Lập nghiệp từ tinh dầu thiên nhiên nơi miền nắng gió

Đan Tâm |

Những năm gần đây, các sản phẩm như nước súc miệng thảo dược Perfect, tinh dầu tràm, tinh dầu khuynh diệp, nước cất trầu không… của Công ty TNHH Tinh dầu tràm Bảo Ngọc ở thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng. 

Các sản phẩm này đã được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2018 (sản phẩm tinh dầu tràm), chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2020 (bộ sản phẩm tinh dầu thiên nhiên tinh dầu tràm, tinh dầu khuynh diệp, nước cất trầu không), cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt hạng 3 sao năm 2020 (sản phẩm nước súc miệng thảo dược Perfect). Điều đáng quan tâm là tất cả các sản phẩm trên đều có nguồn gốc từ thiên nhiên. Cây trái trên những vùng đất nắng gió Quảng Trị đã được thu hái, chưng cất, tinh chế ra thành những sản phẩm góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe con người…

Khẳng định thương hiệu từ...lá trầu không

Ngồi trong phòng khách căn nhà dùng làm trụ sở công ty, cũng là nơi sản xuất những sản phẩm chủ lực hướng mặt ra hồ Khe Chè lộng gió giữa lòng thị trấn Diên Sanh, Hải Lăng, chị Nguyễn Thị Thanh Khiết, Giám đốc Công ty TNHH Tinh dầu tràm Bảo Ngọc kể cho tôi nghe quá trình lập nghiệp đầy gian nan và thú vị của mình.

“Bắt đầu cũng từ lò nấu dầu tràm được đặt tên là Bảo Ngọc, đi vào hoạt động năm 2016 đặt tại thôn Thuận Đức, xã Hải Vĩnh (cũ) thôi anh. Sau đó mới phát triển dần ra, đến tháng 11/2017 thì thành lập Công ty TNHH Tinh dầu tràm Bảo Ngọc và nỗ lực để có được cơ ngơi như ngày hôm nay”, chị Khiết chia sẻ.

Các sản phẩm của Công ty TNHH Tinh dầu tràm Bảo Ngọc cùng các sản phẩm đặc trưng của tỉnh tham gia kết nối cung cầu hàng hóa giữa tỉnh Quảng Trị và các địa phương trong nước - Ảnh: Đ.T
Các sản phẩm của Công ty TNHH Tinh dầu tràm Bảo Ngọc cùng các sản phẩm đặc trưng của tỉnh tham gia kết nối cung cầu hàng hóa giữa tỉnh Quảng Trị và các địa phương trong nước - Ảnh: Đ.T

Khi tôi hỏi về cơ duyên nào đưa chị Khiết đến với một nghề “dễ làm, khó giỏi” như nghề chưng cất dầu tràm, chị Khiết cho biết, hồi ở thị xã Quảng Trị, mỗi lần về quê vùng đồng bằng Triệu Phong, đi qua những nơi lúp xúp cây tràm, chị lại nhớ đến mùi hương dịu nhẹ, đặc trưng của tinh chất dầu tràm thuở nhỏ, rồi để ý, rồi cứ lấn cấn trong lòng có phải đây là hướng làm ăn mà mình có thể theo đuổi? Cho đến khi niềm đam mê và sự tính toán đã vượt lên, lấn át cái sự đắn đo ban đầu, chị mạnh dạn mở lò dầu tràm đặt tên là Bảo Ngọc. Điều đáng mừng là qua nhiều khó khăn, vất vả, đặt cả vào đó không biết bao nhiêu tâm huyết và kinh nghiệm, sản phẩm tinh dầu tràm mang thương hiệu Bảo Ngọc dần được thị trường đón nhận, việc làm ăn đã bắt đầu thuận lợi…

Không dừng lại ở đó, được ấp ủ từ năm 2018 cho đến tháng 2/2020, khi COVID-19 bùng phát trên thế giới cũng như ở Việt Nam, những sản phẩm vệ sinh phục vụ nhu cầu của con người trong phòng, chống dịch bệnh được người tiêu dùng lựa chọn sử dụng và nhu cầu thị trường tăng lên như khẩu trang y tế, các loại nước sát khuẩn tay, nước súc miệng... Đó cũng chính là một trong những động lực để sản phẩm nước súc miệng thảo dược Perfect của Công ty TNHH Tinh dầu tràm Bảo Ngọc ra đời.

Chị Khiết cho biết, công ty đã xác định được nhu cầu của người tiêu dùng là luôn ưu tiên lựa chọn và hướng đến các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên với phương châm đảm bảo tốt cho sức khỏe con người. Do vậy, khâu quan trọng đầu tiên để hoàn thiện sản phẩm là lựa chọn những nguyên liệu có tính kháng khuẩn cao và phù hợp cho vệ sinh răng miệng.

Được sự hỗ trợ của những người anh, người bạn ở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cộng với tìm hiểu kinh nghiệm truyền thống của ông cha ta từ bao đời nay, chị đã quyết định chọn 5 loại nguyên liệu thiên nhiên để cho ra đời dòng sản phẩm nước súc miệng thảo dược gồm trầu không 60%, bạc hà 10%, lá dứa thơm 5%, menthol 5%, chanh tươi 10%, vỏ quế 10% và muối sinh lý vừa đủ.

Theo chị Khiết, nói đến lá trầu không, không chỉ là loại lá để ăn kèm với cau, vôi theo thói quen ăn trầu truyền thống của người già xưa nay, mà còn là một loại thuốc do có chứa các chất tinh dược. Các tài liệu nghiên cứu cho thấy, trầu không có tác dụng kháng sinh rất mạnh đối với các loại vi trùng như tụ cầu, subtilit và trực trùng.

Theo Đông y, lá trầu không có vị cay nồng, ấm, mùi thơm hắc, có chứa chất chống oxy hóa rất tốt cho răng, miệng và hệ tiêu hóa. Ngoài ra, lá trầu không còn có tác dụng tiêu viêm, sát trùng, trừ phong thấp…nên được sử dụng phổ biến trong việc điều trị chứng hôi miệng, viêm lợi… Lá bạc hà có vị cay the, tính ấm, tạo vị mát khi đi vào khí quản. A xít trong vỏ chanh tươi góp phần súc sạch từng kẻ răng, đánh bay mảng bám, làm trắng răng. Vỏ quế có tính kháng khuẩn, kháng nấm, làm dịu tổn thương khi bị viêm lợi, nhiệt miệng, đau răng, viêm nướu, viêm họng... Lá dứa giúp cho hơi thở thơm mát.

Với những ưu điểm tuyệt vời như thế, chị cùng với nhân viên của mình tìm đến những vùng nguyên liệu trong tỉnh để khảo sát và tìm mua. Lá trầu không có nhiều ở vùng Cùa, Cam Lộ; huyện Vĩnh Linh dồi dào nguồn quả chanh tươi; lá dứa thơm thì có sẵn tại thị trấn Diên Sanh, Hải Lăng; lá bạc hà chị thu mua tận Phong Điền, Thừa Thiên Huế… Chị còn lặn lội lên Yên Bái, tìm đến tận nơi mua vỏ quế để đảm bảo chất lượng.

Lá trầu được lựa chọn kỹ sao cho lá không già, không non. Từ lá trầu, bộ phận kỹ thuật của công ty sẽ chiết xuất nước cất trầu không sử dụng làm sản phẩm nước súc miệng thảo dược. Bình quân một tấn lá trầu (có giá 30.000 đồng/kg) đưa vào lò chiết xuất được khoảng 2.000 - 2.300 lít nước cất lá trầu. Với bạc hà, cây phải được trồng từ 5 tháng trở lên mới sử dụng vì lúc đó có đủ hàm lượng tinh dầu. Lá dứa thơm phải chọn lá già. Sau đó, ba loại lá này được rửa sạch và xay nhỏ. Đối với chanh tươi, phải chọn những quả có vỏ dày, không quá già.

Dân gian thường nói: “vắt chanh bỏ vỏ”. Chị thì làm ngược lại, bỏ phần nước và hạt, chỉ dùng vỏ chanh. Sau khi chuẩn bị nguyên liêu theo tỉ lệ chuẩn thì tất cả được đưa vào chưng cất theo phương pháp lôi cuốn hơi nước. Quá trình sản xuất, đóng gói khép kín bằng dây chuyền tự động và bán tự động, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn cho sản phẩm.

Trước khi cho ra thị trường, sản phẩm nước súc miệng thảo dược Perfect đã được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm an toàn vệ sinh cho sản phẩm và kiểm định test mẫu về các chỉ tiêu chất lượng ở Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh Quảng Trị. Cho đến nay, sản phẩm đã có mặt trên thị trường ở trong tỉnh cũng như ở các đại lý, cửa hàng trên toàn quốc, đặc biệt sản phẩm đã có mặt tại các nhà thuốc ở các thành phố lớn, lượng tiêu thụ mỗi tháng trên 10.000 chai, được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt hạng 3 sao năm 2020.

Đó chính là kết quả được “chưng cất” qua quá trình nghiên cứu, học hỏi và sáng tạo trong phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường với dòng sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, khẳng định hướng đi tích cực, năng động của chị Khiết cũng như của Công ty TNHH Tinh dầu tràm Bảo Ngọc.

Góp phần chống dịch bằng những sản phẩm “cây nhà lá vườn”

Chị Khiết cho biết, để có thể mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, chị đang hướng tới việc đầu tư nhà máy chiết xuất tinh dầu, sản xuất mỹ phẩm và thiết bị y tế tại Cụm Công nghiệp Diên Sanh, Hải Lăng với diện tích cần có vào khoảng 5.000 m2.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, từ năm 2017, khi mới thành lập, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty ban đầu chỉ gói gọn mặt hàng tinh dầu tràm với quy mô nhỏ, sản lượng chỉ xấp xỉ 300 lít/năm. Cho đến hiện tại, mức tiêu thụ tinh dầu tràm đã đạt trên 2.000 lít/năm. Các sản phẩm của công ty không chỉ đơn thuần là tinh dầu tràm mà đã đa dạng hơn, đi sâu vào lĩnh vực mỹ phẩm, y tế như dung dịch xịt rửa xoang mũi, nước súc miệng thảo dược lá trầu, dung dịch vệ sinh phụ nữ…

Hoàn thiện sản phẩm nước súc miệng thảo dược Perfect - Ảnh: Đ.T
Hoàn thiện sản phẩm nước súc miệng thảo dược Perfect - Ảnh: Đ.T

Theo chị Khiết, trong thời gian COVID-19 bùng phát, thị trường sản xuất, kinh doanh khẩu trang, nước rửa tay khô trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến việc sản xuất, kinh doanh loại hàng hóa này. Qua khảo sát thị trường từ tỉnh Thừa Thiên Huế đến Quảng Trị, Quảng Bình chưa có nhà máy sản xuất khẩu trang y tế, nước cất dùng trong ngành y tế. Với những điều kiện thuận lợi và kinh nghiệm tích lũy được sau nhiều năm sản xuất, kinh doanh các mặt hàng tinh dầu, lãnh đạo Công ty TNHH Tinh dầu tràm Bảo Ngọc quyết định mở rộng quy mô sản xuất mới đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và nhà phân phối với đòi hỏi nhà xưởng sản xuất phải thông thoáng, rộng rãi, khép kín, phù hợp tiêu chuẩn sản xuất mỹ phẩm và sản phẩm y tế theo quy định. Do vậy, qua tìm hiểu quỹ đất quy hoạch tại Cụm Công nghiệp Diên Sanh, công ty thấy nơi đây là địa điểm thuận lợi để mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho thị trường trong nước và tham gia xuất khẩu.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc đảm bảo chủ động nguồn nguyên liệu cho việc mở rộng quy mô sản xuất những mặt hàng mới, chị Khiết cho hay, công ty đã kết hợp với các đối tác ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ nguyên liệu của dự án trồng và phát triển cây tràm năm gân tại xã Triệu Trạch, Triệu Phong để đưa vào sản xuất. Ngoài ra, công ty còn thu mua nguyên liệu của người dân ở các xã trên địa bàn Hải Lăng và những nơi khác. Nguồn nguyên liệu để sản xuất nước súc miệng, dung dịch vệ sinh thảo dược, dung dịch xịt xoang mũi… chủ yếu là lá trầu không, lá sả, chanh, dứa, cây cỏ hôi… tất cả đều có sẵn trong tự nhiên. Khi mở rộng sản xuất, công ty sẽ xem xét để có thể nhân một số giống cây, trồng tập trung nhằm chủ động nguồn nguyên liệu.

Về sản xuất khẩu trang y tế, phôi vải là nguyên liệu chính để sản xuất khẩu trang sẽ được nhập từ các nhà máy sản xuất phôi vải ở miền Bắc, chủ yếu là Thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Giang. Phôi vải này kết hợp với nước cất hydrosol tràm cho thẩm thấu trên khẩu trang để cho ra dòng khẩu trang y tế có tinh dầu tràm, tạo mùi thơm dễ chịu khi hít vào, làm tăng khả năng kháng khuẩn cho khẩu trang.

Đây là sự khác biệt giữa khẩu trang y tế thông thường và khẩu trang có tinh dầu tràm do Công ty TNHH Tinh dầu tràm Bảo Ngọc sản xuất trong nay mai. Hy vọng dòng khẩu trang này sẽ cạnh tranh tốt trên thị trường, được người tiêu dùng đón nhận, góp phần phòng, chống COVID-19 hiệu quả.

Chị Khiết cho chúng tôi xem hình ảnh hàng trăm chai xịt rửa tay sát khuẩn của công ty sản xuất dành tặng Sở Công thương, Hội Chữ thập đỏ Thành phố Hồ Chí Minh đã được đưa đến tận các chốt, góp một phần ngăn chặn dịch bệnh nơi tuyến đầu phòng, chống COVID-19. Cùng với rau, củ, quả, mắm, muối… những sản phẩm “cây nhà lá vườn” kết tinh từ cây trái thơm lành nơi miền đất lửa Quảng Trị đã gửi gắm rất nhiều tình cảm “bầu bí thương nhau” hỗ trợ đồng bào phương Nam ruột thịt khi COVID-19 bùng phát.

Và tôi chợt nhận ra rằng, cùng với muôn tấm lòng sát cánh với các tỉnh phía Nam khi dịch bệnh diễn ra phức tạp, từ trong gian khó, cái tâm, cái tài của những doanh nhân Quảng Trị như chị Khiết luôn hướng về cộng đồng và lặng lẽ tỏa sáng trong cuộc sống như mùi hương được chưng cất từ hoa cỏ mộc mạc quê nhà…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Thành công của cơ sở tiên phong sản xuất tinh dầu thiên nhiên ở Quảng Trị

Trần Anh Minh |

Là cơ sở sản xuất tinh dầu đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, Công ty TNHH tinh dầu thiên nhiên Huyền Thoại, thành phố Đông Hà đã tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường cả nước với nhiều loại sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng. Khởi nghiệp từ năm 2014 với quy mô nhỏ, chế biến thủ công, đến nay công ty đã phát triển hệ thống chưng cất khá hiện đại và phát triển phong phú nhiều loại sản phẩm. Trong quá trình phát triển, công ty luôn có sự đồng hành, hỗ trợ của nguồn vốn khuyến công đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng sản lượng tinh dầu cho công ty.

Trao quà cho thanh niên lập nghiệp tại biên giới tỉnh Quảng Trị

Đình Tiến |

Ngày 22/3/2021, tại Đồn Biên phòng Ba Tầng (Hướng Hoá), Phòng Chính trị - BĐBP tỉnh Quảng Trị phối hợp với Công ty Thiết kế quảng cáo - Thương mại dịch vụ Thế giới mới tại TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức trao 140 triệu đồng cho thanh niên lập nghiệp có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Lập nghiệp với mô hình nuôi thỏ

Thanh Hằng |

Với sức trẻ, ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm và chịu khó, anh Nguyễn Văn Phúc (sinh năm 1991), ở thôn An Cư, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã không ngừng học tập, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, phát triển kinh tế gia đình từ mô hình nuôi thỏ có hiệu quả cao.

Nữ bác sĩ tăng thêm thu nhập từ sản xuất tinh dầu

Ngọc Trang |

Là bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng nên chị Trần Tôn Nữ Kiều Anh, ở xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), công tác tại Trung tâm Y tế huyện Triệu Phong, đã vận dụng những kiến thức học được cũng như kinh nghiệm trong quá trình khám, chữa bệnh để nghiên cứu, sản xuất tinh dầu thiên nhiên nguyên chất. Các sản phẩm lao động ngoài giờ làm việc của chị không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình mà còn phục vụ tích cực cho hoạt động chuyên môn.