Hải Lăng là địa bàn được xác định là trung tâm công nghiệp của Quảng Trị trong tương lai với nhu cầu sử dụng lao động rất lớn.
Chính vì vậy, địa phương đã chủ động xây dựng phương án đón đầu cung ứng nguồn nhân lực cho các nhà máy, dự án đang được triển khai. Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Lê Đức Thịnh nhấn mạnh, đóng chân trên địa bàn huyện có Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Khu công nghiệp Quảng Trị (VSIP8). Đây là cơ hội rất lớn để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần ổn định đời sống cho người dân. Để biến cơ hội thành hiện thực, công tác đào tạo nghề, cung ứng nguồn nhân lực phải đi trước một bước.
Cơ hội việc làm cho lao động nông thôn
33 học viên của lớp học kỹ thuật gò hàn cơ khí tại xã Hải An, huyện Hải Lăng chuẩn bị tốt nghiệp vào ngày 24/12/2022. Sau gần 4 tháng học tập, anh Võ Viết Chung (40 tuổi), ở thôn Mỹ Thủy, xã Hải An cho biết, gia đình anh gắn bó với ngư nghiệp qua nhiều thế hệ.
Tuy nhiên, với đặc thù vùng biển bãi ngang, thời tiết bất lợi, ngư nghiệp không phải là thế mạnh để cải thiện kinh tế gia đình.
“Biết được trong tương lai sẽ có nhiều dự án, nhà máy tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và Khu công nghiệp Quảng Trị đi vào hoạt động sẽ cần nhiều lao động có tay nghề. Vì vậy, tôi quyết định theo học lớp kỹ thuật gò hàn cơ khí với hy vọng chuyển đổi nghề nghiệp, có việc làm, thu nhập ổn định hơn”, anh Chung chia sẻ.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải An Phan Văn Đại phụ trách lớp đào tạo kỹ thuật gò hàn tại đây cho biết, lớp học do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Hải Lăng tổ chức cho 33 học viên tại xã Hải An.
Lớp học khai giảng ngày 23/8/2022, dự kiến bế giảng vào ngày 24/12/2022; giáo viên trực tiếp giảng dạy đến từ Trường Cao đẳng nghề tỉnh Thừa Thiên Huế.
Qua gần 4 tháng học tập cả lý thuyết lẫn thực hành, tất cả các học viên đã thực hành thuần thục các các kỹ thuật căn bản về gò hàn và có thể làm việc tại công trường nếu có đơn vị tiếp nhận.
Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hải Lăng Võ Văn Lập cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2021, đơn vị đã tập trung đào tạo nghề theo 2 hình thức gồm đào tạo sơ cấp nghề và đào tạo nghề thường xuyên dưới 3 tháng. Lĩnh vực nghề đào tạo gồm nông nghiệp và phi nông nghiệp. Trong đó, nghề phi nông nghiệp bao gồm kỹ thuật xây dựng, điện dân dụng, may công nghiệp, sửa chữa vận hành máy nông - ngư nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, thêu ren…Trong giai đoạn này đã tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn được 127 lớp, với 3.508 người tham gia, trong đó sơ cấp nghề 35 lớp, 930 người chủ yếu là các nghề phi nông nghiệp; dạy nghề dưới 3 tháng 92 lớp, 2.578 người chủ yếu là nghề phi nông nghiệp. Trong đó, đơn vị đã gắn đào tạo nghề với địa chỉ việc làm thông qua liên kết với các doanh nghiệp tại địa phương như Công ty Dệt may Vinatex Quốc tế Tom.
Qua đó, tỉ lệ lao động có việc làm hoặc tự tạo việc làm tại chỗ sau khi tham gia học nghề đạt 77,7%, trong đó các nghề phi nông nghiệp chiếm 86,17%; các nghề nông nghiệp chiếm 70,55%. Đến cuối năm 2021, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 61%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ là 40,2%.
Điều này cho thấy cơ hội việc làm cho lao động nông thôn đang ngày càng rộng mở nếu công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được chú trọng cùng với chính sách thu hút đầu tư của tỉnh.
Chú trọng đào tạo nghề phi nông nghiệp
Để chủ động công tác đào tạo nghề, cung ứng nguồn nhân lực cho các dự án, nhà máy sẽ được triển khai trên địa bàn, ngày 25/7/2022, HĐND huyện Hải Lăng thông qua Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Đề án được ban hành nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn để phát huy, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Đồng thời, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc điều chỉnh hợp lý cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xã hội.
Bên cạnh đó, mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động, trang bị cho người lao động thêm các kỹ năng, kỹ thuật để có cơ hội tìm kiếm việc làm ổn định, tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Đặc biệt, giúp cung ứng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu lao động của các dự án đầu tư tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Khu công nghiệp VSIP8 và các cụm công nghiệp, cơ sở tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.
Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 65- 70%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 45%; đến năm 2030, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 70 - 75%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 48%.
Theo đó, giai đoạn 2022 - 2025, đào tạo nghề cho 2.500 lao động nông thôn, bình quân đào tạo khoảng 550 - 650 lao động/năm, trong đó đào tạo nghề phi nông nghiệp là 32 lớp, với 940 người; đào tạo nghề nông nghiệp là 52 lớp, với 1.560 người. Kinh phí tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2022 - 2025 là hơn 3,2 tỉ đồng. Đặc biệt, định hướng giai đoạn 2026 - 2030, đào tạo nghề cho 3.360 lao động nông thôn, bình quân đào tạo khoảng 660 - 700 lao động/năm, trong đó nâng dần tỉ lệ người được đào tạo nghề phi nông nghiệp lên 46 lớp, với 1.350 người.
Đối tượng đào tạo nghề là lao động trong độ tuổi, có hộ khẩu thường trú trên địa bàn huyện và được hỗ trợ kinh phí đào tạo theo quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng và các văn bản quy định của cấp có thẩm quyền.
Trong đó ưu tiên đào tạo cho các đối tượng là thân nhân người có công cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động bị mất việc làm do yêu cầu thay đổi công nghệ, sắp xếp lại lao động của các doanh nghiệp.
Thực hiện tốt 9 nhóm giải pháp
Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Lê Đức Thịnh cho biết, để thực hiện hiệu quả mục tiêu đào tạo nghề đến năm 2030, UBND huyện đã đề ra 9 nhóm giải pháp thực hiện. Trong đó, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, quản lý công tác đào tạo nghề của cấp ủy, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị - đây là giải pháp có tính quyết định.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về việc học nghề là điều kiện để tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện cho người lao động tích cực tham gia học nghề. Chú trọng bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhà giáo; cập nhật kiến thức cho cán bộ tham gia đào tạo nghề.
Trong đó, tổ chức rà soát, thống kê nhu cầu bồi dưỡng kỹ năng dạy nghề, nghiệp vụ sư phạm dạy nghề, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật kiến thức cho đội ngũ nhà giáo từ các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp hằng năm để tham gia đào tạo, tập huấn.
Đổi mới và phát triển chương trình, giáo trình, học liệu đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo yêu cầu của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động và nhu cầu của người học, thường xuyên cập nhật kỹ thuật, công nghệ mới.
Phát triển và nhân rộng các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả, bổ sung một số mô hình mới phù hợp với tình hình phát triển KT - XH của từng địa phương, đơn vị.
Phát triển các mô hình đào tạo nghề phi nông nghiệp gắn với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; gắn đào tạo nghề với hỗ trợ vốn sản xuất, tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, liên kết đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, chủ động phối hợp, liên kết hợp tác với các trường trung cấp, cao đẳng nghề trong việc đào tạo nghề cho lao động đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, VSIP8, các khu công nghiệp.
Tăng cường hợp tác, liên kết giữa các cơ sở đào tạo nghề với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các doanh nghiệp trong đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động sau khi học nghề. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề phục vụ cho công tác xuất khẩu lao động.
Tăng cường khảo sát nhu cầu và xây dựng chương trình, giáo trình học liệu và xây dựng danh mục nghề. Theo đó, tiếp tục xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, cử giáo viên tham gia các lớp học bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.
Đề xuất, cập nhật, bổ sung lại một số chương trình đào tạo nghề phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng thực hành thực tế, phát huy năng lực, tính chủ động, tích cực của người học.
Đồng thời, tổ chức khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, đào tạo nghề của các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn huyện để rà soát nhu cầu, danh mục các nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế của người học và định hướng phát triển KT-XH của địa phương.
Tư vấn, định hướng cho lao động nông thôn chọn nghề học phù hợp để có việc làm ổn định và tăng thu nhập sau học nghề. Hỗ trợ người lao động có việc làm, ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn sản xuất.
Hằng năm, tranh thủ kinh phí của trung ương, tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu thực tế của địa phương.
Tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở giáo dục tham gia đào tạo nghề từ các nguồn vốn xã hội hóa. Tổ chức kiểm tra, sát hạch cấp chứng chỉ nghề cho lao động trên địa bàn huyện.
Thường xuyên tổ chức khảo sát, đánh giá hiệu quả công tác đào tạo nghề thông qua số lượng lao động trước và sau khi đào tạo; đồng thời đề xuất giải pháp có hiệu quả để triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Kịp thời biểu dương, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)