Lập nghiệp, làm giàu trên quê hương

Hiếu Giang |

Trong khoảng 5 năm qua, phong trào thanh niên lập thân, khởi nghiệp và làm giàu trên quê hương ở xã Hải Quy, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) diễn ra sôi nổi. Nhiều mô hình thanh niên phát triển kinh tế đã thành công, tạo sức lan tỏa lớn thúc đẩy phong trào thanh niên thi đua làm giàu, phát triển kinh tế ở địa phương và góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động nông thôn.


Sau nhiều năm bôn ba làm ăn ở các tỉnh phía Nam, năm 2018 anh Võ Thanh Tùng ở thôn Văn Vận, xã Hải Quy đã quyết định trở về quê hương để phát triển kinh tế. Với vốn liếng tích góp được cùng với sự đồng hành, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi từ kênh giải quyết việc làm của tổ chức đoàn ở địa phương, ban đầu anh Tùng khởi nghiệp bằng cơ sở gia công nhôm kính. Sau một thời gian làm ăn hiệu quả, anh Tùng thành lập Công ty TNHH ACH, mở rộng thêm lĩnh vực thiết kế xây dựng, thi công nội thất, thi công trần, vách thạch cao… đồng thời xây dựng thêm kho xưởng, cơ sở sản xuất ở thị xã Quảng Trị, thị trấn Ái Tử (huyện Triệu Phong) để thuận lợi trong việc làm ăn. Công việc của anh Tùng thuận lợi và phát triển tốt, công trình anh nhận được ngày càng nhiều hơn ở khắp nơi trong tỉnh. Nhờ vậy, kinh tế gia đình anh không chỉ được nâng lên mà lao động tại địa phương đã được anh tuyển về làm việc ngày càng nhiều hơn.

Anh Võ Thanh Tùng, thôn Văn Vận, xã Hải Quy (trái) tại cơ sở gia công nhôm kính của mình - Ảnh: Đ.V
Anh Võ Thanh Tùng, thôn Văn Vận, xã Hải Quy (trái) tại cơ sở gia công nhôm kính của mình - Ảnh: Đ.V 

Đến nay, có khoảng 23 nhân công, trong đó đa số là lao động trẻ tuổi được anh đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định với mức thu nhập đạt từ 5 - 7 triệu đồng/người/ tháng. Anh Tùng cho biết, tổng doanh thu năm vừa qua của công ty anh đạt khoảng 35 tỉ đồng, sau khi trừ các chi phí thì lợi nhuận đạt từ 10 - 15% tổng doanh thu.

“Không đâu bằng ở quê hương mình. Ở đây mình vừa gần gia đình, vừa làm ăn thuận lợi, vừa giúp các bạn trẻ được học nghề, có việc làm. Thời gian tới, mình sẽ cố gắng duy trì ổn định và mở rộng thêm quy mô để có thể tạo được nhiều hơn việc làm, thu nhập cũng như góp phần truyền nhiệt huyết, tạo động lực vươn lên cho nhiều đoàn viên, thanh niên ở địa phương”, anh Tùng chia sẻ.

Anh Lê Thanh Dũng, thôn Quy Thiện, xã Hải Quy trở về quê lập nghiệp với mô hình chăn nuôi lợn - Ảnh: Đ.V
Anh Lê Thanh Dũng, thôn Quy Thiện, xã Hải Quy trở về quê lập nghiệp với mô hình chăn nuôi lợn - Ảnh: Đ.V


Sau nhiều năm rong ruổi đi làm xây dựng ở tỉnh Kon Tum, cách đây 2 năm, anh Lê Thanh Dũng, 39 tuổi ở thôn Quy Thiện, xã Hải Quy cũng chọn cách trở về quê để lập nghiệp với mô hình chăn nuôi lợn. Tận dụng mảnh vườn của gia đình, anh Dũng đầu tư chuồng trại chăn nuôi lợn và xây dựng hệ thống hầm biogas để vừa xử lý tốt môi trường, vừa lấy nguồn nhiên liệu phục vụ việc nấu nướng cho gia đình. Từ khi khởi nghiệp chăn nuôi đến nay, mỗi năm anh thực hiện nuôi bình quân 3 lứa lợn thịt, mỗi lứa quy mô 30 con; cùng với đó anh còn nuôi 5 lợn nái sinh sản để chủ động nguồn giống nuôi. Nhờ nắm vững kiến thức chăn nuôi và thú y cũng như có đầu ra ổn định nên việc chăn nuôi của anh Dũng có hiệu quả.

“Mô hình chăn nuôi của gia đình tôi trong 2 năm qua đạt lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/năm. Thời gian qua, giá thức ăn cho lợn tăng cao nên lợi nhuận chăn nuôi mang lại ít hơn. Thời gian tới tôi sẽ vay vốn ưu đãi để mở rộng mô hình, nâng đàn lợn nái sinh sản lên 15 con, thả nuôi thêm lợn rừng. Hiện nay, tôi đã mua chiếc máy chế biến thức ăn để tận dụng nguồn cám gạo, ốc, cá có sẵn với giá rẻ tại địa phương để tạo thêm nguồn thức ăn cho lợn nhằm giảm tối đa chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận”, anh Dũng cho biết.

 Chị Lê Thị Thu Hường ở thôn Quy Thiện, xã Hải Quy giờ đây đã là chủ cơ sở Hải Linh, chuyên về sản xuất ngũ cốc có thương hiệu và uy tín, được đông đảo khách hàng gần xa tín nhiệm. Sớm biết tận dụng mạng xã hội để kinh doanh, ngay từ năm 2016, chị Hường đã khởi nghiệp bán bột ngũ cốc bằng hình thức online.

“Hồi đầu kinh doanh online mặt hàng ngũ cốc, nhờ sản phẩm của mình có chất lượng tốt, giá thành hợp lý nên dần được khách hàng tin tưởng ủng hộ nên mình có thu nhập rất tốt. Đến nay mình đã xây dựng được hệ thống bán hàng ở nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc với khoảng 20 địa chỉ phân phối chuỗi sản phẩm của mình gồm: Ngũ cốc và tinh dầu tràm, sản phẩm từ các loại hạt… Mình cũng đã xây dựng được trang Facebook bán hàng với hơn 6.000 lượt đăng ký và nhóm bán hàng với khách hàng thân thiết khoảng 3.000 thành viên nên cũng rất thuận lợi cho việc bán hàng”, chị Hường chia sẻ.

Để có được sản phẩm ngũ cốc đạt chất lượng tốt, chị Hường tìm mua nguồn nguyên liệu sạch ngay tại địa phương để chế biến; tinh dầu tràm thì chị đặt mua “độc quyền” cho một lò sản xuất tinh dầu tràm tại địa phương và nhiều sản phẩm khác chị cũng sản xuất, chế biến với tiêu chí chất lượng tốt và sạch đặt lên hàng đầu. Sản phẩm ngũ cốc cơ sở Hải Linh của chị Hường cũng vinh dự được chọn là sản phẩm OCOP của huyện Hải Lăng. Cơ sở của chị Hường mỗi năm cho thu nhập khoảng hơn 200 triệu đồng.

Chị Lê Thị Thu Hường (trái), chủ cơ sở Hải Linh chuyên sản xuất bột ngũ cốc có uy tín, chất lượng - Ảnh: Đ.V
Chị Lê Thị Thu Hường (trái), chủ cơ sở Hải Linh chuyên sản xuất bột ngũ cốc có uy tín, chất lượng - Ảnh: Đ.V


Bí thư Xã đoàn Hải Quy Võ Thị Ngọc Diệp cho biết, hiện nay trên địa bàn toàn xã Hải Quy có gần 20 mô hình kinh tế thanh niên lập nghiệp với đa dạng các mô hình sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các loại hình dịch vụ... So với những vùng đô thị có điều kiện phát triển kinh tế tốt hơn thì những kết quả bước đầu của đoàn viên, thanh niên ở Hải Quy rất đáng khích lệ. “Thời gian tới, Xã đoàn sẽ duy trì việc phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội để hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi, kiến nghị tăng hạn mức vay cho thanh niên phát triển kinh tế và UBND xã giúp đỡ các mô hình kinh tế của thanh niên theo chương trình khuyến công. Xã đoàn cũng hỗ trợ tối đa cho những đoàn viên thanh niên có mô hình, ý tưởng khởi nghiệp, lập nghiệp có triển vọng”, chị Diệp thông tin thêm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Mô hình nuôi gà ri mở hướng làm giàu trên đất cát

Minh Kha |

Những năm qua, từ phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” trên địa bàn huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã xuất hiện nhiều cá nhân điển hình về phát triển kinh tế. Chị Nguyễn Thị Cẩm Mỹ ở Thôn 7, xã Triệu Vân là một trong số đó. Từ một hộ khó khăn, được sự hỗ trợ của các cấp hội phụ nữ và ý chí vượt khó, ham học hỏi, chị đã xây dựng thành công mô hình nuôi gà ri trên cát, mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.

Pỉ Tâm vượt khó làm giàu

Minh Long |

Với quyết tâm sớm thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng trên đồng đất quê nhà, những năm qua, Pỉ Tâm (Hồ Thị Thư), người dân tộc Vân Kiều, ở thôn Mới, xã Thanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) tích cực khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp. Nhờ chịu thương, chịu khó, biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên kinh tế gia đình chị ngày càng đi lên.

Người ở lại Tân Pun để làm giàu

Bích Liên |

Sau gần 17 năm thành lập, từ một vùng đất hoang vu, cây cối um tùm, giờ đây, qua bàn tay khai phá của những người trẻ, làng thanh niên lập nghiệp Tân Pun, nay sáp nhập đổi tên thành Mã Lai Pun, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã chuyển mình, cuộc sống người dân được cải thiện, ấm no hơn. Đến Tân Pun hôm nay, nhiều người nhắc đến anh Nguyễn Văn Diễn, một trong những người đã quyết tâm bám đất bám làng, không chỉ sống được mà còn làm giàu trên quê hương mới.

Phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp, vươn lên làm giàu

Hoàng Giang |

Những ý tưởng, dự án từ Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức đã cho thấy ngày càng có nhiều phụ nữ mạnh dạn, năng động, khởi nghiệp để vươn lên làm giàu chính đáng, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, góp phần nâng cao giá trị nông sản địa phương.