Thời gian qua, cán bộ, hội viên Hội Đông y tỉnh Quảng Trị đã bước ra từ công việc chuyên môn để giúp người, giúp đời nhiều hơn. Hiện nay, các thầy thuốc chuyên bắt mạch, kê đơn đang đóng góp sức mình một cách có hiệu quả vào việc tìm đầu ra cho những sản phẩm dược liệu của quê nhà.
Dược liệu “đi đường vòng”
Những ngày này, phòng khám chuyên khoa y học cổ truyền thuộc Hội Đông y tỉnh nằm trên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà đông người vào, ra hơn. Ngoài đến khám, chữa bệnh, một số người dân còn ghé mua các sản phẩm dược liệu đã được bào chế, kiểm định chất lượng. Ai cũng yên tâm khi nghe các thầy thuốc đông y giới thiệu, tư vấn một cách kỹ lưỡng, đầy trách nhiệm. Đặc biệt, khách hàng nào cũng ấm lòng vì biết tất cả lợi nhuận thu được từ gian hàng đều phục vụ cho hoạt động thiện nguyện, chăm sóc người già và trẻ em.
Tranh thủ lúc vơi khách, bác sĩ CK II Trần Quốc Dính, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh ôn tồn giới thiệu, gian hàng này được mở từ đầu năm 2021. Mục đích lớn nhất là giúp tìm đầu ra cho sản phẩm dược liệu của người dân Quảng Trị. Hiện nay, dược liệu được xác định là 1 trong 6 cây trồng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Sau khi các chính sách hỗ trợ phát triển ra đời, việc trồng cây dược liệu đã trở thành phong trào trên địa bàn. Vùng trồng dược liệu hình thành. Nhiều hợp tác xã, làng nghề trồng, chế biến dược liệu ra đời. Các cơ sở sản xuất dược liệu được đầu tư trang thiết bị, máy móc ngày càng hiện đại. Tuy nhiên, đầu ra của sản phẩm dược liệu vẫn đã và đang là vấn đề khiến không chỉ nông dân mà cả lãnh đạo các cấp, ngành liên quan và bản thân những người thầy thuốc đông y phải trăn trở, suy nghĩ.
Thường xuyên tìm tòi, nghiên cứu, bác sĩ Trần Quốc Dính biết, thời gian qua, diện tích sản xuất dược liệu trên địa bàn tăng đều qua các năm. Năm 2017, diện tích dược liệu chỉ mới gần 630 ha. Chỉ ba năm sau, con số ấy đã ước đạt 1.500 ha. Cây dược liệu được trồng tại nhiều địa phương trong tỉnh như: Cam Lộ, Vĩnh Linh, Đakrông, Hướng Hóa… Nhiều sản phẩm dược liệu của địa phương đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường như: Cà gai leo, cao chè vằng, sâm bố chính, giảo cổ lam, tinh bột nghệ, tinh dầu các loại… Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có nhiều loại dược liệu quý trong tự nhiên mang giá trị thương mại cao như: Thiên niên kiện, ngưu tất, giảo cổ lam… Theo ghi nhận, phần lớn sản phẩm dược liệu có sẵn trong tự nhiên hay do người nông dân trồng, chế biến được đều có chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe.
Điều đáng nói là hiện nay, các sản phẩm dược liệu của tỉnh đang phải “đi đường vòng”. Theo ghi nhận, phần lớn sản phẩm dược liệu khó tiêu thụ trong tỉnh. Tuy nhiên, khi xuất bán ra ngoài tỉnh và đưa trở về lại có giá cao hơn, cũng chính sản phẩm này được đông đảo khách hàng yên tâm, tin tưởng lựa chọn. Ngay nhiều thầy thuốc đông y cũng đã và đang mua thuốc của các cá nhân, tổ chức ở ngoài tỉnh vì những lý do khác nhau. Sự lòng vòng này khiến khách hàng, trong đó các bệnh nhân phải mua sản phẩm dược liệu, thuốc với giá thành cao hơn. Về phần mình, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp làm ra sản phẩm dược liệu phải vất vả khâu nối với các đơn vị ở ngoài tỉnh.
Đưa nguồn thu lớn trở về
Theo khảo sát của Hội Đông y tỉnh, trung bình mỗi năm các phòng khám chuyên khoa y học cổ truyền, phòng chẩn trị trên địa bàn tỉnh tiêu thụ khoảng 2,5 triệu thang thuốc, tương đương với 8 - 10 tấn thuốc. Đó cũng chính là lượng thuốc bình quân mà các bệnh viện trong tỉnh đấu thầu hằng năm. Chỉ làm một phép tính đơn giản, lãnh đạo Hội Đông y tỉnh nhận thấy số tiền bỏ ra để mua thuốc đông y phục vụ khám chữa bệnh ở các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa y học cổ truyền, phòng chẩn trị đã lên đến hàng tỉ đồng. “Nếu các thầy thuốc đông y sử dụng dược liệu của địa phương trong chữa trị bệnh thì đây chính là nguồn thu lớn cho bà con tỉnh nhà”, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Trần Quốc Dính khẳng định.
Trước thực tế ấy, thời gian qua, Hội Đông y tỉnh đã tập trung tuyên truyền, vận động các lương y trên địa bàn quán triệt phương châm “Nam dược trị Nam nhân”. Hội khuyến khích các thầy thuốc chú trọng đến việc sử dụng sản phẩm dược liệu do người dân trên địa bàn tỉnh trồng trọt, chế biến, phân phối; vận động các thầy thuốc giải thích cho người dân một cách kỹ lưỡng về giá trị, hiệu quả của các loại dược liệu có nguồn gốc, chứng nhận chất lượng trên địa bàn. Mới đây nhất, Hội Đông y tỉnh đã tổ chức hội thảo khoa học “Ứng dụng và phát triển cây dược liệu tại Quảng Trị”. Một trong những mục tiêu hướng đến của hội thảo là động viên các lương y, người dân sử dụng thuốc đông y tại quê nhà. Ngay sau hội thảo, hội đã phối hợp với Trung tâm Thừa kế ứng dụng Y học cổ truyền Thiện Lành khai trương cửa hàng chuyên bán các sản phẩm dược liệu đã được bào chế, kiểm định chất lượng.
Nỗ lực “mở lối” cho dược liệu quê nhà của Hội Đông y tỉnh đã bước đầu có kết quả. Ngày có càng nhiều lương y trên địa bàn đã nhận thức sâu sắc hơn vai trò, vị trí và trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ người dân tiêu thụ các sản phẩm dược liệu trong tỉnh. Nhiều lương y tích cực tìm kiếm, chọn lựa các sản phẩm có sẵn, chế biến, sao tẩm để tăng giá trị của thuốc, đồng thời làm giảm giá thành. Được sự tuyên truyền, vận động của các thầy thuốc đông y, nhiều người dân trên địa bàn đã nghiên cứu, tìm hiểu và lựa chọn những sản phẩm dược liệu tại địa phương có chất lượng tốt, giá thành phải chăng, lại thiết thực hỗ trợ nông dân trong tỉnh. Ông Nguyễn Văn Sơn, trú tại Phường 5, thành phố Đông Hà cho biết: “Trước đây, tôi từng mua phải một số sản phẩm dược liệu không có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng không như mong muốn nên rất lo. Từ ngày được các thầy thuốc của Hội Đông y tỉnh giới thiệu điểm bán sản phẩm dược liệu phù hợp với sức khỏe, có giá thành rẻ hơn trên thị trường, tôi yên tâm hơn nhiều”.
Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Trần Quốc Dính cho biết, việc sử dụng các sản phẩm dược liệu có nguồn gốc rõ ràng, chứng nhận chất lượng của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh mang lại lợi ích cho cả người sản xuất lẫn khách hàng, trong đó có bệnh nhân. Tiếp nối những nỗ lực của mình, cán bộ, hội viên Hội Đông y tỉnh sẽ tìm nhiều hơn nữa giải pháp, cách làm hay giúp quảng bá thương hiệu, “mở lối” cho sản phẩm dược liệu trong tỉnh. Cùng với đó, lãnh đạo hội sẽ đóng góp ý kiến cho lãnh đạo tỉnh về việc quy hoạch vùng trồng dược liệu; xác định loại cây dược liệu chủ lực, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương; chiến lược phát triển các sản phẩm dược liệu phù hợp.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)