Dự án “Thiết kế mô hình ảo Thành Cổ Quảng Trị phục vụ giáo dục và du lịch” được tái hiện trên môi trường 3D và thực tế ảo VR của nhóm học sinh đến từ Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Quảng Trị vừa đoạt giải Nhất quốc gia tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần V-2023. Đây là niềm tự hào của ngành Giáo dục Quảng Trị và lan tỏa mạnh mẽ cảm hứng cho các học sinh với ý tưởng khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây cũng là lần đầu tiên học sinh của tỉnh đoạt được giải Nhất sau 5 kỳ thi.
Ý thức của những người trẻ
Lấy cảm hứng từ Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị, nhóm học sinh Thái Việt Ý, Lê Đức Lưu, Lâm Hồng Phúc, Đỗ Hoàn Gia Trí, Nguyễn Cao Minh Huyền đã tái hiện lại di tích trên môi trường số hóa, với ý tưởng chính là phục vụ giáo dục và du lịch trong thời kỳ chuyển đổi số. Nhóm xây dựng sản phẩm nhằm góp phần bảo tồn và phát huy di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị với những giá trị của lịch sử và thời đại, nay đã được tôn tạo trở thành không gian tâm linh, tái hiện ký ức hoài niệm, đặc biệt là hướng con người tới những giá trị nhân văn và khát vọng hòa bình. Bên cạnh đó, dự án này còn xuất phát từ thực tế dạy học môn Lịch sử, giáo dục địa phương và việc đáp ứng những yêu cầu cao của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nhóm trưởng Thái Việt Ý nhấn mạnh: “Trong những năm gần đây, thực trạng học môn Lịch sử trong nhà trường nhận về nhiều ý kiến phê phán. Lịch sử kém thu hút học sinh vì lối học chay, không cọ xát thực tế. Học sinh ít có điều kiện để hình dung về các giai đoạn lịch sử, sự kiện lịch sử một cách chân thực.
Trong khi đó, sách giáo khoa Lịch sử chưa đủ hấp dẫn học sinh, vì vậy mà bài học trở nên cứng nhắc. Với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Lịch sử trở thành một môn học bắt buộc nên việc sử dụng các hình thức dạy học mới để tăng hứng thú và nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử cần được quan tâm hơn bao giờ hết.Bên cạnh đó, dự án nhằm tìm cách khắc phục những trở ngại về chi phí, thời gian, khoảng cách... so với việc trực tiếp tham quan di tích, đặc biệt với khách hàng ở xa, ngoại tỉnh, các tập thể, nhà trường. Với những trăn trở đó, cùng với ý thức của những người trẻ về việc thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, chúng em đã lên ý tưởng cho dự án này”.
Em Lâm Hồng Phúc, thành viên phụ trách truyền thông của nhóm dự án, đồng thời là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp của Đoàn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết, sự khác biệt và lợi thế cạnh tranh của sản phẩm thể hiện ở tính chân thực, thuận tiện và đa giá trị.
Theo đó, có 2 giá trị mục tiêu mà sản phẩm hướng tới, đó là giá trị giáo dục và giá trị trải nghiệm du lịch. Sản phẩm được sử dụng dưới dạng phần mềm cài đặt vào máy vi tính hoặc các thiết bị khác. Khách hàng có thể lựa chọn giữa các gói basic (cơ bản) hoặc premium (nâng cao) để trải nghiệm tham quan Thành Cổ Quảng Trị với chế độ xem toàn cảnh, tiệm cận với nguyên mẫu di tích, bản đồ mini, định vị, thuyết minh mà không cần phải đặt chân đến Thành Cổ Quảng Trị. Hơn nữa, mô hình ảo còn phục hồi một số cảnh quan/hiện vật bị ảnh hưởng/cần bảo trì mà di tích hiện trạng không cho phép tham quan.Để thực hiện dự án, nhóm học sinh đã nhiều lần đến Thành Cổ Quảng Trị, thực hiện đo đếm thực địa, thu thập dữ liệu chính xác từ di tích, xây dựng và tối ưu hóa sản phẩm để cho ra những hình ảnh đồ họa 3D chân thực, sống động nhất của vật thể, cảnh quan trong Thành Cổ, nhằm giúp người dùng có những trải nghiệm đa chiều, sát với thực tế nhất.
Dự án đã tổ chức hội thảo giới thiệu sản phẩm tại một số cơ sở giáo dục cấp THCS và THPT, người dùng trải nghiệm và thực hiện khảo sát đánh giá về sản phẩm. Kết quả khảo sát cho thấy người dùng đánh giá cao về sản phẩm của dự án. Sản phẩm có tính độc quyền và giá cả cạnh tranh vượt trội. Tiếp đó, nhóm hoàn tất chứng nhận bản quyền, tạo các kênh truyền thông và quảng bá sản phẩm; kinh doanh thử nghiệm, gọi vốn, thu hút nhà đầu tư.
Thúc đẩy khát vọng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của học sinh, sinh viên Đó là đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia và Hội thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần V-2023 vừa được diễn ra tại TP. Huế. Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: “Tôi rất xúc động, phấn khởi khi thấy các cháu học sinh, sinh viên tràn đầy khí thế, thể hiện khát vọng của mình trong khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại hội trường này cũng như trên khắp đất nước ta. Khát vọng là động lực, là hoài bão thôi thúc chúng ta tiến lên, chinh phục ước mơ; là sự mong mỏi thiết tha hướng tới những điều tốt đẹp cho bản thân và xã hội. Khát vọng, dù lớn lao hay nhỏ bé, bình dị hay sôi động, sâu sắc hay rộng mở đều rất đáng trân trọng, rất đáng khích lệ, là ngọn đèn soi sáng trên con đường gập ghềnh của cuộc sống để đi đến tương lai, đi đến thành công. Khát vọng khởi nghiệp cũng vậy. Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một động lực, nguồn lực quan trọng trong phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Những năm qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”.
Theo thành viên Nguyễn Cao Minh Huyền và Đỗ Hoàn Gia Trí, đối tượng khách hàng của sản phẩm là cơ sở giáo dục cấp THCS và THPT trên phạm vi toàn quốc. Thông tin về sản phẩm, cách thức mua bán thực hiện hoàn toàn qua hình thức trực tuyến thông qua các trang thông tin và sàn thương mại điện tử. Dự án tạo tiền đề để thiết kế các sản phẩm tương tự phục vụ cho giáo dục, du lịch trên phạm vi cả nước nói chung.
“Thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục tối ưu hóa sản phẩm, thu hút nhà đầu tư, mở rộng thị trường kinh doanh, phát triển thêm các sản phẩm mới. Mô hình ý nghĩa này có thể áp dụng được cho các di tích trên toàn quốc với các gói giá khác nhau. Nhóm có đủ nguồn lực về công nghệ, con người để bảo đảm sản xuất thành công và phân phối sản phẩm với các tiêu chí khác biệt, tạo ra lợi thế cạnh tranh của sản phẩm thể hiện ở tính thuận tiện, đa giá trị, chi phí phù hợp”, thành viên Lê Đức Lưu chia sẻ.
Giúp học sinh yêu thích hơn môn Lịch sử
Cô giáo Nguyễn Thị Tâm và thầy giáo Hồ Văn Lâm, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, là các giáo viên hướng dẫn dự án cho biết, với thái độ làm việc nghiêm túc, có kỷ luật và tinh thần phối hợp tốt, trong thời gian gần nửa năm, các em đã hoàn thành dự án có nhiều ý nghĩa này.
Từ việc hiện thực hóa ý tưởng để xây dựng được mô hình, đến cách truyền thông, quảng bá sản phẩm, tổ chức hội thảo giới thiệu sản phẩm… cho thấy các em rất chuyên nghiệp, tâm huyết với dự án. Với những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng đã có ý tưởng sáng tạo, thông điệp nhân văn và các giá trị thiết thực đã thuyết phục được Hội đồng chấm giải của tỉnh, trở thành 1 trong 6 dự án của tỉnh được chọn gửi đi thi vòng quốc gia. Cuối cùng chỉ có dự án trên của nhóm được lọt vào dự thi vòng chung kết.
Tại vòng thi chung kết quốc gia vào 2 ngày 25 và 26/3 vừa qua, Ban giám khảo đánh giá cao dự án này trong việc góp phần thôi thúc thế hệ học sinh hôm nay yêu thích hơn môn Lịch sử cũng như hiểu biết sâu sắc và có trách nhiệm hơn với lịch sử của đất nước. Từ mô hình Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị, các em có thể triển khai áp dụng ở các di tích khác trên phạm vi quốc gia.Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Quảng Trị Phan Hữu Huyện, trưởng đoàn đưa học sinh dự thi khởi nghiệp lần này cho biết: thực hiện đề án Hỗ trợ học sinh - sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 theo Quyết định số 1665/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã và đang đưa ra nhiều phương án để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Sở GD&ĐT Quảng Trị hưởng ứng tinh thần này một cách nghiêm túc và triển khai trong tất cả các cơ sở giáo dục toàn tỉnh.
Kể từ khi dự án “Thiết kế mô hình ảo Thành Cổ Quảng Trị phục vụ giáo dục và du lịch” của các học sinh lọt vào vòng thi chung kết quốc gia, các em đã được tham gia các buổi đào tạo nâng cao kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp trực tuyến, công tác truyền thông trên website, fanpage cùng các phương tiện truyền thông khác.
Để bắt tay vào dự án khởi nghiệp này, các học sinh đã chủ động trang bị và được trang bị rất nhiều kiến thức, kỹ năng. Từ kiến thức chuyên sâu về sản phẩm khởi nghiệp đến cách tạo dựng sản phẩm, thuyết trình, marketing sản phẩm, bán sản phẩm, chăm sóc khách hàng; cách kêu gọi vốn đầu tư, chia cổ phần và hưởng lợi; cộng thêm kỹ năng quản lý bản thân, tài chính, thời gian, nhân sự, làm việc nhóm, quản lý cảm xúc…
Tất cả những kỹ năng có được đã và sẽ giúp cho các em hoàn thiện bản thân hơn, sớm định hướng bản thân mình trong tương lai. Qua các vòng thi, các em thêm tự tin hơn, có chính kiến rõ ràng, khả năng ra quyết định nhanh và kịp thời trả lời các câu hỏi khó của ban giám khảo, nhà đầu tư để giành điểm; có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận thất bại của người khởi nghiệp.
Dự án tham gia cuộc thi của nhóm học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn là một sáng tạo độc đáo, góp phần giáo dục và quảng bá du lịch không chỉ Quảng Trị mà còn với du khách trong và ngoài nước. Dự án lan tỏa tính tích cực và tinh thần khởi nghiệp cho các học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, các em cần nhận được sự đồng hành của các doanh nghiệp, các nhà chuyên môn để dự án được ra thị trường bền vững.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)