Người dân Hướng Phùng lo lắng vì giá chanh leo xuống thấp

Minh Long |

Để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, những năm qua, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. 

Trong đó, chanh leo là một trong những mô hình tiêu biểu, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Tuy nhiên, khoảng vài tháng trở lại đây, chanh leo liên tục rớt giá sâu khiến người trồng lo lắng vì thất thu.

Hơn 2 năm nay, gia đình ông Hồ Văn Lộc ở thôn Đại Độ, xã Hướng Phùng chuyển đổi một phần diện tích cà phê năng suất thấp sang trồng 150 gốc chanh leo. Đây là loại cây rất phù hợp đất đai, khí hậu ở Hướng Phùng nên chăm sóc không khó, năng suất cao. Bình quân mỗi gốc chanh leo của gia đình ông cho thu hoạch gần 1 tạ quả/năm, với giá những năm về trước từ 14 - 20 nghìn đồng/kg tùy theo loại thì trừ chi phí, chanh leo đem lại nguồn thu cho gia đình ông khoảng 50 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, hơn một tháng nay, giá chanh leo giảm sâu, hiện giá chỉ còn 2.000 đồng/kg khiến gia đình ông đứng ngồi không yên. Ông Lộc chia sẻ: “Chưa năm nào chúng tôi thấy giá chanh leo lại giảm sâu như thế này. Thương lái rất ít hỏi mua, chúng tôi phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm qua rao bán trên các trang mạng xã hội, đưa ra chợ xã, huyện mà vẫn ế ẩm. Một số hộ gia đình trong xã không dám đầu tư trồng chanh leo nữa vì càng đầu tư càng lỗ. Hiện tại, giá bán chanh leo quá thấp không đủ chi phí cho phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Như gia đình tôi, chanh leo hái xuống chất đống từ ngày này qua ngày khác mà hiếm ai hỏi mua!”.

Nhiều hộ dân ở Hướng Phùng thu hoạch chanh tập kết đầy nhà nhưng không bán được vì giá quá thấp và ít người mua - Ảnh: M.L
Nhiều hộ dân ở Hướng Phùng thu hoạch chanh tập kết đầy nhà nhưng không bán được vì giá quá thấp và ít người mua - Ảnh: M.L

Sau khi nghiên cứu kỹ chất đất cũng như thời tiết khí hậu, Hướng Phùng là một trong 3 xã đầu tiên tại Hướng Hóa được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn làm nơi xây dựng mô hình điểm về trồng chanh leo với tổng diện tích 7,5 ha. Sau 5 năm triển khai thực hiện mô hình, kết quả cho thấy chanh leo trồng ở Hướng Phùng phát triển tốt, năng suất khá cao, bình quân đạt 18 tấn/ha. Trừ chi phí đầu tư, nông dân thu lãi từ 50 - 100 triệu đồng/ha/ năm.

Từ kết quả đó, Hướng Phùng đã liên tục nhân rộng diện tích, đến nay đạt 95 ha với gần 150 hộ dân trồng chanh leo. Hơn 2 tháng nay, chanh leo ở đây vào mùa thu hoạch. Thời điểm này vào năm trước, trung bình mỗi ngày xã xuất khoảng 19 tấn chanh leo với giá từ 1 - 1,2 triệu đồng/tấn. Các hộ dân ở đây đã phân chia thành 3 loại là chanh leo xuất khẩu, chanh chợ và chanh múc (hay còn gọi là chanh chiết dịch) bán với giá khác nhau.

Cụ thể, năm 2022, giá các loại chanh xuất khẩu cao nhất là 47 nghìn đồng/ kg, chanh chợ có giá từ 10 - 12 nghìn đồng/ kg, chanh múc từ 5 - 7 nghìn đồng/kg. Thế nhưng, từ đầu vụ mùa năm 2023 cho đến thời điểm này, giá chanh leo liên tục giảm, chanh xuất khẩu hiện giá chỉ còn 20 - 25 nghìn đồng/kg, chanh chợ 7-8 nghìn đồng/kg (đầu vụ từ 8-10 nghìn đồng/kg), chanh múc giá rất thấp, chỉ 2 nghìn đồng/kg. Khoảng 1 tuần trở lại đây, chanh leo không xuất khẩu đi được, còn các loại chanh khác thì ế ẩm.

Theo nhiều người dân ở xã Hướng Phùng, hiện chanh leo xuất khẩu sang nhiều thị trường nhưng thị trường xuất khẩu chủ yếu vẫn là Trung Quốc. Lý do chanh leo rớt giá có thể là do thời điểm này Trung Quốc đang vào chính vụ thu hoạch chanh leo nên sức mua của thị trường này đối với chanh leo Việt Nam bị giảm.

Ngoài ra, theo dự đoán, có thể nhiều địa phương ở Trung Quốc bị bão lũ và sau COVID-19 ảnh hưởng đến thu nhập, việc làm, nên sức mua của Trung Quốc giảm, dẫn đến chanh leo rớt giá. Giá chanh giảm sâu nên nhiều người dân không màng đến thu hoạch, có hộ thu hoạch chanh tập kết đầy nhà, để héo không bán được; có hộ để mặc quả trên giàn cây không thu hoạch, không chăm sóc vườn như trước đây.

Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Hà Ngọc Dương cho biết: “Năm nay, vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà giá chanh leo giảm sâu, làm người dân lo lắng. Trước thực trạng này, hiện nay, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục chăm sóc diện tích chanh leo hiện có để chờ cho giá lên; duy trì chăm sóc vườn cây theo hướng hữu cơ, đảm bảo chất lượng, sản lượng, không vội vàng phá bỏ diện tích chanh leo.

Xã sẽ làm việc với các doanh nghiệp thu mua chanh leo trên địa bàn nhằm tìm hướng khắc phục và thu mua ổn định để người dân trồng chanh leo yên tâm tiếp tục đầu tư sản xuất”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Nâng tầm cây chuối Quảng Trị

Tiến Nhất |

Ngày 15/8/2023, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng chủ trì buổi làm việc với các ngành chức năng và Công ty TNHH MTV Musa Pacta Group về đề xuất nghiên cứu, khảo sát, hợp tác phát triển các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến cây chuối.

Trồng chanh leo “nuôi” cà phê

Lê An |

Thời gian gần đây, nhiều hộ trồng cà phê tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã kết hợp trồng chanh leo trong vườn cà phê tái canh giai đoạn kiến thiết cơ bản. Bên cạnh tác dụng che bóng cho vườn cà phê, cây chanh leo còn cho thu nhập tương đối ổn định, giúp người trồng cà phê “lấy ngắn nuôi dài”.

Hiệu quả từ mô hình liên kết trồng chanh leo ở Hướng Hóa

Nguyễn Đình |

Mặc dù là cây trồng mới nhưng hiện nay cây chanh leo đang được nhiều hộ nông dân các xã, thị trấn ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) tập trung phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, mở ra hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Cây chanh leo cho thu nhập trên 110 triệu đồng/ha

Lê An |

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị, đến thời điểm này toàn tỉnh đã có hơn 100 ha chanh leo, trong đó có gần 55 ha đang cho thu hoạch. Tập trung chủ yếu tại 2 huyện Hướng Hóa và Vĩnh Linh.