Những năm gần đây, phong trào phụ nữ vượt khó vươn lên, phát triển kinh tế gia đình được nhiều chị em ở vùng khó tích cực hưởng ứng và mang lại hiệu quả thiết thực. Mô hình chăn nuôi tổng hợp của chị Nguyễn Thị Hằng ở thôn Tân Hòa, xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) là một trong những điển hình của phong trào này.
Qua lời giới thiệu của chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Liên, chúng tôi được biết, mô hình chăn nuôi tổng hợp mà chị Hằng đang thực hiện không chỉ mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình chị mà còn là động lực để nhiều hội viên phụ nữ và người dân trong xã học tập, làm theo, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo, thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển.
Tuy nhiên, để có được thành quả hôm nay, chị Hằng đã không ngừng nỗ lực bởi khi mới lập gia đình, cuộc sống gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn. Tài sản lúc bấy giờ chỉ có vài sào đất trồng màu, vợ chồng chị lại thiếu kinh nghiệm sản xuất nên trồng trọt, chăn nuôi kém hiệu quả.
Với quyết tâm không thể thiếu thốn, đói nghèo mãi được mà cần tìm hiểu, thay đổi phương thức sản xuất để có cuộc sống ổn định, con cái có điều kiện học hành tốt hơn, chị Hằng tích cực tham gia sinh hoạt chi hội phụ nữ, hưởng ứng các phong trào thi đua do hội phát động, đặc biệt là phong trào phụ nữ vượt khó làm kinh tế giỏi. Bên cạnh đó, chị dành nhiều thời gian học hỏi cách chăn nuôi mới từ cán bộ nông nghiệp xã, các mô hình kinh tế hiệu quả ở địa phương và qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Năm 2016, cùng với một ít vốn dành dụm được của gia đình, chị được Hội LHPN xã đứng ra tín chấp vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện để đầu tư mua thêm đất xây dựng gia trại rộng gần 3 ha. Cùng với việc xây dựng hệ thống chuồng trại, chị Hằng mua con giống để chăn nuôi lợn, đào ao thả cá. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi đúng cách, bố trí chuồng trại bài bản nên đàn vật nuôi của gia đình chị phát triển nhanh. Mỗi năm chị Hằng nuôi từ 3 - 4 lứa lợn với khoảng 200 con/lứa, 17 con lợn nái để chủ động nguồn lợn giống; 3 hồ cá, mỗi hồ rộng khoảng 0,5 ha với các loại cá trắm, rô phi, trê...
Kinh tế gia đình ngày càng phát triển, ngoài trả nợ ngân hàng, chị Hằng còn có tiết kiệm để tiếp tục mở rộng mô hình chăn nuôi. Nắm bắt nhu cầu của thị trường, 3 năm gần đây, chị Hằng đầu tư chăn nuôi gà, ngan với quy mô gần 500 con/năm… Tận dụng điều kiện tự nhiên, đất đai sẵn có, cùng với làm tốt vệ sinh chuồng trại, lựa chọn thức ăn hợp lý nên chất lượng vật nuôi luôn đảm bảo, nhiều lúc cung không đủ cầu. Hiện gia trại chăn nuôi của chị Hằng là một trong những đầu mối chuyên cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân tại địa phương. Với tổng giá trị đầu tư cho gia trại trên 1 tỉ đồng, hiện mỗi năm gia đình chị Hằng lãi khoảng 300 triệu đồng, trở thành một trong những mô hình kinh tế lớn của phụ nữ địa phương.
Chị Hằng chia sẻ: “Để có được kết quả như ngày hôm nay là cả một quá trình phấn đấu lao động của bản thân tôi và gia đình. Qua một thời gian đổi mới cách thức sản xuất, tôi rút ra được kinh nghiệm cho bản thân là muốn xây dựng mô hình kinh tế thành công, trước hết phải chọn hướng đi đúng, phù hợp với khả năng và quan trọng là phải kiên trì, chịu khó, biết phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương; không ngừng học hỏi kinh nghiệm của người đi trước để ngày càng tiến bộ”.
Bên cạnh làm kinh tế giỏi, chị Hằng còn tích cực chia sẻ, giúp đỡ những hội viên phụ nữ khó khăn giúp họ thoát nghèo bền vững như: kinh nghiệm lựa chọn vật nuôi, xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm… Đặc biệt, trong thời điểm COVID-19 diễn biến phức tạp, chị Hằng cũng tích cực đóng góp kinh phí, lương thực, thực phẩm để ủng hộ địa phương phòng chống dịch.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)