Nhờ thực hiện nhiều giải pháp thích ứng linh hoạt trong tình hình mới, năm 2022, ngành công thương Quảng Trị đã phát huy tốt vai trò quản lý nhà nước, triển khai thực hiện nhiều giải pháp duy trì, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, phát triển thương mại, dịch vụ, ổn định thị trường, đảm bảo cung ứng điện phục vụ sản xuất và tiêu dùng.
Mặc dù gặp nhiều điều kiện bất lợi về giá cả nguyên vật liệu, thị trường xuất khẩu, tuy nhiên năm 2022 là năm đánh dấu sự phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ trong sản xuất công nghiệp của tỉnh. Nổi bật là chỉ số công nghiệp ước tính tăng 18,68% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng chung cả nước và cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước 8,72%.
Đây được coi là mức tăng trưởng cao nhất trong những năm qua mà động lực tăng trưởng chủ yếu là ngành sản xuất và phân phối điện tăng trưởng dương 76,68% do có 17 dự án điện gió mới đi vào vận hành vào cuối năm 2021.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong năm 2022 tiếp tục ổn định và tăng mức sản lượng phục vụ nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng như: điện sản xuất, dăm gỗ, gỗ cưa, gỗ xẻ, quặng inmenit...
Trong năm 2022, nhiều hoạt động lễ hội được tổ chức đã góp phần thúc đẩy các hoạt động thương mại, kích cầu du lịch trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê, số lượt khách du lịch theo tour và số lượt khách lưu trú tăng cao.
Riêng doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 2.719,9 tỉ đồng, tăng 79,29%, doanh thu dịch vụ khác ước đạt 1.551,23 tỉ đồng, tăng 24,02% so với cùng kỳ năm trước. Tính từ đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt hơn 26.713 tỉ đồng, tăng 15,74% so với cùng kỳ năm trước.
Các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng bán lẻ tổ chức các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, giá cả hợp lý với nhiều loại mặt hàng giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng, góp phần đảm bảo tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh lưu thông thông suốt, không có hiện tượng khan hàng, gây sốt giá. Hoạt động ngoại thương vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng so với cùng kỳ.
Ngoài ra, ngành công thương đã tổ chức nhiều hoạt động kích cầu thương mại, là cầu nối quan trọng kết nối doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Đơn cử như Hội chợ Thương mại khu vực Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) - Quảng Trị 2022 thuộc Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2022; xác nhận và giám sát việc tổ chức Hội chợ Thương mại và Du lịch Gio Linh năm 2022 nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện Gio Linh, Hội nghị hợp tác về lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch, lao động và truyền thông Quảng Trị - Savannakhet - Mukdahan...
Chủ động phối hợp với các ngành trong xúc tiến, hỗ trợ các nhà đầu tư, tập trung tháo gỡ khó khăn đối với các dự án quy mô lớn của các doanh nghiệp có vướng mắc, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư, khởi công dự án.
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có dự án Nhà máy điện mặt trời công suất 49,5MW tại huyện Gio Linh do Công ty LICOGI 13 đầu tư xây dựng đã đi vào hoạt động. Một số dự án trọng điểm với tổng vốn đầu tư cao như: Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1, Nhà máy điện tua bin khí chu trình hỗn hợp Quảng Trị công suất 340MW đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch điện VII điều chỉnh, dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2023-2024.
Với nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi trên hầu hết tất cả các lĩnh vực, ngành công thương đã đạt và vượt các chỉ tiêu được giao trong năm 2022.
Bên cạnh những kết quả tích cực, theo Giám đốc Sở Công thương Lê Tiến Dũng, vẫn còn những hạn chế, tồn tại mà ngành cần nỗ lực khắc phục trong thời gian tới. Đó là các chỉ tiêu phát triển của ngành mặc dù có mức tăng trưởng cao trong năm 2022, tuy nhiên quy mô tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ hiện nay vẫn chưa tương xứng với tổng mức kinh tế của tỉnh.
Sản phẩm chế biến thô và gia công còn chiếm tỉ lệ lớn trong cơ cấu ngành công nghiệp và hàng hóa xuất khẩu. Một số dự án năng lượng đã được cấp chủ trương đầu tư còn triển khai chậm do ảnh hưởng COVID-19, giá cả đầu vào tăng, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng...
Để tạo đà tăng trưởng trong năm 2023, ngành xác định cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về đẩy mạnh tái cơ cấu phát triển công nghiệp - thương mại nhanh và bền vững, tăng dần tỉ trọng công nghiệp - thương mại trong cơ cấu GRDP của tỉnh.
“Nhiệm vụ trọng tâm là tập trung phát triển công nghiệp, thương mại, xây dựng chương trình phát triển năng lượng tái tạo tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2025 và thương mại, dịch vụ logistics xuyên biên giới.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên cơ sở khai thác, phát huy các ngành có lợi thế như công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp silicat, dệt may, sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản”, ông Lê Tiến Dũng cho biết thêm.
Ngành cũng xác định tầm quan trọng của việc kích hoạt các nguồn lực, dư địa phát triển kinh tế, hỗ trợ triển khai các dự án năng lượng trọng điểm năm 2023. Tích cực phối hợp hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành các dự án điện gió đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực, đưa vào vận hành, phát điện thương mại nếu có cơ chế giá.
Đồng thời phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước về thương mại theo địa bàn, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi trong đầu tư sản xuất, kinh doanh để thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ tại các địa phương phát triển.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)