Thời tiết bất lợi, nguồn lợi thủy sản ngày càng giảm sút cộng với giá xăng dầu liên tục tăng cao trong khi giá bán hải sản không tăng nên nhiều ngư dân ngần ngại khi vươn khơi đánh bắt. Phần lớn tàu cá hoạt động chỉ đủ để duy trì sản xuất, nhiều tàu cá phải tạm thời “nằm bờ” do thua lỗ.
Hiện đang là chính vụ cá Nam nhưng thời điểm này, tại các khu neo đậu, cảng cá trên địa bàn tỉnh có nhiều tàu cá của ngư dân đang neo đậu im lìm. Nguyên nhân là do thời gian gần đây giá xăng dầu liên tục tăng, giá các mặt hàng khác cũng tăng theo khiến chi phí cho mỗi chuyển biển vượt quá khả năng của ngư dân. Ông Bùi Quốc Tuấn ở tại Khu phố 6, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, thuyền trưởng tàu cá QT 90505TS công suất 425 CV cho biết, sau 4 chuyến biển liên tiếp không hiệu quả, gần 1 tháng nay ông quyết định cho tàu “nằm bờ” do sản lượng đánh bắt không đủ chi phí chuyến biển. Theo ông Tuấn, bình quân 1 chuyến ra khơi đánh bắt từ 15 - 20 ngày tàu cá của ông tiêu tốn khoảng 1.000 - 1.200 lít dầu, chưa kể các chi phí khác như đá lạnh, nhu yếu phẩm, tiền công cho bạn thuyền. Trong khi giá dầu diesel đã lên hơn 30.000 đồng/lít, cao gấp đôi năm 2021.
Cộng với ngư trường đánh bắt ngày càng hạn hẹp, nguồn lợi thủy sản giảm sút nên ngư dân ra khơi là cầm chắc thua lỗ. Cũng theo ông Tuấn, trước đây, các cơ sở kinh doanh xăng dầu thường cho ngư dân ứng dầu trước, rồi trả sau khi kết thúc chuyến biển. Nhưng nay giá dầu tăng cao, chi phí vận chuyển cũng tăng, nên các cơ sở kinh doanh xăng dầu buộc chủ tàu phải trả tiền ngay. Đây cũng là gánh nặng đè lên vai chủ tàu. “Chuyến biển gần đây nhất tàu cá của tôi vươn khơi hơn 15 ngày nhưng chỉ thu được chưa đầy 1 tấn cá, bán được gần 40 triệu đồng nhưng chi phí cho chuyến biển lên đến 80 triệu đồng. May mà có tiền hỗ trợ theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ mới có một ít để chia cho bạn thuyền. Hy vọng nhà nước sớm có các giải pháp giúp giá dầu “hạ nhiệt” để ngư dân chúng tôi tiếp tục vươn khơi”, ông Tuấn cho hay.
Tại cảng cá Cửa Việt, trao đổi với chúng tôi khi vừa trở về sau chuyến biển dài ngày ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, ông Võ Văn Hữu, chủ tàu cá vỏ thép số hiệu QT 96768TS làm nghề lưới chụp cho biết, chuyến biển này tàu cá của ông đánh bắt được hơn 8 tấn cá bánh lái và mực xà, bán được khoảng 200 triệu đồng, trong khi chi phí hơn 350 triệu đồng, lỗ gần 150 triệu đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do giá xăng dầu tăng quá cao trong thời gian ngắn đã đẩy chi phí chuyển biển tăng cao. Ông Hữu phân tích, đối với mỗi chuyến biển chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 80%, trong khi hiện tại giá dầu diesel đã tăng lên hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Với công suất 829 CV, trung bình mỗi chuyến biển tàu cá của ông tiêu tốn khoảng 10.000 lít dầu diesel, trị giá hơn 300 triệu đồng. So với thời điểm này năm trước tăng thêm khoảng 150 triệu đồng.
Cộng với các chi phí khác như 1.000 - 1.200 cây đá lạnh, nhu yếu phẩm… thì tổng chi phí cho mỗi chuyến biển lên đến trên 350 triệu đồng. Chưa kể tiền công 10 triệu đồng/ người/tháng cho 10 bạn thuyền. “Từ đầu năm 2022 đến nay tàu cá của tôi ra khơi được 6 chuyến, ngoài 2 chuyến biển đầu năm có lãi từ 100 - 200 triệu đồng/chuyến, các chuyến biển sau đó đều thu không đủ chi. Sau chuyến biển này tôi đang dự định nghỉ một thời gian, chờ thời tiết thuận lợi và giá dầu “hạ nhiệt” mới vươn khơi. Chỉ mong sao nhà nước có chính sách bình ổn hoặc tăng mức hỗ trợ tiền nhiên liệu theo Quyết định 48 để ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển, vừa khai thác hải sản vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”, ông Hữu nói.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, 6 tháng đầu năm 2022, bên cạnh thời tiết diễn biến phức tạp, gió mùa Đông Bắc thổi mạnh, kéo dài; nguồn lợi thủy sản như cá nục, cá cơm… xuất hiện muộn hơn hằng năm thì giá xăng dầu tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến việc đánh bắt trên biển của ngư dân. Minh chứng là sản lượng thủy sản khai thác thấp hơn so với kế hoạch. Dự ước sản lượng khai thác thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 toàn tỉnh đạt khoảng 13.300 tấn, bằng 91,9% so với cùng kỳ năm trước và chỉ đạt 48,8% kế hoạch.
Ông Lê Đức Thắng, Trưởng phòng Thủy sản, Chi cục Thủy sản cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 2.880 tàu cá với tổng công suất trên 142.000 CV. Trong đó có hơn 230 tàu cá có chiều dài trên 15m, công suất từ 90 CV trở lên. Ngư trường khai thác chủ yếu là các vùng biển xa như Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao nên khối tàu này còn đi khai thác rất ít. Ước tính có khoảng trên 50% tàu cá hiện đang “nằm bờ”. Số còn lại đang vươn khơi chủ yếu vừa đánh bắt vừa để đủ điều kiện được nhận hỗ trợ tiền nhiên liệu theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ. Thậm chí đến thời điểm này có một số tàu cá vẫn chưa ra khơi để đủ điều kiện nhận hỗ trợ theo Quyết định 48 do theo tính toán của chủ tàu mức hỗ trợ không đủ bù đắp chi phí. Những tàu cá còn lại dự tính cũng sẽ “nằm bờ” sau khi hoàn thành định mức 4 chuyến biển ở vùng biển xa để được hỗ trợ theo Quyết định 48.
“Tàu cá “nằm bờ” đồng nghĩa với việc ngư dân không có thu nhập. Sản lượng khai thác giảm do tàu cá “nằm bờ” cũng khiến nguồn nguyên liệu cho các cơ sở làm nước mắm, chế biến cá hấp thiếu hụt. Không những thế, việc tàu cá “nằm bờ” dài ngày còn dẫn đến nguy cơ xuống cấp, hư hỏng máy móc, ngư lưới cụ”, ông Thắng thông tin thêm.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hữu Vinh, trong bối cảnh giá nhiên liệu liên tục tăng cao như hiện nay, để hạn chế ảnh hưởng ngư dân cần tổ chức thành đoàn, tổ, đội khi đi khai thác trên biển để hỗ trợ nhau trong sản xuất; tiếp cận với nguồn vật tư đầu vào và tăng khả năng thương thảo bán sản phẩm; đẩy mạnh sản xuất đối với một số nghề tiêu tốn ít nhiên liệu, sử dụng máy tàu có công suất phù hợp, tiết kiệm nhiên liệu; sử dụng hiệu quả thông tin từ bản tin dự báo ngư trường để giảm thiểu chi phí hành trình tìm ngư trường. Ứng dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản trong bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch.
Ông Vinh cũng đề nghị các doanh nghiệp, thương lái… tăng cường hoạt động dịch vụ hậu cần trên biển như thu mua sản phẩm, cung cấp dầu, nhu yếu phẩm ngay trên biển để giảm thiểu chi phí cho tàu cá khi phải về cảng để bốc dỡ sản phẩm. Chủ tàu có tàu cá “nằm bờ” tranh thủ thời gian ngừng sản xuất thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tàu, ngư lưới cụ, trang thiết bị và phải đảm bảo các quy định về an toàn phòng, chống cháy nổ. Đồng thời, đề xuất tỉnh xem xét hỗ trợ ngư dân chi phí thuê bao dịch vụ giám sát hành trình tàu cá. Các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng xem xét phương án khoanh nợ, giãn nợ vay cho các chủ tàu trong tình hình hiện nay, tiếp tục tạo điều kiện cho vay vốn lưu động làm chi phí chuyến biển, giúp ngư dân có kinh phí ra khơi, bám biển.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)