40 năm Ngày Nhà giáo VN - nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý

Phạm Mai |

Trong 40 năm qua, đội ngũ nhà giáo Việt Nam đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đưa giáo dục Việt Nam đạt những thành tích ấn tượng và hội nhập quốc tế.

"Có một nghề bụi phấn bám đầy tay/Ta vẫn gọi là nghề cao quý nhất".

Hôm nay, ngày 20/11, Ngày Nhà Giáo Việt Nam, ngày tôn vinh những người thầy, ngày của truyền thống tôn sư trọng đạo khi lớp lớp thế hệ học trò đều tưởng nhớ về những người thầy, người cô đã dạy dỗ, dìu dắt mình lớn lên trong suốt cuộc đời.

Những điều đó càng trở nên đặc biệt hơn, thiêng liêng hơn khi năm nay là dấu mốc tròn 40 Ngày Hiến chương các Nhà giáo Việt Nam.

Với những hy sinh thầm lặng và cống hiến lớn lao, những người thầy đã và đang ngày ngày ươm mầm xanh cho tương lai đất nước. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)
Với những hy sinh thầm lặng và cống hiến lớn lao, những người thầy đã và đang ngày ngày ươm mầm xanh cho tương lai đất nước. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Ngày đi vào lịch sử

Sự ra đời của Ngày Nhà giáo Việt Nam gắn liền với lịch sử của tổ chức Giáo giới tiến bộ trên thế giới. Để bảo vệ quyền lợi chân chính của các nhà giáo, tháng 7 năm 1946, Liên hiệp quốc tế các Công đoàn giáo giới được thành lập ở Pari (Pháp). Năm 1954, với nòng cốt là các nhà giáo xã hội chủ nghĩa đã nhất trí thông qua bản “Hiến chương các Nhà giáo”. Hội nghị quốc tế các nhà giáo lần thứ 2 (tháng 8/1957) đã quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày quốc tế Hiến chương các Nhà giáo.

Ở Việt Nam, ngày 20/11/1958, lần đầu tiên ngày “Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo” được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta. Khi đất nước thống nhất, ngày 20/11 đã được tổ chức rộng rãi trong cả nước và dần dần trở thành ngày truyền thống của giáo giới Việt Nam.

Để thể hiện đầy đủ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với đội ngũ giáo viên, cũng như nêu rõ vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ giáo viên trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và phát huy truyền thống của nhân dân ta luôn tôn trọng, trân quý thầy, cô giáo, theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng Bộ trưởng đã ra quyết định số 167-HĐBT ngày 28/9/1982, nêu rõ: Hàng năm sẽ lấy ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam.

Ngày 20/11 đã trở thành Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày lớp lớp thế hệ học trò bày tỏ niềm yêu kính, tri ân những người thầy. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ngày 20/11 đã trở thành Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày lớp lớp thế hệ học trò bày tỏ niềm yêu kính, tri ân những người thầy. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 20/11/1982 đã đi vào lịch sử Việt Nam, khi chính thức được công nhận là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ngày vinh danh nghề dạy học và nhà giáo, được tổ chức trọng thể trên toàn quốc, trở thành ngày hội truyền thống của các nhà giáo Việt Nam và của toàn dân quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Ngày cả xã hội thể hiện tình cảm, tấm lòng trân trọng tri ân đối với đội ngũ các thầy giáo, cô giáo, vì những đóng góp to lớn của họ cho sự nghiệp trồng người.

Không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng

Trong 40 năm qua, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tăng nhanh về số lượng, từng bước phát triển về chất lượng. Đến nay, cả nước có trên 1,6 triệu nhà giáo đang làm việc trong cả hai khối công lập và ngoài công lập, từ mầm non tới đại học, từ phổ thông đến hệ thống dạy nghề, đảm nhiệm việc dạy học cho trên 23 triệu học sinh học tập tại tất cả các chương trình, các bậc học và các loại hình giáo dục.

Cả nước có gần 80.000 giảng viên đại học, cao đẳng với hơn 48.000 thạc sỹ, hơn 24.000 tiến sỹ, gần 5.000 giáo sư, phó giáo sư. Trong số đó có 82 nhà giáo được phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân và gần 1.700 nhà giáo được phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú. Có hơn 900.000 nhà giáo nghỉ hưu vẫn có nhiều đóng góp ở các góc độ khác nhau cho giáo dục.

Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn ở các bậc học đều ở mức cao.
Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn ở các bậc học đều ở mức cao.

Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo (theo Luật Giáo dục 2019) cấp mầm non là 91,7%; tiểu học là 74,8%; trung học cơ sở là 86,1%; trung học phổ thông là 99,9%. Có gần 115.000 giáo sinh đang học tập trong các trường đại học và cao đẳng sư phạm trong cả nước, là nguồn dự bị bổ sung quan trọng cho đội ngũ nhà giáo trong tương lai.

Hầu hết các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đều có lòng yêu nghề, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, có ý chí vươn lên, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tích cực đổi mới nội dung, phương pháp dạy học.

Bước tiến lớn trong chất lượng đào tạo

Với những nỗ lực của các thầy cô, chất lượng giáo dục toàn diện của Việt Nam đã không ngừng được nâng lên, đạt những thành quả đáng trân trọng và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Với sự tận tâm chỉ bảo, dìu dắt của những người thầy, chất lượng giáo dục đã không ngừng được nâng lên. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Với sự tận tâm chỉ bảo, dìu dắt của những người thầy, chất lượng giáo dục đã không ngừng được nâng lên. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Theo Bảng xếp hạng các quốc gia có nền giáo dục tốt nhất năm 2021, giáo dục Việt Nam đứng thứ 59 trên thế giới. Việt Nam được xếp vào tốp 10 hệ thống giáo dục đổi mới hàng đầu của thế giới theo báo cáo năm 2018 của Ngân hàng Thế giới. Trong các chương trình đánh giá học sinh quốc tế, lứa tuổi 15 (PISA), học sinh Việt Nam luôn đạt kết quả ấn tượng, vượt qua mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Giáo dục mũi nhọn cũng đạt thành tích cao với hàng chục huy chương ở các cuộc thi Olympic quốc tế mỗi năm.

Giáo dục đại học có bước tiến dài, nhiều trường đại học liên tục có tên và cải thiện vị trí xếp hạng trong các bảng xếp hạng khu vực và quốc tế… Việt Nam đã có nhiều trường đại học nằm trong top 500 các trường đại học tốt nhất châu Á và trong nhóm 1000 các trường đại học tốt nhất thế giới, tốp 500 ngành học chất lượng nhất theo các bảng xếp hạng có uy tín trên thế giới.

Việt Nam cũng đứng thứ 45 thế giới, thứ 12 châu Á, thứ 5 trong khối ASEAN về số lượng báo khoa học công bố trên các ấn phẩm quốc tế có uy tín, trong đó đóng góp của đội ngũ nhà giáo trong các cơ sở giáo dục đại học chiếm 80%.

Thành tựu về giáo dục đã góp phần quan trọng vào việc chất lượng nguồn nhân lực. Nếu năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ ở 40% thì đến năm 2020 đã tăng lên 64%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 14,6% lên 24,5%.

Trong đại dịch COVID-19, các thầy cô đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông tin, dạy học trực tuyến, toàn ngành đặt mục tiêu dừng đến trường nhưng không dừng học. (Ảnh: PM/Vietnam+)
Trong đại dịch COVID-19, các thầy cô đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông tin, dạy học trực tuyến, toàn ngành đặt mục tiêu dừng đến trường nhưng không dừng học. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Trong đại dịch COVID-19 vừa qua, với sự nỗ lực thích ứng của toàn ngành, có gần 80% học sinh, sinh viên học trực tuyến, cao hơn mức trung bình 67,15% của các nước OECD, xếp thứ 17/200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Những trách nhiệm nặng nề mới

Toàn ngành giáo dục và đào tạo đang trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29 Ban Chấp hành Trung ương. Đây là trách nhiệm rất to lớn của toàn bộ đội ngũ nhà giáo khi người thầy đóng vai trò quyết định cho thành công của đổi mới.

Chia sẻ với các nhà giáo nhân 40 năm ngày truyền thống của ngành, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định: “Sự nghiệp đổi mới trong giáo dục đang triển khai này nhất định thành công và chỉ được phép thành công, vì sự thành bại của giáo dục không chỉ là việc riêng của ngành, mà thành bại của giáo dục can hệ với sự thành bại của quốc gia.”

Cũng theo Bộ trưởng, nhận thức sâu sắc điều đó, hơn một triệu nhà giáo trên cả nước đang hăng hái, dấn thân, đảm trách sứ mệnh đổi mới. Dù đâu đó có ngôi trường, có thầy cô, có lúc khiến xã hội chưa hài lòng, phụ huynh bức xúc nhưng đó là bộ phận, là số nhỏ. Phần lớn và tổng thể nhà giáo vẫn đang tiếp nối và phát huy truyền thống tốt đẹp của nghề để ứng phó với muôn vàn biến động và thử thách.

“Phần rất lớn vẫn chấp nhận lương thấp, đời sống khó khăn, vẫn gắn bó với nghề, đem con chữ tới học sinh, chấp nhận muôn vàn thiệt thòi. Tuyệt đại bộ phận nhà giáo vẫn miệt mài học tập, đổi mới sáng tạo, tự vươn lên để đủ sức dạy bảo, dẫn dắt, chỉ đường cho những lớp lớp học trò thời đại mới rất thông minh, giỏi giang nhưng cũng rất nhiều khác biệt,” Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Ngô Thị Minh tặng hoa và bằng khen cho các nhà giáo tiêu biểu nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Ngô Thị Minh tặng hoa và bằng khen cho các nhà giáo tiêu biểu nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Nhắn nhủ tới các nhà giáo, Bộ trưởng nhấn mạnh, cùng với sự cao quý và vinh quang của nghề nghiệp là sự khó nhọc, là trách nhiệm nặng nề, là thách thức và áp lực. Nhưng áp lực cũng chính là động lực để đổi mới và phát triển.

“Vượt qua khó khăn, hoàn thành được sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng, ngành giáo dục và nhà giáo chúng ta sẽ càng trưởng thành và sự vinh quang càng lớn lao hơn. Mong toàn thể nhà giáo chúng ta, cùng chung tay chung sức, vượt qua khó khăn trở ngại. Sự thay đổi thái độ của xã hội đối với nhà giáo theo hướng tốt đẹp hơn hoàn toàn phụ thuộc vào nhà giáo,” Bộ trưởng nói.

Khẳng định lực lượng nhà giáo là tài sản và vốn quý báu nhất của ngành để thực hiện sứ mệnh cao cả, Bộ trưởng cho hay Bộ Giáo dục và Đào tạo coi phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng là việc sống còn của ngành.

“Với nhận thức đó, trong chiến lược phát triển của ngành từ nay tới 2030, phát triển đội ngũ nhà giáo là phần quan trọng trong chiến lược. Bộ đã và đang rà soát các chế độ chính sách, các quy định có liên quan tới nhà giáo, nhằm phát huy sức sáng tạo, làm cho nhà giáo gắn bó với nghề hơn, tạo thêm điều kiện để nhà giáo phát triển và thỏa sức sáng tạo, ngày càng nhận được sự tôn trọng của xã hội và phụ huynh, có nhiều chính sách hỗ trợ nhà giáo, biến áp lực thành động lực đổi mới và phát triển,” Bộ trưởng nói.

 (Nguồn: Vietnam+)

TAGS

Thủ tướng: Nghề dạy học cao quý nhất, góp phần xây đất nước hùng cường

Việt Hà |

Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ tin tưởng đội ngũ các nhà giáo sẽ khắc phục mọi khó khăn, thách thức, thực sự là hình mẫu cho người học, để nghề dạy học luôn được tôn vinh, là nghề cao quý nhất.

Cháy mãi ngọn lửa tình yêu nghề giáo

Thanh Trúc |

“Trên những nẻo đường của Tổ quốc xanh tươi/Có những loài hoa thơm đậm đà sắc hương/Có những bài ca nghe rạo rực lòng người/Bài ca ấy, loài hoa ấy, đẹp như em-người giáo viên nhân dân...”.

Người công nhân vững tay nghề, tận tâm gắn bó với ngành điện

An Khanh |

Khi nhắc đến anh Nguyễn Xuân Thiện, công nhân Đội Quản lý đường dây và trạm biến áp thuộc Điện lực Hải Lăng (PC Quảng Trị), chúng tôi nhận được nhiều ý kiến đánh giá cao từ lãnh đạo và đồng nghiệp về sự tận tâm, nhiệt huyết, gắn bó với ngành điện của người công nhân này.

Buồn vui nghề “làm đẹp cho đời”

Thu Thảo |

Kinh doanh hoa tươi là một nghề khá phát triển ở các đô thị hiện nay. Hoa theo người đi vào ngõ ngách của từng ngôi nhà, vào các bữa tiệc rượu đầm ấm, hoa mang cả tấm chân tình, lòng nhiệt thành của người tặng xen lẫn những xúc cảm buồn vui của người nhận quà. Gói gọn trong hoa còn là sự thổn thức, niềm tâm huyết của người bán hoa, những người được ví là “làm đẹp cho đời”.