Thông qua các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo, thời gian qua nhiều chị em phụ nữ ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã quảng bá, giới thiệu và bán những sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Nhiều chị em đã thành công với phương thức kinh doanh này. Để lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, áp dụng chuyển đổi số trong kinh doanh, vừa qua Hội LHPN huyện Hải Lăng đã tổ chức hội thi “Khởi nghiệp kinh doanh online với các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của địa phương”, thu hút đông đảo hội viên sôi nổi tham gia.
Nhiều năm nay, chị Lê Thị Thu Hường, chủ cơ sở sản xuất- kinh doanh (SXKD) Hải Linh ở xã Hải Quy được biết đến là một phụ nữ tiêu biểu kinh doanh online thành công với sản phẩm bột ngũ cốc mang thương hiệu Hải Linh. Vậy ở một làng quê thuần nông không có nhiều lợi thế như Hải Quy thì điều gì đã mang lại thành công cho mô hình kinh doanh online của chị Hường? Chia sẻ về điều này, chị Hường cho biết, nhận thấy lợi thế to lớn từ mạng xã hội facebook, ngay từ năm 2016 chị đã khởi nghiệp bán bột ngũ cốc bằng hình thức online. Chị xác định chất lượng sản phẩm là điều quan trọng hơn cả nên đầu tư làm ra sản phẩm ngũ cốc từ nguyên liệu được tuyển lựa kỹ. Chị thu mua các loại đỗ đậu, ngũ cốc sạch được canh tác ngay ở quê nhà.
“Cùng với việc làm ra sản phẩm đảm bảo sạch và chất lượng, tôi còn chăm chỉ chụp hình, quay video, livestream tư vấn, trả lời khách hàng qua facebook, zalo, tiktok và một số sàn thương mại điện tử… cùng với giá thành hợp lý nên dần được khách hàng tin tưởng ủng hộ. Từ những khó khăn ban đầu, đến nay việc kinh doanh online của tôi đã tương đối thuận lợi.
Theo tôi, để thu hút được khách hàng, ngoài chất lượng thì sản phẩm cần được đầu tư mẫu mã đẹp, bắt mắt, nhãn hiệu dễ nhận biết cũng như tạo niềm tin cho khách hàng bằng thái độ phục vụ tốt nhất”, chị Hường chia sẻ. Nhờ những nỗ lực không ngừng, đến nay sản phẩm ngũ cốc của chị Hường đã được chứng nhận sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện Hải Lăng.
Chị Hường cũng đã xây dựng được hệ thống bán hàng ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước với khoảng 30 địa chỉ phân phối chuỗi sản phẩm gồm ngũ cốc và tinh dầu tràm, sản phẩm từ các loại hạt… Chị cũng xây dựng được trang facebook bán hàng với hơn 6.000 lượt đăng ký và nhóm bán hàng với khách hàng thân thiết khoảng 3.000 thành viên; 80% doanh thu kinh doanh của chị Hường đến từ các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, các hội nhóm khách hàng… với hơn 150 triệu đồng/năm. Chị Hường cũng là một trong những phụ nữ tiên phong truyền cảm hứng về kinh doanh online cho nhiều chị em phụ nữ khác trên địa bàn huyện Hải Lăng.
Nếu có dịp đi qua Quốc lộ 1, khi đi đến thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, Hải Lăng, nhiều người biết về đặc sản bánh lọc gói lá Mỹ Chánh. Nghề làm bánh lọc ở đây ra đời từ lâu, được hàng chục hộ gia đình với hàng trăm nhân công tham gia làm nghề hằng ngày. Từ phương thức bán hàng truyền thống tại chỗ thì nay nhiều hộ ở đây đã biết ứng dụng các trang mạng xã hội như facebook, zalo, các sàn thương mại điện tử để bán hàng nên số lượng bánh bán ra ngày càng nhiều hơn.
Chị Hồ Thị Thanh Thủy, thành viên Cơ sở bánh lọc Huệ, một trong những cơ sở làm bánh lọc quy mô lớn ở Mỹ Chánh - đơn vị vừa được trao giải Nhất cuộc thi “Khởi nghiệp kinh doanh online với sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của địa phương” do Hội LHPN huyện Hải Lăng tổ chức, chia sẻ: “Bánh lọc của cơ sở được sản xuất từ nguyên liệu bột lọc, tôm, thịt được chọn kỹ lưỡng và gói trong lá chuối tươi nên đảm bảo thơm ngon, dẻo.
Bánh lọc “mỏng như lá tre” của Mỹ Chánh từ lâu đã trở thành thương hiệu. Để vận chuyển bánh đi xa và giữ được lâu, gần đây chúng tôi đã đầu tư máy hút chân không và tủ cấp đông để bảo quản sản phẩm được tốt”. Đến nay, bánh lọc của cơ sở Huệ đã được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, tem truy xuất nguồn gốc; được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao và đoạt giải Nhất cuộc thi sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của huyện Hải Lăng vào năm 2022.
“Nhờ tăng cường quảng bá, bán hàng qua các trang mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử mà bánh lọc Mỹ Chánh hiện đã mở rộng khách hàng trên phạm vi toàn quốc. Sản phẩm làm ra tiêu thụ rất tốt, nhờ đó thu nhập của cơ sở khá ổn định”, chị Thủy cho biết.
Ở xã Hải Hưng, nón lá Trà Lộc ra đời cách đây hàng trăm năm, từ lâu đã trở thành sản phẩm truyền thống được khách hàng gần xa biết đến và ưa chuộng. Làng nghề nón lá Trà Lộc cũng đã được tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống.
Sản phẩm nón lá Trà Lộc đã tham gia các lễ hội, hội chợ lớn trong huyện, tỉnh. Nón lá Trà Lộc được làm ra từ đôi bàn tay tài hoa của những người phụ nữ địa phương, nón có độ bền và ngày càng đẹp hơn với mẫu mã đa dạng, hợp với thị hiếu khách hàng.
Nón lá Trà Lộc được làm bằng lá cọ, nan tre già, sau khi hoàn thiện phần thô sẽ được quét một lớp dầu bóng bên trên để tăng độ bền, bóng, đẹp và chống thấm nước, ẩm mốc và mối mọt. Để tạo mẫu mã đa dạng, thời gian gần đây sản phẩm nón Trà Lộc còn thêu thêm hoa văn về phong cảnh, các địa danh nổi tiếng của quê hương Quảng Trị để quảng bá, thu hút khách du lịch.
Du khách có thể dễ dàng trực tiếp mua nón lá Trà Lộc ngay tại làng nghề, qua trang facebook Hội LHPN xã Hải Hưng hoặc các cửa hàng sản phẩm đặc trưng huyện Hải Lăng đặt tại Khu du lịch sinh thái Trà Lộc với giá từ 50.000 -70.000 đồng/nón.
Chị Hoàng Thị Kim Cúc, đại diện Tổ hợp tác bánh tét mặt trăng Đại An Khê, xã Hải Thượng cho biết, tổ hợp tác thành lập vào năm 2019 với 20 chị em tham gia. Sản phẩm bánh tét mặt trăng Đại An Khê đã được cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, được cấp tem truy xuất nguồn gốc và tháng 11/2021 đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Nhờ chú trọng đầu tư chất lượng song song với tăng cường giới thiệu, quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội, các sàn giao dịch thương mại điện từ mà sản phẩm bánh tét mặt trăng Đại An Khê dần được khách hàng biết đến, tin dùng và tạo được chỗ đứng trên thị trường.
Hiện nay mỗi ngày lượng bánh của tổ hợp tác xuất ra thị trường khoảng 2.500 cặp bánh tày, 300 bánh chưng và 300 đòn bánh tét. Sản phẩm bánh tét mặt trăng, bánh chưng, bánh tày Đại An Khê hiện đã được bày bán tại các cửa hàng giới thiệu, trưng bày, quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương trên địa bàn huyện Hải Lăng; các cửa hàng, siêu thị nông sản sạch trong tỉnh.
Đặc biệt, thời gian qua nhiều con dân Hải Lăng xa quê hương đã tâm huyết giới thiệu, quảng bá và tổ chức tiêu thụ rất tốt các sản phẩm bánh tét Đại An Khê tại TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, sản phẩm bánh tét, bánh tày, bánh chưng của Đại An Khê thường được chọn là sản phẩm tiêu biểu của tỉnh tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh…
“Các thành viên trong tổ hợp tác đang từng ngày nâng cao chất lượng, thẩm mỹ của sản phẩm trước khi đưa ra thị trường để đáp ứng tốt hơn thị hiếu ngày càng cao của khách hàng cũng như khẳng định thương hiệu bánh tét mặt trăng Đại An Khê”, chị Cúc cho hay.
Hoạt động của Tổ hợp tác bánh tét mặt trăng Đại An Khê không chỉ phát triển kinh tế cho các thành viên mà còn tạo việc làm, thu nhập thường xuyên cho 80-100 lao động tại địa phương; tạo thêm việc làm cho một số hộ nghèo, cận nghèo từ việc thuê gói bánh, thu mua nguyên liệu, nếp, lá chuối, rau ngót nhằm giúp họ cải thiện cuộc sống.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Hải Lăng Nguyễn Thị Phương Liễu cho biết, hội thi “Khởi nghiệp kinh doanh online với sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của địa phương” nhận được sự tham gia 16 mô hình, bài dự thi theo hình thức video clip do các hội cơ sở, hội viên phụ nữ thực hiện. Các bài thi này nêu ý tưởng khởi nghiệp, thuyết minh về sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của các xã để quảng bá, giới thiệu và được đăng tải trên Fanpage của Hội LHPN huyện Hải Lăng.
“Với nhiều ý tưởng sáng tạo trong cách trình bày, thể hiện, hình thức sinh động, phong phú, đúng chủ đề, người dẫn dắt với phong thái tự nhiên, cuốn hút, các bài dự thi đã để lại ấn tượng trong lòng người xem. Qua các bài dự thi đã tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn thể hội viên phụ nữ, qua đó nhằm tiếp thêm động lực cho các chị em có ý tưởng và mong muốn khởi nghiệp, lập nghiệp từ hình thức online”, chị Liễu chia sẻ.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)