Khởi nghiệp với “Mắm quê Lệ Thanh”

Hiếu Giang |

Với niềm đam mê các món mắm, chị Nguyễn Thị Lệ Thanh, (35 tuổi) ở Khu phố 1, Phường 3, TP. Đông Hà (Quảng Trị) đã có bước đầu khởi nghiệp khá thành công với loại thực phẩm đậm đà chất quê này. Không đơn thuần chỉ là khởi nghiệp mưu sinh, chị còn mong muốn đưa những món mắm quê vươn xa, tạo được thương hiệu trên thị trường.

Trong cơ sở sản xuất ở đường Bà Triệu, TP. Đông Hà, chị Lệ Thanh sắp xếp thời gian trò chuyện với chúng tôi và chia sẻ về cơ duyên đến với nghề chế biến mắm của mình. Sau khi tốt nghiệp ngành kế toán, chị Thanh vào TP. Hồ Chí Minh làm việc đúng chuyên ngành học được một thời gian. Tuy vậy, cảm thấy công việc không ổn định nên chị về quê và lập gia đình. Trong thời gian rảnh rỗi chưa có việc làm, một lần vào chơi nhà một người bà bên ngoại của mình ở Đà Nẵng, chị Thanh biết bà có làm mắm chay khá ngon.

Chị Nguyễn Thị Lệ Thanh, chủ cơ sở “Mắm quê Lệ Thanh” -Ảnh: Đ.V
Chị Nguyễn Thị Lệ Thanh, chủ cơ sở “Mắm quê Lệ Thanh” -Ảnh: Đ.V
“Vì thích ăn mắm và cũng yêu thích nghề làm mắm này nên sau đó tôi quyết định tìm hiểu để lập nghiệp với nghề này. Được sự hỗ trợ của bà, tôi học nghề rồi ra quê bắt đầu làm nghề này khoảng từ năm 2017. Nhưng khác với bà, tôi sản xuất các loại mắm mặn”, chị Thanh cho biết.

Dù bước đầu cũng gặp không ít khó khăn, nhiều mẻ mắm thất bại nhưng với sự kiên trì, đam mê và quyết tâm nên cuối cùng chị Thanh cũng đã thành công với nghề làm mắm. Tay nghề của chị theo đó ngày càng nâng lên, sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng, được khách hàng dần ưa chuộng.

Cơ sở của chị hiện sản xuất và kinh doanh các loại mắm và một số sản phẩm như mắm dưa cà, mắm cá cơm, mắm thính, mắm rò, cà dầm tương, tôm chua, cá chỉ vàng rim, mực rim, kiệu cuốn chua ngọt…

Theo chị Thanh, mắm của chị làm ra ngoài giữ được hương vị thơm ngon, thì điểm khác biệt với các loại mắm khác là nguyên liệu có thêm quả dưa gang (mắm ở Quảng Trị hầu như ít làm loại nguyên liệu này). Dưa gang kết hợp làm mắm sẽ cho vị ngọt, giòn, màu sắc bắt mắt. Sau nhiều năm gắn bó và dành nhiều tâm huyết với nghề sản xuất mắm thì khoảng 3 năm trở lại đây cơ sở của chị Lệ Thanh đã hoạt động hiệu quả, có thu nhập khá.

Phương châm làm nghề của chị là tạo ra loại mắm có hương vị truyền thống ngon, giòn và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, chị chăm sóc khách hàng tận tình, chu đáo; thường xuyên hỏi han người mua về sản phẩm để cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm ngày càng tốt hơn.

“Nghề làm mắm ít có sự cạnh tranh so với nhiều nghề khác bởi công việc khá kén người làm. Vượt qua những khó khăn ban đầu, đến nay cơ sở của tôi cũng đã hoạt động ổn định, đầu ra sản phẩm tốt”, chị Thanh nói thêm.

Hiện tại, mỗi ngày chị xuất bán ra thị trường từ 30 - 40 kg mắm các loại. Ngoài thị trường trong tỉnh, sản phẩm “mắm quê Lệ Thanh” còn có lượng khách hàng thường xuyên là người Quảng Trị đang sinh sống tại một số địa phương trong nước như: Quảng Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh…

Thông qua trang fanpage “Mắm quê Lệ Thanh” chị tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm của cơ sở mình chế biến, nhờ vậy ngày càng phát triển được mạng lưới cộng tác viên bán hàng cho cơ sở. Mặt khác, chị chú trọng đầu tư bao bì, nhãn mác bài bản và chuyên nghiệp để tiếp cận khách hàng tốt hơn.

Khởi nghiệp từ lúc khó khăn, đến nay cơ sở sản xuất kinh doanh mắm của chị Lệ Thanh bước đầu đạt được thành công đáng khích lệ. Trừ các chi phí, nghề này mang lại cho gia đình chị thu nhập bình quân khoảng 100 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, cơ sở của chị còn tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 3 - 4 lao động, chủ yếu phụ nữ lớn tuổi với mức tiền công 150.000 đồng/người/ ngày. Với hiệu quả thực tế của mô hình, tháng 4/2022, chị Thanh đoạt giải Nhì cuộc thi ý tưởng phụ nữ khởi sự kinh doanh “Phụ nữ Việt Nam tự tin làm kinh tế” do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam tổ chức.

“Tôi đang ấp ủ ý tưởng sẽ phát triển thêm một số món bình dân bán vào mùa hè như mắm nêm, mắm cà, cà dầm chua ngọt… Trên hành trình phát triển của cơ sở, tôi cũng mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, được tập huấn bán hàng, tham gia các ngày hội bán hàng, hội chợ xúc tiến, quảng bá sản phẩm”, chị Thanh bày tỏ.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hiện thực hóa những ý tưởng khởi nghiệp

Trúc Phương |

Từ cuộc thi “Đề xuất ý tưởng/dự án khởi nghiệp” năm 2022 do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Quảng Trị phát động, nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp, phát triển kinh tế của chị em hội viên đã ra đời. Trong số đó, có không ít ý tưởng, dự án được hỗ trợ tích cực để từng bước hiện thực hóa.

Phụ nữ nông thôn Vĩnh Linh khởi nghiệp từ nghề may

Mỹ Hằng |

Với cách làm sáng tạo, những năm qua, phong trào phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) ngày càng phát triển, lan tỏa rộng khắp, thu hút đông đảo chị em tham gia với nhiều ngành nghề. 

Khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia 2022

PV |

Ngày 2/12, tại Trung tâm Hội nghị triển lãm tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các cơ quan liên quan tổ chức khai mạc triển lãm và chuỗi các hoạt động của Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia 2022 (TECHFEST VIETNAM 2022).

Phụ nữ Hải Lăng khởi nghiệp bằng hình thức kinh doanh online

Hiếu Giang |

Thông qua các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo, thời gian qua nhiều chị em phụ nữ ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã quảng bá, giới thiệu và bán những sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của địa phương.