Từ cuộc thi “Đề xuất ý tưởng/dự án khởi nghiệp” năm 2022 do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Quảng Trị phát động, nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp, phát triển kinh tế của chị em hội viên đã ra đời. Trong số đó, có không ít ý tưởng, dự án được hỗ trợ tích cực để từng bước hiện thực hóa.
Xuất sắc vượt qua nhiều ý tưởng khác, ý tưởng “Sản xuất và kinh doanh tương ớt” của chị Nguyễn Thị Thương, ở Phường 3, thị xã Quảng Trị đã giành được giải Ba tại cuộc thi “Đề xuất ý tưởng/dự án khởi nghiệp” năm 2022. Tuy chỉ mới hình thành nhưng ý tưởng sản xuất tương ớt của chị đã cho thấy tính khả thi cao bởi Quảng Trị là địa phương có khí hậu và đất đai phù hợp trồng cây ớt có năng suất cao, trái to, đều.
“Tôi tự tin về sản phẩm tương ớt của mình do không dùng chất bảo quản, không dùng màu thực phẩm nên đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dùng. Quá trình sản xuất có áp dụng khoa học công nghệ, máy móc tiên tiến để tạo ra sản phẩm nhanh hơn, mẫu mã bắt mắt hơn.
Tôi mong muốn những điều này sẽ tạo sản phẩm đặc trưng riêng, giúp các món ăn thêm hương vị đậm đà, mang đậm dấu ấn quê hương, phục vụ du khách khi đến tham quan, công tác tại tỉnh Quảng Trị nói chung và thị xã Quảng Trị nói riêng”, chị Thương bộc bạch.
Năm 2021, từ thực tế quả ớt tươi trong vườn nhà được các thương lái thu mua với giá quá thấp, chỉ khoảng hơn 10.000 đồng/kg, chị Thương đã nảy ra ý tưởng chế biến ớt để tiêu thụ với giá cao và bảo quản được lâu dài. Sau nhiều lần tìm hiểu, học hỏi và thử nghiệm, chị Thương đã đúc rút những kinh nghiệm để cho ra đời sản phẩm tương ớt cay ngon, thơm nồng.
Với giá cả phải chăng, hũ nhỏ gần 200g giá 25.000 đồng; hũ to 500g giá 70.000 đồng, sản phẩm tương ớt của chị Thương đang được thị trường đón nhận. Ý tưởng này không chỉ giải quyết được vấn đề của gia đình chị mà còn góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, giúp chị em phụ nữ làm chủ kinh tế, tự tin hơn trong cuộc sống.
Vừa qua, Hội LHPN tỉnh đã đến thăm và hỗ trợ kinh phí để chị Thương có điều kiện phát triển ý tưởng của mình. Chị đã đầu tư thêm một máy xay tương ớt với công suất lớn để thuận tiện hơn trong quá trình làm việc, đẩy nhanh quá trình sản xuất tương ớt.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Thương cho hay: “Biết tin đoạt giải Ba tại cuộc thi, tôi cảm thấy rất mừng và hạnh phúc. Tôi mong muốn sẽ được hỗ trợ thêm về vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh tương ớt, giải quyết việc làm cho các chị em phụ nữ địa phương, tạo được sản phẩm đặc trưng riêng của tỉnh Quảng Trị”.
Giống như chị Thương, ý tưởng thành lập tổ hợp may của chị Tô Thị Minh, ở tại thôn Thủy Trung, xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh đã đoạt giải Khuyến khích tại cuộc thi “Đề xuất ý tưởng/dự án khởi nghiệp” năm 2022. Chị Minh gây ấn tượng với chúng tôi bởi nụ cười thân thiện cùng dáng vẻ nhanh nhẹn.
Chị vốn là thợ may, nhưng trước đây chủ yếu chỉ nhận may những đơn hàng nhỏ lẻ. Nhận thấy đặc điểm của chị em trên địa bàn hầu hết đều thông thạo việc may vá, nhưng không ai chuyên về công việc này vì còn bận lo việc đồng áng, cạo mủ cao su nên chị Minh nảy ra ý tưởng tập hợp mọi người thành một tổ hợp may.
Ban đầu, tổ hợp của chị chỉ có khoảng 6 - 7 chị em ở gần nhà. Sau này, tổ hợp được nhiều chị em biết đến và xin vào làm việc, nâng tổng số người tham gia tổ hợp may lên thành 20 người. Tổ hợp của chị chủ yếu làm theo thời vụ, như mùa tựu trường thì may quần áo cho học sinh, đầu năm mới nhận làm túi xách... Trung bình mỗi đợt, chị nhận may khoảng vài trăm đến vài nghìn đơn hàng.
“Từ khi mở tổ hợp, số đơn hàng nhận về cũng được tăng lên đáng kể. Nhờ đó mà thu nhập của tôi và chị em cũng được tăng lên. Trung bình mỗi người có thêm khoảng 5 - 6 triệu đồng/ tháng”, chị Minh nói.
Khi được hỏi về những khó khăn gặp phải trong quá trình khởi nghiệp, chị chia sẻ, khó khăn lớn nhất vẫn là thiếu vốn. Được biết, để thành lập tổ hợp may này, chị Minh bỏ ra số tiền gần 200 triệu đồng để đầu tư máy móc. Hơn nữa, với số lượng lao động đông nhưng tay nghề khác nhau, chị cũng dành nhiều thời gian để chỉ dẫn chị em lại từ đầu.
Tháng 8/2022, khi tham gia lớp khởi nghiệp cho Hội LHPN địa phương tổ chức, chị đã được trang bị thêm nhiều kiến thức bổ ích liên quan đến vấn đề khởi nghiệp. Nhờ đó mà chị Minh đã lập kế hoạch cụ thể, xác định cho mình hướng đi đúng đắn nhất. Đặc biệt thời gian qua, với sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần từ Hội LHPN tỉnh, chị đã sắm sửa thêm máy móc mới để chuyên nghiệp hóa việc sản xuất.
Chị Thương hay chị Minh chỉ là 2 trong số rất nhiều chị em hội viên trên địa bàn đã được hỗ trợ hiện thực hóa những ý tưởng khởi nghiệp thời gian qua.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Thanh Hà cho hay: “Có thể khẳng định rằng, cuộc thi “Đề xuất ý tưởng/ dự án khởi nghiệp năm 2022” là sự nối tiếp thành công từ những cuộc trước đó như chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động; “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” do Unilever phối hợp với Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Đây không chỉ đơn thuần là “sân chơi” mà còn góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.
Từ đó thay đổi nhận thức cho phụ nữ và toàn xã hội về phong trào phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi sự kinh doanh. Đồng thời tạo môi trường cho phụ nữ vùng khó khăn, vùng sâu, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ nghèo mạnh dạn tham gia khởi nghiệp. Qua đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế cho cá nhân, gia đình và đất nước; thực hiện hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).
(Nguồn: Báo Quảng Trị)