Phát triển nhân lực có kỹ năng nghề - điểm sáng từ Hải Lăng

Thanh Hải- Đức Việt |

Để có nguồn nhân lực trực tiếp chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định mục tiêu: “Phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn”. Thực hiện mục tiêu đó, thời gian qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã có sự chuyển đổi phát triển GDNN theo hướng mở, linh hoạt, hiệu quả, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của doanh nghiệp và địa phương.

Bài 1: “Hiệu quả kép” từ chính sách hỗ trợ giáo dục hướng nghiệp

Giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh (PLHS) sau tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) là một trong những nội dung quan trọng để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội. Làm tốt công tác PLHS trong giáo dục giúp các bạn trẻ chọn lựa hướng đi và một nghề theo học phù hợp với năng lực, điều kiện, hoàn cảnh gia đình. Bằng những cách làm chủ động, sáng tạo thúc đẩy định hướng lựa chọn trường học gắn với nghề nghiệp trước áp lực công việc, việc làm, GDNN huyện Hải Lăng đã tạo được “cú hích” thay đổi mạnh mẽ nhận thức về học nghề của phụ huynh và học sinh.

“Học 1 được 2”

Học sinh học nghề điện dân dụng tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hải Lăng - Ảnh: ĐV
Học sinh học nghề điện dân dụng tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hải Lăng - Ảnh: ĐV


Thực hiện phương châm mọi người đều được hưởng thành quả phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau; người dân được tiếp cận bình đẳng, thuận lợi, đầy đủ với chất lượng ngày càng cao các dịch vụ công thiết yếu, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, HĐND huyện Hải Lăng đã ban hành Nghị quyết 67/NQ-HĐND ngày 23/12/2020 về hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh sau tốt nghiệp THCS vừa học văn hóa THPT vừa học trung cấp nghề giai đoạn 2020-2023.

Mục tiêu của Nghị quyết 67 nhằm thúc đẩy nhu cầu học tập, góp phần nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, phấn đấu đến năm 2025 có trên 97% học sinh lớp 9 và lớp 12 được tuyên truyền, tư vấn định hướng phân luồng nghề nghiệp; ít nhất 25% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN.

Từ chính sách hỗ trợ này, học sinh sau tốt nghiệp THCS đang theo học văn hóa bậc THPT kết hợp học trung cấp nghề tại các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có hộ khẩu thường trú tại huyện Hải Lăng từ 6 tháng trở lên được hỗ trợ 1.350.000 đồng/học sinh/năm học, gồm học phí học văn hóa và hỗ trợ học trung cấp nghề. Nghị quyết hỗ trợ học phí cho học sinh trong 3 năm học 2020-2021, 2021-2022, 2022-2023, từ nguồn ngân sách huyện.

Đến nay, Hải Lăng là huyện duy nhất trong toàn tỉnh ban hành chính sách địa phương hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh sau tốt nghiệp THCS vừa học trung cấp nghề vừa học văn hóa THPT tại cơ sở GDNN-GDTX.

Đây thực sự là một làn gió mới, là chính sách thiết thực thể hiện sự quan tâm sâu sát của địa phương đối với công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng PLHS trong giáo dục, từ đó tạo bước đột phá đưa GDNN huyện phát triển đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cho doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đặc biệt, chính sách hỗ trợ này đã giảm bớt gánh nặng chi phí học tập đối với người dân có điều kiện kinh tế khó khăn, tiếp thêm động lực, động viên những học sinh nghèo tiếp tục sự học để có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp…

Em Lê Thị Thanh Châu, (sinh năm 2007) ở thôn Trà Lộc, xã Hải Hưng sau khi tốt nghiệp THCS đã quyết định học lên lớp 10 theo hệ vừa học văn hóa vừa học nghề tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hải Lăng. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, Châu phải ở với ông bà ngoại sau khi bố mẹ ly hôn cách đây hơn 3 năm, nên em không có nhiều lựa chọn trên con đường học tập.

Em chia sẻ: “Khi được nghe tư vấn về PLHS, biết có chính sách của huyện hỗ trợ học phí học văn hóa và học nghề khi vào học tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hải Lăng, em đã quyết định theo học ở đây để giảm bớt gánh nặng chi phí học tập cho ông bà.

Em cũng xác định sẽ không thi đại học, cao đẳng, thay vào đó sau khi học xong có bằng văn hóa THPT kèm thêm bằng trung cấp nghề thì sẽ tìm kiếm một công việc để có thu nhập, sớm ổn định cuộc sống”. Đồng cảnh ngộ, em Hoàng Thanh Linh (sinh năm 2007) ở thôn Trà Trì, xã Hải Hưng hiện cũng đang theo học văn hóa THPT vừa học nghề ở Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hải Lăng. Gia đình khó khăn, bố mất sớm, một mình mẹ tần tảo nuôi Linh.

Để không tạo thêm gánh nặng cho mẹ, Linh đã chọn con đường vừa học văn hóa THPT, vừa học nghề. “So với học ở trường THPT thì học ở Trung tâm GDNN-GDTX giảm được nhiều chi phí, số lượng môn học ít hơn nên sau này áp lực thi cử cũng nhẹ hơn.

Quan trọng hơn cả là được hưởng chính sách hỗ trợ học phí vừa học văn hóa vừa học nghề phù hợp với hoàn cảnh của gia đình em. Sau này khi học xong THPT em có thêm chứng chỉ nghề, học 1 mà được 2, rất thuận tiện khi đi xin việc làm cho em sau này”.

Học sinh học nghề may công nghiệp tại GDNN-GDTX huyện Hải Lăng - Ảnh: ĐV
Học sinh học nghề may công nghiệp tại GDNN-GDTX huyện Hải Lăng - Ảnh: ĐV

Việc được thụ hưởng chính sách hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị quyết 67 của HĐND huyện Hải Lăng như một “chiếc phao” giúp Châu, Linh và nhiều em học sinh khác vượt qua khó khăn trước mắt để tiếp tục con đường học tập, nâng cao kiến thức và chọn được một nghề phù hợp cho tương lai sau này.

Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hải Lăng Văn Ẩm cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết 67 của HĐND huyện và chủ trương PLHS sau THCS, THPT đã góp phần thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành, người dân và học sinh trong việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với khả năng, điều kiện kinh tế, tránh tình trạng lãng phí thời gian, chi phí học tập do không lựa chọn đúng nghề nghiệp, đồng thời từng bước khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” trong cơ cấu lao động hiện nay.

“Theo ước tính, nếu so với việc lựa chọn đi thi đại học và cao đẳng sau khi tốt nghiệp THPT, thì mỗi một em lựa chọn con đường vừa học văn hóa vừa học nghề tại Trung tâm GDNN-GDTX được thụ hưởng chính sách hỗ trợ học tập của huyện sẽ tiết kiệm được thời gian khoảng 2 năm và chi phí học tập của gia đình tương đương khoảng từ 70-80 triệu đồng.

Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp THPT các em học tại Trung tâm GDNN-GDTX có thêm chứng chỉ trung cấp nghề, ra trường các em có thể học liên thông lên cao đẳng, đại học hoặc lựa chọn xin việc đi làm luôn. Với những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học lực trung bình thì chọn hình thức học này sẽ rất phù hợp”, thầy Ẩm cho hay.

Chuyển biến nhận thức về học nghề

So với tình cảnh đìu hiu của bức tranh GDNN-GDTX nhiều năm trước, thì định hướng học nghề gắn với việc làm đang trở thành “làn gió mới” được nhiều bạn trẻ lựa chọn theo học ở Hải Lăng hiện nay. Năm học 2021-2022, số học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT của huyện Hải Lăng học nghề tại các cơ sở GDNN đạt 15,71% (214/1.362 học sinh).

Từ chỗ không có học sinh theo học khi mới sáp nhập năm 2016, đến nay Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hải Lăng đã tuyển sinh và có học sinh khối 10, 11, 12 vào học văn hóa, vừa học trung cấp nghề miễn phí với tổng số khoảng 120 học sinh/năm.

Trong bối cảnh nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh nhiều năm tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, thì xu hướng ngày càng có nhiều học sinh theo học tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hải Lăng là cả một cuộc cách mạng thay đổi nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục.

Có thể khẳng định, cùng với chính sách hỗ trợ học văn hóa THPT kết hợp học trung cấp nghề sát hợp với thực tiễn theo Nghị quyết 67 của HĐND huyện thì sự đổi mới, năng động trong triển khai thực hiện giáo dục hướng nghiệp, PLHS, chủ động liên kết đào tạo nghề cho học sinh khi học tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hải Lăng đã tạo chuyển biến tích cực thay đổi nhận thức về học nghề của người dân.

Hằng năm, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hải Lăng chú trọng tổ chức các đợt truyền thông PLHS tại cơ sở thu hút hơn 5.000 người tham gia; có trên 95% học sinh khối 9 và khối 12 được truyền thông về phân luồng trong giáo dục.

Bên cạnh công tác PLHS gắn với đào tạo nghề, trung tâm thực hiện tốt công tác dạy nghề phổ thông, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh trên địa bàn. Bình quân hằng năm trung tâm dạy nghề phổ thông cho khoảng 950 học sinh.

Từ năm học 2018 – 2019 đến năm học 2021 – 2022, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hải Lăng đã liên kết với Trường Cao đẳng nghề Quảng Bình, Trường Trung cấp nghề Du lịch - Công nghệ số 9 Quảng Bình tổ chức 5 lớp học trung cấp nghề miễn phí/năm, với tổng số 408 học viên tham gia học các ngành nghề như: Công nghệ ô tô, kỹ thuật chế biến món ăn, điện công nghiệp.

Công tác tư vấn hướng nghiệp đã giúp học sinh nắm được khái quát thông tin về thị trường lao động và việc làm, về thế giới nghề nghiệp và các yêu cầu của nghề đối với người lao động; hiểu được về bản thân, những năng lực, sở trường để lựa chọn chuyên môn nghề nghiệp tương lai.

Tỉ lệ tư vấn hướng nghiệp cho học sinh khối 11 của 3 Trường THPT Bùi Dục Tài, Trần Thị Tâm, THPT Hải Lăng đạt 91%/năm.

Trường TH&THCS Hải Dương là một trong những đơn vị thực hiện khá tốt công tác PLHS. Năm học 2021-2022 vừa qua, 100% học sinh khối 8 – 9 (126 em) của nhà trường đã được tư vấn, định hướng nghề nghiệp.

Học sinh học nghề cơ khí tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hải Lăng - Ảnh: ĐV
Học sinh học nghề cơ khí tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hải Lăng - Ảnh: ĐV

Hiệu trưởng Trường TH&THCS Hải Dương Trần Thị Thanh Lài cho biết, hằng năm trường đều phối hợp với UBND xã huy động phụ huynh, học sinh thuộc khối 8-9 tổ chức truyền thông về PLHS, lựa chọn hình thức học phù hợp sau khi tốt nghiệp THCS.

“Trước đây phần lớn các gia đình đều chỉ mong muốn cho con học lên đại học, cao đẳng hoặc khó khăn quá thì cho con nghỉ học sớm kiếm việc làm. Nhưng hiện nay, khi huyện có chính sách hỗ trợ học phí vừa học văn hóa vừa học nghề cho học sinh sau tốt nghiệp THCS, nhà trường đã rất tích cực tuyên truyền cho phụ huynh và học sinh biết.

Nhìn chung, nhiều gia đình cũng như học sinh đã nắm bắt được chính sách hỗ trợ, nhận thức được hoàn cảnh, năng lực học tập bản thân để có sự lựa chọn hình thức học tập phù hợp”, cô Lài thông tin.

Sau đào tạo, trung tâm cũng đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để giải quyết việc làm cho học sinh. “Học 1 được 2”, vừa có bằng tốt nghiệp THPT vừa có bằng trung cấp nghề sau khi rời Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hải Lăng đang trở thành lựa chọn của nhiều bạn trẻ.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Dạy nghề cho du học sinh Lào

Tú Linh |

Lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nhất là hỗ trợ đào tạo cán bộ y tế giúp 2 tỉnh bạn Salavan và Savannakhet (Lào) luôn được Trường Cao đẳng Y tế (CĐYT) Quảng Trị quan tâm bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa, được hai nước đánh giá cao. Đây là hoạt động góp phần đưa quan hệ hợp tác giữa Quảng Trị và 2 tỉnh bạn Lào ngày càng thặt chặt, hiệu quả, bền vững hơn.

40 năm Ngày Nhà giáo VN - nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý

Phạm Mai |

Trong 40 năm qua, đội ngũ nhà giáo Việt Nam đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đưa giáo dục Việt Nam đạt những thành tích ấn tượng và hội nhập quốc tế.

Thủ tướng: Nghề dạy học cao quý nhất, góp phần xây đất nước hùng cường

Việt Hà |

Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ tin tưởng đội ngũ các nhà giáo sẽ khắc phục mọi khó khăn, thách thức, thực sự là hình mẫu cho người học, để nghề dạy học luôn được tôn vinh, là nghề cao quý nhất.

Cháy mãi ngọn lửa tình yêu nghề giáo

Thanh Trúc |

“Trên những nẻo đường của Tổ quốc xanh tươi/Có những loài hoa thơm đậm đà sắc hương/Có những bài ca nghe rạo rực lòng người/Bài ca ấy, loài hoa ấy, đẹp như em-người giáo viên nhân dân...”.