Bị ngập úng dài ngày do ảnh hưởng đợt mưa lũ vừa qua đã khiến hàng chục héc ta trồng cây ném và các loại hoa màu khác của nông dân xã Hải Định, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) bị thiệt hại nặng.
Do nguồn ném giống giá cao, đã trễ thời vụ và dự báo còn xuất hiện thêm đợt mưa lớn mới nên nhiều nông dân nơi đây hiện gặp khó khăn trong việc tính toán trồng mới cây ném, chuyển đổi cây trồng hoặc bỏ hoang đất.
Cùng Trưởng thôn Thiện Tây Lê Hoài Sơn và một số cán bộ xã Hải Định đi khảo sát, thống kê thiệt hại hoa màu do đợt mưa lũ giữa tháng 11/2023 trên địa bàn xã, chúng tôi đến vùng rú cát khá rộng lớn, màu mỡ của thôn Thiện Tây. Trên những khoảnh ruộng đất cát pha đang trồng vụ ném chính của người dân nơi đây vẫn còn dấu vết của đợt mưa lũ vừa qua với những vồng ném xơ xác, vàng vọt.
Chúng tôi gặp bà Lê Thị Chậm, người dân ở thôn Thiện Tây đang tranh thủ khôi phục một số ít vồng ném ở vị trí cao bằng cách ủ tro, rắc thêm rơm để “tiếp sức” cho cây. Bà Chậm cho hay: “Trong tổng số 3 sào ném của gia đình tôi thì đến nay đã có hơn 2 sào bị thiệt hại hoàn toàn do ngâm nước đến 5-6 ngày trong đợt lũ vừa qua. Cây ném bị hư úng phần rễ, héo thân và không thể phát triển được nữa”.
Được biết, đây đã là lần thứ 2 vườn ném của gia đình bà Chậm bị ngập úng dẫn đến hư hại nặng. “Đợt lũ vào tháng 10, vườn ném đã hư một lần và gia đình mua cây ném giống về trồng lại. Tuy nhiên, không ngờ đợt lũ tháng 11 này lại tàn phá thêm một lần nữa. Tổng chi phí giống, phân bón gia đình tôi đã đầu tư vào mấy sào ném vừa qua là hơn 13 triệu đồng.
Nếu không bị ngập úng hư hại thì gần cuối năm gia đình tôi sẽ tỉa bán cây, sau đó bỏ phân để sang năm bán củ và có nguồn thu nhập khá. Sắp tới chắc gia đình tôi chuyển qua trồng đậu lạc, vì cũng đã trễ vụ thu đông rồi, với lại giá củ ném giống hiện quá cao so với nhiều năm trước (150.000 đồng/kg ném củ) nên nếu trồng tiếp sẽ bị lỗ”, bà Chậm cho biết thêm.
Gần bên, bà Nguyễn Thị Tùng bới những gốc ném đã bị thối vàng gốc đưa chúng tôi xem và cho biết 0,5 sào ném của bà đã hư hại hoàn toàn không thể cứu vãn. Gia đình vốn khó khăn, kinh tế dựa nhiều vào trồng ném và một số loại hoa màu trên rú cát nhưng do mưa lũ gây hư hại nên gia đình bà Tùng sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tái sản xuất, nếu không được hỗ trợ giống, phân bón.
Trong khi đó, hộ gia đình ông Phùng Đức Bình canh tác 2 sào ném ở thôn Thiện Đông cũng bị nước lũ tràn về kéo theo một lượng cát lấp hơn 3 vồng ném đang lên tươi tốt.
“Gia đình tôi ở thôn Thiện Tây nhưng về thuê đất ở thôn Thiện Đông trồng ném với hy vọng có nguồn thu nhập trang trải vào dịp Tết nhưng giờ thiệt hại gần như hoàn toàn. Tuy giống ném hơi đắt nhưng đợi những đợt mưa sắp tới qua đi, đất khô ráo hơn gia đình tôi sẽ cố gắng mua cây ném giống về dặm lại để mong có thêm nguồn thu nhập dịp cuối năm”, ông Bình bày tỏ.
Trưởng thôn Thiện Tây Lê Hoài Sơn cho biết, toàn thôn có khoảng 200 hộ dân trồng hoa màu ở vùng rú cát. Trong đó, đa số các hộ đều có trồng ném với diện tích từ 0,5- 3 sào ném/hộ. Những năm qua, người dân thu hoạch từ ném lá và ném củ đạt bình quân từ 12 - 15 triệu đồng/sào. Cây ném cũng chính là cây trồng chủ lực vụ thu đông và là nguồn thu nhập khá của nông dân nơi đây vào mỗi dịp cuối năm. Tuy vậy, liên tiếp các đợt mưa lũ vừa qua đã làm nhiều diện tích canh tác ném, hoa màu của bà con hư hại nặng.
“Qua khảo sát, thống kê sơ bộ thì thiệt hại về cây ném và một số loại hoa màu khác của thôn Thiện Tây là khá lớn. Thiệt hại này sẽ khiến nhiều hộ dân gặp khó khăn khi tái sản xuất, do giá phân bón, đặc biệt là ném giống cao”, ông Sơn nói.
Đợt mưa lũ giữa tháng 11/2023 đã làm ngập 35 ha cây trồng, trong đó có 30 ha ném (trong tổng số 45 ha) và 5 ha rau màu các loại của xã Hải Định. Trong đó, diện tích thiệt hại nặng ước khoảng 20 ha ném, 2 ha rau màu các loại. Thiệt hại nguồn thu riêng về cây ném của toàn xã Hải Định ước khoảng gần 3 tỉ đồng. Phó Chủ tịch UBND xã Hải Định Bùi Như Lộc cho biết, vụ thu đông hằng năm người dân trên địa bàn sản xuất cây màu phục vụ tết Nguyên đán sắp đến. Tuy nhiên, do ngập lũ khá nặng gây thiệt hại đã ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.
“Chính quyền địa phương kiến nghị các cấp, các ngành kịp thời quan tâm hỗ trợ nguồn giống rau màu để giúp bà con tái sản xuất. Đồng thời, sớm hỗ trợ kinh phí từ nguồn khắc phục thiên tai để Nhân dân ổn định đời sống”, ông Lộc kiến nghị.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)