Sau gần 17 năm thành lập, từ một vùng đất hoang vu, cây cối um tùm, giờ đây, qua bàn tay khai phá của những người trẻ, làng thanh niên lập nghiệp Tân Pun, nay sáp nhập đổi tên thành Mã Lai Pun, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã chuyển mình, cuộc sống người dân được cải thiện, ấm no hơn. Đến Tân Pun hôm nay, nhiều người nhắc đến anh Nguyễn Văn Diễn, một trong những người đã quyết tâm bám đất bám làng, không chỉ sống được mà còn làm giàu trên quê hương mới.
Anh Diễn sinh năm 1979 ở xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, là một trong những thanh niên đầu tiên đặt chân đến Tân Pun khi làng thanh niên lập nghiệp mới được thành lập năm 2004. Ngay từ ngày đó, anh đã xác định gắn bó, xem đây là quê hương thứ hai để lập nghiệp. Anh Diễn chia sẻ: “Tôi đã trải qua quãng thời gian rất khó khăn, vất vả mới có thể bám trụ lại đây cho đến hôm nay, trong khi nhiều gia đình khác đã bỏ đi nơi khác để làm ăn, sinh sống. Những ngày đầu chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, ngay cả khí hậu dường như cũng khó chịu hơn so với những nơi khác. Tuy nhiên, vốn là con nhà nông, chịu khổ đã quen, với lại nhận thấy đất đai ở đây màu mỡ, tôi quyết tâm bám trụ đến cùng để gây dựng sự nghiệp”.
Những ngày đầu lập nghiệp, anh Diễn trồng cà phê, nuôi gà, nuôi trâu bò theo hình thức chăn thả, bán chăn thả. Rồi dần dần, khi tích lũy được một ít vốn, anh mở rộng quy mô chăn nuôi, thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp. 5 năm trở lại đây, anh đầu tư nuôi trâu bò theo hình thức vỗ béo, sinh sản kết hợp với nuôi chăn thả trên đồng cỏ tự nhiên. Hiện tại, anh có trong tay đàn bò 25 con nuôi theo hình thức chăn thả và 20 con trâu, bò vỗ béo. Vợ chồng anh sở hữu gần 8 ha đất, trong đó có 4 ha trồng cà phê, hơn 1,5 ha đất đồi gần nhà trồng cỏ, bắp để cung cấp thức ăn cho trâu, bò, diện tích còn lại anh trồng các loại cây ăn quả để tăng thêm thu nhập.
Anh Diễn cho biết thêm: “Sau 17 năm gắn bó với mảnh đất này, vượt qua nhiều khó khăn, bây giờ tôi đã xây dựng được cơ ngơi ổn định. Trong tương lai, nuôi trâu, bò vỗ béo sẽ là hướng chính trong làm kinh tế của gia đình. Bên cạnh đó, tận dụng những điều kiện sẵn có, đất đai, đồng cỏ rộng lớn, tôi nuôi luôn bò sinh sản. Mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu về gần 200 triệu đồng từ việc chăn nuôi trâu, bò”.
Cùng với đó, những năm trở lại đây, khi giá cà phê bấp bênh, cà phê quả tươi bán ra năm được năm mất, từ năm 2018 anh Diễn chủ động mở cơ sở chế biến cà phê rang xay ngay tại nhà. Cà phê do cơ sở của gia đình anh chế biến được thu mua từ người dân trong vùng và từ chính vườn cà phê của gia đình anh. Sau khi trừ các khoản chi phí, cơ sở chế biến cà phê mang về cho gia đình anh từ 50 - 70 triệu đồng mỗi năm. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao, cơ sở chế biến cà phê rang xay giúp gia đình anh Diễn và người trồng cà phê quanh vùng chủ động đầu ra cho sản phẩm với giá cả ổn định. Sản phẩm được tiêu thụ tại các cửa hàng, quán cà phê trên địa bàn huyện, và cả ở một số thành phố như Hội An, Hà Nội…
Nhắc đến câu chuyện bám làng mới làm kinh tế của anh Diễn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hướng Phùng Hà Ngọc Anh Dũng cho biết: “Anh Diễn là nông dân siêng năng, chịu khó trong lao động. Đặc biệt, với sức trẻ và tư duy năng động của tuổi trẻ, anh đã tiên phong, mạnh dạn đầu tư chăn nuôi theo hướng mới, mang lại hiệu quả cao hơn. Như việc chuyển đổi mô hình sản xuất, chế biến cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho gia đình và người trồng cà phê quanh vùng. Ngoài ra anh đã sử dụng tốt các nguồn vay để phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung (nuôi nhốt), vừa tận dụng phân bón cho cà phê, vừa tận dụng sức kéo của gia súc cho trồng trọt. Đất sẽ không phụ công người biết đổ mồ hôi tưới tắm, vun trồng”.
Không chỉ chịu khó mày mò, học hỏi, mạnh dạn làm kinh tế để đem lại cuộc sống ấm no cho gia đình mình, là thành viên chủ chốt của làng thanh niên lập nghiệp từ những ngày đầu thành lập, anh Diễn luôn sẵn lòng giúp đỡ các gia đình khác trong thôn, xóm. Từ kỹ thuật cải tạo đất cho đến trồng cây, cách chăm sóc đàn vật nuôi sao cho khéo, người làm trước bày cho người làm sau, người có điều kiện hỗ trợ cho người còn khó khăn. Cứ như thế, 17 năm kể từ ngày thành lập, bao nhiêu người đến rồi đi vì không chịu được cực khổ, nhưng làng thanh niên lập nghiệp Tân Pun đã đổi thay từng ngày, no ấm hơn, nhiều hy vọng hơn. Điều đó có được một phần nhờ những người luôn chung thủy, trăn trở với mảnh đất mình đã lựa chọn như Nguyễn Văn Diễn.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)