Thời gian qua, các cấp bộ đoàn trên địa bàn huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị quan tâm triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) đầu tư xây dựng, phát triển mô hình kinh tế phù hợp, hiệu quả.
Nhờ vậy, nhiều thanh niên ở địa phương được tiếp sức, vượt khó trong hành trình lập thân, lập nghiệp, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển KT-XH của huyện.
Anh Hồ Văn Tang, đoàn viên Chi đoàn thôn Xi Pa, xã Tà Long xuất thân trong một gia đình làm nông, quanh năm chăm chỉ làm ăn nhưng vì sử dụng phương thức sản xuất lạc hậu nên gia đình anh vẫn không thoát khỏi nghèo khó.
Được Huyện đoàn, Xã đoàn tuyên truyền, vận động, khuyến khích tham gia các hoạt động, phong trào thi đua sáng tạo, lập thân, lập nghiệp; tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, anh Tang quyết tâm phát triển kinh tế gia đình để thoát nghèo.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi qua kênh của đoàn thanh niên, năm 2016, anh xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp gồm: chăn nuôi 20 con dê, 5 con bò, ao cá 500 m2 , trồng 3 sào lúa nước, 2 ha rừng tràm. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nuôi trồng nên mô hình của anh phát triển tốt, tổng thu nhập bình quân mỗi năm hơn 120 triệu đồng.
“Từ hiệu quả của mô hình, tôi đã xây dựng được nhà ở kiên cố, có điều kiện nuôi 2 con học hành tốt hơn. Tôi sẵn sàng hướng dẫn, giúp đỡ ĐVTN trong thôn và Nhân dân cách đầu tư làm ăn để xóa đói giảm nghèo bền vững”, anh Tang chia sẻ.
Đối với anh Hồ Văn Sỹ, đoàn viên Chi đoàn thôn Tà Lang, xã Ba Lòng khởi nghiệp trong hoàn cảnh khá đặc biệt. Năm 2021, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về quê hương, vốn được rèn luyện tốt trong môi trường quân đội, anh năng nổ, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của đoàn và địa phương.
Được sự quan tâm của Huyện đoàn, Xã đoàn và qua tham quan, học hỏi từ các mô hình làm ăn hiệu quả, từ đôi bàn tay trắng, anh vay vốn ưu đãi xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp, chuồng trại chăn nuôi 3 lợn nái, 30 - 40 con lợn thịt/lứa, 4 con bò; trồng 2 ha tràm. Trong 2 năm qua, tổng thu nhập của gia đình anh từ mô hình này đạt trên 120 triệu đồng/năm.
Những mô hình năng động, sáng tạo như anh Tang, anh Sỹ và nhiều ĐVTN khác ở Đakrông đã cho thấy tuổi trẻ vùng khó không nên trông chờ, ỉ lại các chính sách của Đảng, Nhà nước mà phải chí thú làm ăn, tìm cách khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần làm phong phú các mô hình phát triển kinh tế ở nông thôn miền núi.
Đakrông là huyện nghèo, đa phần ĐVTN còn hạn chế về kỹ năng, kiến thức, vốn sản xuất kinh doanh… Để đồng hành với thanh niên trong lập thân, lập nghiệp, các cấp bộ đoàn ở Đakrông đổi mới mạnh mẽ phong cách, phương pháp làm việc của cán bộ đoàn với yêu cầu tôn trọng, gần gũi và có tinh thần trách nhiệm với thanh niên. Khuyến khích nhân rộng các mô hình kinh tế mới, hiệu quả trong tuổi trẻ.
Tăng cường tổ chức các hoạt động tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ thanh niên xây dựng các chương trình, dự án phát triển kinh tế góp phần giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn. Tổ chức tốt các hoạt động tư vấn định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đào tạo nghề và xuất khẩu lao động, đặc biệt là giúp đỡ thanh niên yếu thế; hướng dẫn, hỗ trợ thanh niên xây dựng và phát triển các mô hình, tổ hợp tác phát triển kinh tế.
Trong năm 2022, Huyện đoàn tổ chức “Ngày hội nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên” tại trường THPT Đakrông với sự tham gia của hơn 500 ĐVTN đến từ Đoàn trường THPT Đakrông và Đoàn thị trấn Krông Klang, Xã đoàn Mò Ó, Hướng Hiệp, Đakrông, Triệu Nguyên, Ba Lòng. Tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho ĐVTN, giúp họ tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, tổng dư nợ đến tại thời điểm này là 52 tỉ đồng.
Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá kênh bán hàng Quangtrimart.vn nhằm hỗ trợ ĐVTN bán hàng trực tuyến; vận động tham gia mạng lưới thanh niên khởi nghiệp tỉnh Quảng Trị để cùng chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình khởi nghiệp của thanh niên trên toàn tỉnh. Với tinh thần học hỏi và sự sáng tạo, nhiều thanh niên trên địa bàn huyện đã xây dựng thành công các mô hình sản xuất, cải thiện đời sống cho gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Bí thư Huyện đoàn Đakrông Nguyễn Đức Linh cho biết: “Thời gian tới, các cấp bộ đoàn trên địa bàn huyện tổ chức tốt các phong trào thi đua trong tuổi trẻ. Triển khai hiệu quả kết nối các mô hình, giải pháp, sản phẩm của thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp tới doanh nghiệp và xã hội; cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” cho các đối tượng thanh niên với chủ đề “Thanh niên Việt Nam với công cuộc chuyển đổi số quốc gia”; kết nối các mô hình, giải pháp, sản phẩm của thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp tới doanh nghiệp và xã hội.
Thành lập các CLB hướng nghiệp và khởi nghiệp trong đoàn trường và liên đội trong toàn huyện. Định kỳ tổ chức và nâng cao hiệu quả các mô hình, chương trình “Tôi chọn nghề”, “Bạn chọn nghề”, “Hành trình đến với trường nghề, làng nghề”, “Hành trình trải nghiệm ước mơ”, “Ngày hội nghề nghiệp việc làm trong đoàn viên, thanh niên”.
Nâng cao chất lượng các ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp; hội chợ việc làm; các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, thanh niên khuyết tật, thanh niên hoàn lương, bộ đội xuất ngũ; thanh niên xuất khẩu lao động. Thành lập, duy trì và nhân rộng các mô hình thanh niên liên kết phát triển kinh tế hiệu quả.
Chủ động phối hợp, tham gia triển khai hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong tổ chức các hoạt động quảng bá, kết nối ý tưởng kinh doanh, hỗ trợ đầu ra sản phẩm của thanh niên. Khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Quỹ Quốc gia về việc làm, vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và vận động các nguồn xã hội hóa để hỗ trợ thanh niên vay vốn làm kinh tế”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)