Nâng tầm thương hiệu hàng Việt

Thanh Lê |

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là CVĐ) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, thu hút sự tham gia hưởng ứng tích cực của người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng tầm thương hiệu của hàng Việt Nam trên thị trường.


Khẳng định vị thế

Dạo quanh một vòng qua các chợ, siêu thị trên địa bàn tỉnh, điều chúng tôi dễ nhận thấy là các mặt hàng do Việt Nam sản xuất chiếm ưu thế. Hàng Việt Nam với chủng loại phong phú, bao bì đẹp mắt được đặt trên các kệ trưng bày, thu hút đông đảo người tiêu dùng đến lựa chọn, mua sắm. Là một người nội trợ, từ lâu, chị Hoàng Thị Ngân, thị xã Quảng Trị luôn chọn các sản phẩm hàng Việt để phục vụ nhu cầu của gia đình. “Đối với thực phẩm, tôi luôn lựa chọn hàng Việt Nam bởi sự an toàn và chất lượng đảm bảo, có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng. Với đồ gia dụng, các sản phẩm do Việt Nam sản xuất có thương hiệu, uy tín luôn là địa chỉ tin cậy để người tiêu dùng yên tâm lựa chọn với thiết kế đẹp, mẫu mã đa dạng và chất lượng khá tốt”, chị Ngân chia sẻ.

Sản phẩm mang thương hiệu Việt được nhiều người lựa chọn - Ảnh: T.L
Sản phẩm mang thương hiệu Việt được nhiều người lựa chọn - Ảnh: T.L

Có mặt tại siêu thị Co.opmart Đông Hà, hầu hết người tiêu dùng đến mua sắm tại đây đều khá hài lòng và yên tâm với các sản phẩm mang thương hiệu hàng Việt. Chị Hoàng Thị Sương, TP. Đông Hà cho biết: “Sử dụng hàng Việt đã trở thành thói quen từ nhiều năm nay của gia đình tôi. Quan tâm lựa chọn những sản phẩm hàng Việt Nam phù hợp để sử dụng không chỉ góp phần bảo vệ sức khỏe của các thành viên trong gia đình, mà còn chung tay giúp doanh nghiệp trong nước phát triển”.

Theo Giám đốc siêu thị Co.opmart Đông Hà Đặng Tứ Minh San, nhằm nỗ lực mang hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng, hệ thống siêu thị Co.opmart đã hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất trong nước uy tín, hàng hóa chất lượng, nguồn cung cấp ổn định để thực hiện những chương trình khuyến mãi sâu, tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Cùng với đó là nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn được triển khai nhằm thu hút người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm. Hiện tại, tỉ lệ hàng Việt tại siêu thị Co.opmart Đông Hà chiếm trên 90%, trong đó các mặt hàng do tỉnh sản xuất chiếm khoảng 5%.

Nhận thấy các mặt hàng do Việt Nam sản xuất ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng nên bên cạnh các chợ, siêu thị, nhiều đại lý, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh cũng có xu hướng gia tăng số lượng, đa dạng các sản phẩm có xuất xứ trong nước để phục vụ người tiêu dùng. Với sản phẩm đa dạng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cửa hàng Nông sản sạch Triệu Phong, TP. Đông Hà đang trở thành địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng trên địa bàn.

Gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của địa phương được tổ chức tại TP. Đông Hà- Ảnh: T.L
Gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của địa phương được tổ chức tại TP. Đông Hà- Ảnh: T.L

Chị Nguyễn Thị Mơ, nhân viên cửa hàng cho biết: “Xu hướng sử dụng sản phẩm do Việt Nam sản xuất, sản phẩm sạch của người tiêu dùng tăng cao trong những năm gần đây. Để có nguồn hàng đảm bảo chất lượng, chúng tôi đã tìm hiểu rõ quy trình sản xuất của từng sản phẩm, đa số các sản phẩm được bày bán tại cửa hàng đều được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP, là sản phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Cửa hàng thường xuyên cập nhật hàng hóa, nông sản ở khắp địa phương trong nước, trong tỉnh với giá cả hợp lý nhất.

Nếu như vào năm 2017 - thời điểm mới thành lập - cửa hàng bày bán gần 50 sản phẩm với khoảng 200 khách hàng mua sắm thì đến nay, số sản phẩm tại cửa hàng đã tăng lên trên 100 với khoảng 700 - 800 khách hàng, trong đó có 300 khách hàng thân thiết”.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động

Để triển khai cuộc vận động hiệu quả, BCĐ đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về ý nghĩa, mục đích của cuộc vận động, nâng cao nhận thức về khả năng sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm hàng hóa được sản xuất trong nước và địa phương. Đồng thời phối hợp, đề cao vai trò của các chợ, siêu thị, doanh nghiệp, kêu gọi sự hưởng ứng của các tiểu thương trong thực hiện cuộc vận động …Nhờ vậy, các doanh nghiệp đã ý thức được vai trò, trách nhiệm đối với người tiêu dùng, nhận biết tiềm năng của thị trường nội địa nên đã mạnh dạn đầu tư, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, tạo nhiều sản phẩm mới với chất lượng cao, mẫu mã đa dạng, giá cả cạnh tranh với hàng ngoại nhập…

Nhằm thực hiện hiệu quả cuộc vận động, trong năm 2021, Sở Công thương đã thực hiện tốt công tác đưa hàng hóa vào siêu thị; thông qua hoạt động khuyến công đã hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ. Khuyến khích các siêu thị, cửa hàng nông sản, thực phẩm trên địa bàn tạo điều kiện thu mua, phân phối tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm của địa phương và các tỉnh, thành trong nước tại kênh phân phối của đơn vị…Sở Nông nghiệp tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp liên kết với các địa phương tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với quy mô gần 1.150 ha, trong đó có hơn 240 ha sản xuất theo hướng hữu cơ và canh tác tự nhiên...

Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị đưa hàng Việt Nam về phục vụ người dân vùng cao - Ảnh: T.L
Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị đưa hàng Việt Nam về phục vụ người dân vùng cao - Ảnh: T.L

Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ đoàn khảo sát, lựa chọn sản phẩm chất lượng, có giá trị mang lại kinh tế cao tại địa phương tham gia kênh hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thanh niên khởi nghiệp Quảng Trị online, qua đó bước đầu đã thu hút được gần 50 sản phẩm đăng ký tham gia. Cũng trong năm 2021, ủy ban mặt trận các cấp trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn UBMT cơ sở triển khai thực hiện CVĐ qua các hoạt động thiết thực.

Việc thực hiện thành công cuộc vận động ở Quảng Trị có ý nghĩa chính trị quan trọng, góp phần cùng Nhà nước kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng (kích cung và kích cầu) từng bước đưa hàng Việt Nam được khơi thông dòng chảy về nông thôn, đồng thời còn tạo sức lan tỏa đến nhiều địa phương trong tỉnh phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của người dân nông thôn Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh.

Tiêu biểu như Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam huyện Vĩnh Linh và các đoàn thể đã phối hợp tổ chức 19 phiên chợ, chuyến hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm phục vụ người dân tiêu dùng sản phẩm an toàn, hiệu quả, trưng bày nông sản sạch, không sử dụng hóa chất, bảo quản. Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP. Đông Hà phối hợp triển khai gian hàng trưng bày và giới thiệu các mặt hàng, sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của địa phương. Tại huyện Hải Lăng, đã có 15/16 xã, thị trấn có gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm hàng hóa của địa phương...

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng hiểu, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, khả năng sản xuất, kinh doanh và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của doanh nghiệp Việt Nam.

Tăng cường tuyên truyền, vận động doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội quảng bá sản phẩm, hàng hóa của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng… Đồng thời phát hiện và nêu gương các điển hình tiên tiến trong việc sử dụng và vận động mọi người sử dụng hàng Việt.

Vận động các doanh nghiệp, các nhà sản xuất hưởng ứng cuộc vận động thông qua việc nghiên cứu thị trường, đầu tư sản xuất, đổi mới công nghệ; nâng cao năng lực hiệu quả quản lý, điều hành sản xuất hàng hóa thương hiệu Việt Nam có giá trị, chất lượng cao, giá thành hợp lý cùng với chất lượng dịch vụ, bán hàng tốt để mở rộng thị trường, đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Xây dựng thương hiệu “Cá dìa Tam Giang”

Hoài Nguyên |

Có rất nhiều loài được xếp vào danh sách thủy đặc sản của vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, trong đó, cá dìa là một trong những đối tượng đặc hữu của vùng. Giá trị, chất lượng của loài cá này sẽ được nâng lên một khi được nuôi theo thương phẩm và có gắn nhãn hiệu.

Đưa thương hiệu may Việt Tú vươn xa

Trần Tuyền |

Gần 30 năm bám trụ với nghề may, bằng tình yêu nghề, lòng quyết tâm bền bỉ và ý chí vươn lên, anh Trần Văn Tú (sinh năm 1970) ở Khu phố 7, thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã đưa nhà may với 1 máy may giản đơn phục vụ nhu cầu may mặc cơ bản của người dân trong vùng phát triển thành Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Tú có thương hiệu trong và ngoài tỉnh.

Người góp phần xây dựng thương hiệu cao dược liệu Định Sơn

Anh Vũ |

Làng Định Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) được nhiều người biết đến là làng nghề nấu các loại cao dược liệu gần 20 năm nay. 

Xây dựng thương hiệu “Gà đồi Quang Huy” ở Khe Nánh

Trần Tuyền |

Hơn 10 năm trước, khi cùng vợ khăn gói lên xây dựng trang trại trên vùng đồi Khe Nánh, anh Lê Đức Quang Huy (sinh năm 1983), ở thôn Lai Bình, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) cũng không thể ngờ rằng mình có thể gây dựng được một cơ ngơi như bây giờ. Với nghị lực vượt khó và ý chí vươn lên, anh trở thành tấm gương điển hình trong phong trào lập thân, lập nghiệp của xã Vĩnh Chấp.