Hiện nay, các dự án mang tính động lực đã và đang được triển khai, mở ra nhiều kỳ vọng cho những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Trị khai thác tiềm năng, thế mạnh, tạo bứt phá để phát triển bền vững.
Một trong những dự án giao thông động lực có tầm quan trọng của địa phương chính là dự án Cảng hàng không (CHK) Quảng Trị. Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 2148/QĐ-TTg ngày 20/12/2021. Theo đó, CHK Quảng Trị có quy mô cấp 4C và sân bay quân sự cấp II được đầu tư xây dựng tại địa bàn 2 xã Gio Mai và Gio Quang, huyện Gio Linh. Công suất theo quy hoạch 1 triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/ năm.
Dự án có tầm quan trọng nữa là Khu bến cảng Mỹ Thủy do Công ty cổ phần liên doanh cảng quốc tế Mỹ Thủy (MTIP) làm chủ đầu tư, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương tại Quyết định số 16 ngày 4/1/2019. Tổng vốn đầu tư là 14.234 tỉ đồng.
Khu bến cảng Mỹ Thủy có quy mô 685 ha, bố trí 10 bến cảng với tổng chiều dài bến 3.000 m, rộng 50 m. Bến có thể tiếp nhận tàu container 100.000 DWT, tàu hàng rời 100.000 DWT, tàu tổng hợp 50.000 DWT. Công suất trung bình mỗi bến khoảng 3 triệu tấn/năm. Đồng thời, quy hoạch các bến cho tàu công vụ gần khu vực gốc đê chắn sóng với tổng chiều dài 700 m. Luồng tàu được thiết kế với chiều rộng 170 m, cao độ -18.1 m (hệ nhà nước).
Bên cạnh đó có khu kho, xưởng, bãi hàng có diện tích 109,37 ha, được bố trí ngay sau bến cảng để thực hiện các chức năng về dịch vụ lưu kho lưu bãi, logistics, dịch vụ sửa chữa, vệ sinh container và thiết bị.... Hiện nay nhà đầu tư đang triển khai các thủ tục để chuẩn bị thi công.
Bên cạnh hai dự án giao thông đường hàng không và đường biển thì các dự án giao thông động lực mang tính kết nối trên bộ đã và đang triển khai. Đối với giao thông kết nối với các vùng, miền trong nước có dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trong đó đoạn Cam Lộ - La Sơn đã đưa vào vận hành, đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ đang triển khai thi công. Trục giao thông kết nối trên Hành lang kinh tế Đông - Tây có dự án Quốc lộ 15D từ Cửa khẩu quốc tế La Lay đi Khu kinh tế Đông - Nam Quảng Trị và dự án cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo. Đối với giao thông kết nối liên vùng nội tỉnh có dự án Đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây nối TP. Đông Hà với các địa phương ven biển; dự án đường nối hai nhánh Đông và Tây đường Hồ Chí Minh…
Các dự án giao thông động lực đang triển khai mở ra cơ hội để các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh phát triển bao gồm công nghiệp, du lịch và dịch vụ logistics. Đối với công nghiệp, dự án Khu Công nghiệp Quảng Trị đã được khởi động với quy mô khoảng 500 ha, có vị trí tại huyện Hải Lăng với tổng mức vốn đầu tư 2.074 tỉ đồng, trong đó giai đoạn đầu triển khai trên phạm vi 100 ha với mức vốn đầu tư 504 tỉ đồng, tiến độ thực hiện từ năm 2021-2025.
Dự án do 3 nhà đầu tư liên doanh hợp tác thực hiện gồm Công ty liên doanh TNHH khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP JV); Công ty cổ phần đô thị Amata Biên Hòa (thuộc Tập đoàn Amata Thái Lan) và Tập đoàn Sumitomo Corporation Nhật Bản. Đối với dịch vụ logistics, Thủ tướng Chính phủ đã quy hoạch trên tuyến hành lang kinh tế đường 9 có 1 trung tâm logistics hạng II với quy mô tối thiểu trên 20 ha đến năm 2030 và 1 cảng cạn giai đoạn sau năm 2030 có quy mô 10 ha, 15.000 - 30.000 TEU/năm.
Quy hoạch khu dịch vụ hậu cần logistics gần khu vực cảng biển Mỹ Thủy và 1 cảng cạn tại khu vực giao Quốc lộ 15D và cao tốc Cam Lộ - Túy Loan với diện tích 30 ha, khu vực cảng biển có diện tích 995 ha.
Theo đó, khu logistics (tại vị trí phía Nam kế cận cảng Mỹ Thủy) có quy mô 119,4 ha, Khu phi thuế quan (tại vị trí phía Tây Nam kế cận cảng Mỹ Thủy) có quy mô 275 ha, đất kho tàng 89,7 ha thuộc quy hoạch phân khu xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị giai đoạn 1. Bên cạnh đó, Cục Hàng hải Việt Nam đã quy hoạch khu trung tâm logistics có diện tích 8,5 ha tại Khu bến cảng Bắc Cửa Việt và Khu trung tâm logistics có diện tích 33,37 ha tại Khu bến cảng Nam Cửa Việt; UBND tỉnh đã quy hoạch trung tâm logistics tại TP. Đông Hà, khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay, Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo.
Có thể nói, đối với các dự án giao thông động lực, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đang có quyết tâm chính trị rất cao để hiện thực hóa. Chính vì vậy, cần sự vào cuộc cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Hiện nay, việc tiếp cận các nguồn lực, nhà đầu tư đang được triển khai mạnh mẽ. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ triển khai là công tác giải phóng mặt bằng.
Để công tác giải phóng mặt bằng diễn ra thuận lợi, đúng tiến độ, cần huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự chung tay, đồng thuận của Nhân dân. Trong đó, chính quyền và các ban, ngành liên quan cần tăng cường phối hợp trong xử lý hồ sơ, thủ tục. Các hội, đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để thuyết phục người dân ủng hộ các dự án. Đối với người dân cần chấp hành và đồng thuận trong giải phóng mặt bằng.
Hơn ai hết, chính người dân là đối tượng hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp từ các dự án mang lại. Khi các dự án được triển khai, hoàn thành và đi vào khai thác sẽ tạo sức bật mới cho nền kinh tế, mở ra cơ hội việc làm, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân, tạo diện mạo mới cho quê hương.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)