Giải pháp để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các khu công nghiệp, khu kinh tế

Đan Tâm |

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2021-2025 xác định mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao và năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước”.

Trong quá trình này, Quảng Trị đã đón nhận nhiều “làn sóng” đầu tư với sự hình thành nhiều khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT). Tuy nhiên, quá trình phát triển các KCN, KKT diễn ra cùng với sự mở rộng không ngừng về số lượng các doanh nghiệp, khiến nhu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực ở lĩnh vực này tăng nhanh, nhưng khả năng đáp ứng về nhu cầu nhân lực chất lượng cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Vấn đề này cần được quan tâm nghiên cứu, có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.

Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 5 khu công nghiệp (KCN) là các KCN: Nam Đông Hà, Quán Ngang, Tây Bắc Hồ Xá, Triệu Phú và KCN Quảng Trị, có 2 khu kinh tế (KKT) là Khu kinh tế- Thương mại đặc biệt Lao Bảo và KKT Đông Nam Quảng Trị.

Có 221 dự án đăng ký đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 472.238 tỉ đồng, diện tích đất dự kiến sử dụng trên 7.722 ha. Trong đó có 116 dự án đầu tư đã đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 10.325 tỉ đồng.
Sản xuất gỗ MDF tại Khu công nghiệp Quán Ngang- Ảnh: ĐT
Sản xuất gỗ MDF tại Khu công nghiệp Quán Ngang- Ảnh: ĐT

Có 69 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đang triển khai xây dựng với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 156.898 tỉ đồng. Cùng với số vốn lớn và tiến độ triển khai nhanh các dự án trên địa bàn đã và đang tạo ra áp lực về tuyển dụng, cung ứng nguồn nhân lực.

Theo khảo sát mới đây của cơ quan chức năng, tổng số lao động hiện đang làm việc tại các KCN, KKT của tỉnh là khoảng 7.500 người, trong đó lao động có trình độ đại học: 242 người (chiếm 3,23%) cao đẳng: 112 người (chiếm 1,5%), trung cấp: 204 người (chiếm 2,8%); lao động đã qua đào tạo nghề trình độ sơ cấp: 3.750 người (chiếm 50%); lao động phổ thông chưa qua đào tạo là 2.511 người (chiếm 33,5 %).

Chất lượng nguồn nhân lực tại các KCN, KKT vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Số lượng người lao động được đào tạo, có trình độ chuyên môn kỹ thuật chỉ chiếm số ít, chủ yếu đào tạo ở trình độ sơ cấp, một số ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế.

Nhu cầu của doanh nghiệp đầu tư vào các KCN, KKT tập trung chủ yếu ở ngành may công nghiệp và chất lượng đào tạo vẫn còn thấp. Phần lớn lao động trong KCN, KKT là lao động phổ thông, chủ yếu được các doanh nghiệp tự đào tạo và sử dụng.

Cũng theo số liệu khảo sát, các doanh nghiệp đầu tư vào các KCN, KKT có nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo rất cao.

Tuy nhiên, công tác đào tạo nhân lực phục vụ cho KCN, KKT trong thời gian qua của tỉnh vẫn chưa đáp ứng được. Vì vậy, dẫn đến tình trạng thiếu lao động chất lượng cao tại các KCN, KKT.

Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động khó tuyển dụng đủ số lượng và đúng tay nghề theo yêu cầu.

Mặt khác, lực lượng lao động chưa qua đào tạo lớn, thiếu lao động lành nghề, có chuyên môn kỹ thuật cao nên các doanh nghiệp hầu như phải tuyển lao động phổ thông và đào tạo ngay trên dây chuyền sản xuất của mình hoặc tuyển lao động từ các địa phương ngoài tỉnh.

Có thể thấy hiện nay, tỉ lệ đào tạo nghề cho các KCN, KTT của tỉnh mới chỉ đạt khoảng 4,75% (2.830 lao động) so với tổng số gần 60.000 lao động được đào tạo nghề trên địa bàn. Tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề đào tạo chậm được khắc phục, chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội.

Việc triển khai đào tạo chất lượng cao (phát triển nghề trọng điểm, trường nghề chất lượng cao) còn chậm theo tiến độ. Một số ngành nghề được lựa chọn là nghề trọng điểm của trường chất lượng cao nhưng rất khó tuyển sinh.

Chất lượng đào tạo của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) mặc dù đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao. Việc gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo còn hạn chế.

Cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề nói chung và đào nghề chất lượng cao của các cơ sở GDNN vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Chương trình, giáo trình đào tạo của các cơ GDNN chưa theo kịp nhu cầu của thị trường lao động.

Kỹ năng thực hành của giáo viên tại một số cơ sở GDNN còn hạn chế, chưa đảm bảo thực hiện việc dạy học tích hợp; tỉ lệ giáo viên chuẩn hóa về chuyên môn nghiệp vụ chưa cao…

Một điểm quan trọng là nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ cho đào tạo, kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đạt chuẩn phục vụ công tác đào tạo nghề còn thấp.

Chỉ một điểm sáng là trong giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh đã triển khai các lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho 2.830 lao động trong các KCN, KKT trên địa bàn với tổng kinh phí hỗ trợ đào tạo trên 5,8 tỉ đồng.

Tạo giải pháp đột phá về chất lượng đào tạo nghề cho KCN, KKT

Dự báo giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh có khoảng 50 dự án đăng ký đi vào hoạt động, hằng năm tạo việc làm khoảng 40.000 - 50.000 lao động.

Đến năm 2030, có thêm khoảng 70 dự án đăng ký đi vào hoạt động, nâng tổng số dự án đi vào hoạt động ước khoảng 120 dự án, dự báo tổng số lao động tại các KCN, KKT từ 90.000 - 100.000 lao động.

Trước tình hình này, đào tạo nghề phục vụ các KCN, KKT được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là giải pháp tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đây còn là yếu tố hình thành hệ thống GDNN mở, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân trước xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Khu công nghiệp Nam Đông Hà- Ảnh: ĐT
Sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Khu công nghiệp Nam Đông Hà- Ảnh: ĐT

Thực tiễn đang đặt ra yêu cầu là đào tạo nghề cho các KCN, KKT phải đảm bảo tính hiệu quả, phù hợp với thực tiễn của địa phương và năng lực của các cơ sở GDNN trong từng giai đoạn.

Huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội gồm cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở GDNN, người học và doanh nghiệp.

Ngân sách tỉnh đảm bảo ưu tiên kinh phí cho công tác đào tạo và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo.

Hướng chủ yếu là tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động, chú trọng đội ngũ nhân lực kỹ thuật, tạo bước chuyển biến rõ nét về chất lượng nguồn nhân lực phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn, KCN, KKT trọng điểm, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng công nghiệp, dịch vụ.

Tăng cường đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các cơ sở GDNN để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Trong đó, tỉnh cần ưu tiên xây dựng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị trở thành trường chất lượng cao và là cơ sở chủ lực trong đào tạo cung ứng nhân lực cho các KCN, KKT trên địa bàn.

Các cơ quan chức năng cần rà soát, bổ sung cơ chế phối hợp trong công tác đào tạo nghề cho các doanh nghiệp vào văn bản quy phạm pháp luật về phối hợp quản lý nhà nước đối với KCN, KKT trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng chuẩn đầu ra, đánh giá, công nhận kết quả đào tạo; kiểm tra, giám sát đối với công tác đào tạo nghề trong các KCN, KKT.

Xây dựng, ban hành các quy định về quản lý, thu thập dữ liệu GDNN phục vụ công tác tuyển sinh và đào tạo nghề trong các KCN, KKT; quy định về kết nối, liên thông dữ liệu cung – cầu lao động do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý với các cơ sở GDNN, doanh nghiệp trong các KCN, KKT.

Ban hành và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy công tác đào tạo nghề cho các KCN, KKT bao gồm chính sách khuyến khích sự tham gia, đầu tư của doanh nghiệp; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi tham gia hoạt động GDNN, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Về phía tỉnh, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, lấp đầy nhanh các KCN, KKT đã hình thành.

Tập trung thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc các dự án vào các KCN, KKT là các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, sử dụng nguyên liệu, năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Chìa khóa” để đạt được sự phát triển kinh tế bền vững lâu dài tại các KKT, KCN là dịch chuyển từ sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp sang sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tính sáng tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và tham gia xuất khẩu. Trong quá trình này, nguồn lao động được đào tạo bài bản, có chất lượng cao, kỷ luật tốt là yếu tố hết sức quan trọng, đóng vai trò quyết định.

Xúc tiến triển khai các dự án đã đăng ký; đẩy mạnh việc triển khai hiệu quả các chương trình kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Một điểm đáng quan tâm là khi các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn lớn đầu tư vào các KCN, KKT của tỉnh sử dụng lao động có chuyên môn kỹ thuật phù hợp với công nghệ mới áp dụng vào sản xuất đạt trình độ khu vực và quốc tế sẽ tạo ra cơ hội đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần hình thành đội ngũ lao động của nền công nghiệp hiện đại của tỉnh.

Đây cũng là cơ hội để các cơ sở GDNN tận dụng được điều kiện, lợi thế, tổ chức đào tạo linh hoạt, theo nhu cầu của nền kinh tế và doanh nghiệp, tạo ra sự thay đổi có tính đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Quảng Trị.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Công nghiệp năng lượng & Diện mạo mới của nền kinh tế Quảng Trị

Công Điền |

Công nghiệp năng lượng, với trọng tâm là điện gió được kỳ vọng sẽ là bước đột phá, góp phần “thay áo mới” cho nền kinh tế của tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới.

Kinh tế Quảng Trị - Tầm nhìn mới và phương thức phát triển mới

PGS.TS TRẦN ĐÌNH THIÊN, Viện Kinh tế Việt Nam |

Suốt chiều dài lịch sử, Quảng Trị là vùng đất luôn “đầy ắp” những điều kiện bất lợi cho phát triển. Sự tích hợp giữa các điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt với sự tàn phá của chiến tranh nên có thể coi Quảng Trị là biểu tượng “độc nhất vô nhị” của tình trạng khó khăn cho phát triển, sự gian khổ của cuộc sống cũng như đức tính can trường và năng lực chống chịu của con người trước những thách thức gay gắt nhất.

Thu hút đầu tư vùng ven biển - đòn bẩy thúc đẩy kinh tế Quảng Trị

Nguyên Lý |

Hai dự án chiến lược gồm Trung tâm công nghiệp khí và Cảng tổng hợp tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị hứa hẹn sẽ tạo đột phá về kinh tế-xã hội cho tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới.

Đặt yếu tố địa lý, lịch sử trong xây dựng quy hoạch và định vị nền kinh tế Quảng Trị

Lê Minh |

Đó là ý kiến của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang tại buổi làm việc với Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) về phản biện sơ bộ định hướng quy hoạch và báo cáo nghiên cứu định vị kinh tế cấp cao tỉnh Quảng Trị của tư vấn Sakae (Singapore) vào chiều nay 2/3. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng tham dự làm việc.