Từ tháng 3-7 âm lịch hằng năm, khi gió Tây Nam vượt dãy Trường Sơn ràn rạt thổi về phía biển thì cũng là lúc ngư dân thôn Thái Lai, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) chuẩn bị ngư cụ, giong thuyền vượt sóng vớt cá me. Loài cá me tuy có kích thước nhỏ bé nhưng lại mang về thu nhập khá cao cho người dân nơi đây.
Cá me là loại cá nhỏ bằng ngón tay của trẻ em, phần trên lưng có màu xanh, dưới bụng màu trắng. Loài cá này có xương mềm, thịt ngọt nên được chế biến thành nhiều món ăn ngon như nấu canh chua, hấp cuốn bánh tráng, kho xổi... hoặc phơi khô rồi chế biến thành nhiều món khác nhau. Vì được thị trường ưa chuộng nên nghề vớt cá me ra đời và tồn tại hàng chục năm nay.
Ông Nguyễn Quảng, Chi hội phó Chi hội Nông dân thôn Thái Lai cho hay, xã Vĩnh Thái là vùng bãi ngang nên hầu hết người dân các thôn đều làm nghề đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, chỉ có ngư dân thôn Thái Lai là hành nghề vớt cá me.
Toàn thôn hiện có khoảng 65 chiếc thuyền nan công suất nhỏ; trong đó, có khoảng 40 chiếc với trên 100 ngư dân hành nghề vớt cá me. Vụ mùa đánh bắt cá me thường kéo dài từ tháng 3-7 âm lịch hằng năm. Bởi trong thời gian này, gió Tây Nam mang theo luồng hơi ấm, sóng êm biển lặng, nước trong xanh.
Chiều. Mặt trời khuất dần sau rặng phi lao, tạo thành những vệt sáng đỏ cam hình chiếc quạt nan, ông Quảng cùng người bạn thuyền mang theo đồ nghề rời nhà đi về phía bãi biển. “Trên ghe (thuyền), chúng tôi đã lắp máy phát điện cỡ nhỏ và gắn thêm vài bộ đèn công suất lớn. Chỉ cần mang theo vợt và thùng đựng cá là ra biển vớt cá được”, ông Quảng nói. Đoạn, ông khéo léo quay máy. Chiếc máy nổ phành phạch, nhả làn khói đen lên không trung, đưa chiếc thuyền rời bờ.
Ngư dân thôn Thái Lai hành nghề đánh bắt thủy sản chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cá nhân của mỗi chủ thuyền. Ông Quảng cũng vậy. Sau vài phút, ông nhắc người bạn thuyền nhả ga cho thuyền di chuyển chầm chậm rồi bật đèn pha chiếu sáng hai bên. Bởi nghề vớt cá me chỉ hoạt động gần bờ, trong phạm vi 1 hải lý trở vào.
Giữa mặt biển đêm, ánh sáng phát ra từ những bóng đèn công suất lớn thu hút loài cá me kéo đến. Khi phát hiện luồng cá, ông Quảng cho thuyền chạy thành vòng tròn. Đàn cá me cũng di chuyển theo, hàng vạn con cá cuộn vào nhau thành nhiều hình dạng biến đổi liên tục rất đẹp mắt.
Khi đàn cá áp sát mạn thuyền, ông Quảng và bạn thuyền dùng vợt vớt cá đổ vào những chiếc thùng lớn đã được chuẩn bị sẵn. Cứ như vậy, công việc của họ tiếp diễn cho đến khi các thùng đã đầy cá thì cho thuyền vào bờ.
Nếu trúng luồng cá lớn, một thuyền có thể vớt được vài tạ cá mỗi chuyến. Tuy nhiên, không phải hôm nào họ cũng gặp may mắn. Để đánh bắt được loài cá này, ngư dân thôn Thái Lai không tìm luồng cá trong vùng biển hẹp mà họ giong thuyền đến những ngư trường xa hơn, như vùng giáp ranh với huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình hoặc vào biển Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng.
Khi cá đã đầy hết các thùng, chiếc thuyền trở về bờ. Trên bãi cát, những người phụ nữ đã đợt sẵn với nhiều thau chậu đựng cá. Cá me sau đó được đổ từ thùng lớn trên thuyền xuống những chiếc thau.
Sau ít phút ngơi nghỉ, những người đàn ông lại tiếp tục giong thuyền về phía biển để tìm luồng cá. Còn trên bờ, vợ con họ gánh cá rửa sạch rồi mang đi phơi khô. Nếu cá được đưa vào buổi sáng sớm thì mang ra chợ bán trực tiếp cho khách.
Ông Quảng cho biết, nghề vớt cá me ra đời ở thôn Thái Lai từ hơn 30 năm trước. Thuở ban đầu, ngư dân trong thôn dùng đèn măng sông để thu hút cá me và các loại cá nhỏ khác như cá cơm, cá duội... để vớt.
Sau đó, họ dùng đèn sợi đốt, đèn huỳnh quang. Nay, khoa học kỹ thuật phát triển nên nhiều ngư dân đã đầu tư mua đèn led công suất lớn để sử dụng, giúp tiết kiệm điện, bền bỉ và hiệu quả chiếu sáng tốt hơn.
Không chỉ cá me, trong khoảng thời gian từ tháng 3-7 âm lịch còn có loài cá trắng (có nơi gọi là cá cơm sữa) vào kiếm ăn gần bờ biển. Sau khi phơi khô, cá trắng có giá trị kinh tế cao hơn cá me (cá trắng có giá trên 300 ngàn đồng/kg, cá me giá khoảng 100 ngàn đồng/kg).
“Trung bình, mỗi ngư dân sẽ có thu nhập từ 100-150 triệu đồng sau một vụ cá me, chưa kể đánh bắt thêm các loại cá khác.
Mặc dù thôn Thái Lai ít nghề hơn các thôn khác trong xã nhưng lại có một số nghề đặc thù như lặn bắt tôm hùm và các loại ốc; vớt cá me, cá duội, cá cơm; kéo ruốc...
Nhờ siêng năng, chăm chỉ nên những nghề này tạo nên nguồn thu nhập đáng kể cho ngư dân trong thôn”, ông Quảng nói.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)