vùng trồng rừng, loại cây trồng hợp lý theo vùng sinh thái, theo mục đích kinh doanh rừng gỗ lớn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng. Quản lý chặt chẽ chất lượng giống cây trồng rừng gỗ lớn. Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp liên doanh, liên kết với các hộ gia đình để đầu tư trồng rừng gỗ lớn theo phương thức: doanh nghiệp đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật. “Cùng với đó, rất cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong trồng rừng gỗ lớn như hỗ trợ tín dụng cho người trồng rừng; hỗ trợ trong việc cấp chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (FSC); thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ công nghệ cao để bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người trồng rừng. Đây là giải pháp hiệu quả, phát triển kinh tế rừng bền vững, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân”, ông Thắng khẳng định.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Huy động gần 150 người vào rừng tìm kiếm một cụ ông

Q.H |

Sáng nay 31/12/2020, Chủ tịch UBND xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông (Quảng Trị) Trương Văn Hoài cho biết, gần 150 cán bộ, chiến sĩ, người dân trên địa bàn đã được huy động để tìm kiếm ông Nguyễn Như C. (sinh năm 1949), trú tại thôn Na Nẫm.

Không đổi rừng tự nhiên lấy điện gió

Võ Thái Hòa |

Phát triển năng lượng tái tạo là một trong những hướng đầu tư được tỉnh đặt nhiều kỳ vọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và vươn tới mục tiêu đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung. Thực tế trong thời gian qua, sau sự thành công của 2 dự án điện gió và điện mặt trời trên địa bàn tỉnh, có nhiều công ty năng lượng đã đến đăng ký khảo sát và xin cấp phép xây dựng dự án năng lượng điện tái tạo ở vùng núi Quảng Trị. Đó là tín hiệu đáng mừng trong thu hút đầu tư phát triển điện lực nhằm khai thác tốt tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Tuy nhiên, vấn đề mà lãnh đạo tỉnh cũng như Nhân dân quan tâm là chuyển đổi mục đích rừng và đất lâm nghiệp để thực hiện dự án sao cho phù hợp.

Lên biên cương ngắm hoa Sở nở trắng rừng

Thành Nam - Nguyễn Dương |

Tháng 12, hoa Sở nở trắng rừng biên giới Bình Liêu (Quảng Ninh). Hội hoa Sở rộn ràng du khách tới tham quan, chiêm ngưỡng loài hoa đặc trưng của núi rừng Đông Bắc.

Các nhà máy thủy điện nộp gần 87,6 tỉ đồng để chi trả dịch vụ môi trường rừng

Tây Long |

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 10 nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động và 5 công trình thủy điện đang xây dựng. Từ năm 2012 đến nay, các nhà máy thủy điện đi vào hoạt động đã nộp gần 87,6 tỉ đồng chi trả dịch vụ môi trường rừng cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh.