Trong lộ trình xây dựng thành phố Đông Hà (Quảng Trị) trở thành đô thị loại II, phát triển cơ sở hạ tầng vùng vành đai được thành phố quan tâm huy động nhiều nguồn lực để đầu tư, qua đó từng bước mở mang không gian và kiến trúc đô thị.
Những năm qua, đầu tư cho hạ tầng ở các vùng vành đai Đông Hà đã được coi trọng để phục vụ yêu cầu mở rộng không gian phát triển của thành phố, tạo lập không gian liên kết trung tâm đô thị với vùng vành đai và các địa phương lân cận, đảm bảo phục vụ các nhu cầu, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, quốc phòng - an ninh, ưu tiên các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển nông nghiệp đô thị. Đổi thay rõ nét nhất là diện mạo đô thị nhiều khu vực ở phía Bắc sông Hiếu thuộc phường Đông Thanh, Đông Giang đã thay đổi nhanh chóng. Đường Hoàng Diệu, đoạn từ Sở Kế hoạch và Đầu tư lên đến cầu sông Hiếu nhà tầng kiên cố và kiến trúc đẹp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ mọc lên ngày càng nhiều. Cùng với đó là hệ thống đường nối các khu dân cư, hạ tầng điện, nước được đầu tư khá đồng bộ đã tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục phát triển dân cư, mở mang không gian đô thị.
Mấy năm nay, ông Hoàng Hữu Khiêm, một người dân ở làng hoa An Lạc, phường Đông Giang rất phấn khởi khi con đường nhỏ, đầy “ổ gà”, “ổ voi” xuyên qua làng ngày nào đã trở thành đường Thanh Niên rộng rãi, khang trang. “Người dân ở đây vui vì không chỉ phố phường đẹp hơn, hiện đại hơn mà việc đi lại, sản xuất và buôn bán cũng rất thuận lợi”, ông Khiêm cho biết. Đường Thanh Niên không chỉ mang đến niềm vui cho người dân sinh sống ở khu vực này mà còn là trục giao thông quan trọng tạo đà phát triển Đông Hà về phía Đông với những khu dân cư mới. Đường Hoàng Diệu, đường Thanh Niên được đầu tư xây dựng nhằm cụ thể định hướng lấy sông Hiếu làm trục trung tâm phát triển của Đông Hà, tạo ra điểm nhấn cơ bản về cảnh quan, hạ tầng và dân cư của thành phố ở khu vực phía Bắc sông Hiếu.
Đây là hai trong nhiều dự án đầu tư về hạ tầng giao thông đã và đang được triển khai ở vùng vành đai thành phố trong thời gian qua như: Đường Phường 2 đi Đông Lễ - Đông Lương, Lê Lợi nối dài, Trần Bình Trọng, Lê Thánh Tông, Tân Sở, Trần Nguyên Hãn, Cồn Cỏ, Thạch Hãn, Nguyễn Hoàng, cầu sông Hiếu và đường hai đầu cầu…Tiếp đó, công trình đập ngăn mặn sông Hiếu, cầu dây văng sông Hiếu được triển khai xây dựng. Bên cạnh hạ tầng giao thông, các công trình hạ tầng về cấp, thoát nước và xử lý nước thải, cấp điện, xây dựng kè trên các sông; cải thiện chất lượng nước sông ngòi, hồ ao, khe lạch cũng được đầu tư mới, nâng cấp để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Vùng vành đai thành phố Đông Hà có ranh giới phía Bắc từ cầu sông Hiếu và dọc theo đường Hoàng Diệu đến khu đô thị Bắc sông Hiếu, dọc theo Quốc lộ 1 đến cầu Đông Hà. Phía Nam dọc theo đường Tân Sở (đường cứu hộ cứu nạn phía Tây) đến Trạm cấp nước Vĩnh Phước. Phía Đông dọc theo kênh N2 từ sông Hiếu đến sông Vĩnh Phước. Phía Tây dọc đường Trần Bình Trọng đến đường Lê Thánh Tông và qua cầu Khe Mây đến cầu qua sông Hiếu giáp với đường Hoàng Diệu. Vùng vành đai có diện tích khoảng 3.222 ha, quy mô dân số khoảng 28.000 người.
Ngoài đầu tư cho hạ tầng, giải pháp hiệu quả đang được chú trọng thực hiện để nâng tầm diện mạo đô thị vùng vành đai Đông Hà là xây dựng mới các khu đô thị. Ngoài các khu đô thị do tỉnh và thành phố đã và đang đầu tư ở các phường Đông Thanh, Đông Giang, Đông Lương, Đông Lễ, hiện nay một số doanh nghiệp có kinh nghiệm, tiềm lực rất quan tâm đến các dự án xây dựng khu đô thị như Khu đô thị Hawee Park Land Đông Hà ở Phường 4, Khu đô thị phía Đông thành phố Đông Hà và Khu đô thị Thuận Châu ở phường Đông Lương. Các dự án này sẽ triển khai xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công viên, cây xanh, có đầy đủ các phân khúc từ nhà biệt thự đơn lập đến nhà liền kề... với mục tiêu là mở rộng không gian đô thị, phát triển dân cư, hướng đến xây dựng thành phố xanh, thông minh.
Có thể thấy rằng, mặc dù đã được tỉnh, thành phố quan tâm đầu tư nhưng với nguồn lực còn hạn chế, hệ thống hạ tầng vùng vành đai của Đông Hà vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, đặc biệt là hệ thống đường giao thông xuyên tâm, hướng tâm, đường vành đai; hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, các công trình xử lý rác thải. Cùng với đó là tỉ lệ lấp đầy dân cư các khu đô thị, khu dân cư chưa cao.
Chủ tịch UBND thành phố Đông Hà Hồ Sỹ Trung cho biết, thúc đẩy đô thị hóa vùng vành đai thông qua đầu tư hạ tầng, phát triển các khu đô thị, khu dân cư mới là yêu cầu tất yếu, tác động đến nhiều mặt kinh tế - xã hội và cân bằng tốc độ phát triển giữa các vùng trên địa bàn. Điều này không chỉ có ý nghĩa đưa Đông Hà sớm trở thành đô thị loại II mà thành phố sẽ phát huy tốt hơn vai trò đô thị động lực, tạo mối liên kết chặt chẽ với các đô thị lân cận, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh và thành phố mời gọi đầu tư, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đông Hà lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)