Biến vùng đất trũng thành vườn cây trái xanh tươi

Đức Việt |

Dày công cải tạo, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, nhiều cựu chiến binh (CCB) ở thôn Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã biến vùng đất trũng thường xuyên ngập lụt trở thành những vườn cây trái xanh tươi trù phú, mang lại nguồn thu nhập ổn định.


Là vùng đất nằm sát sông Thạch Hãn thường bị ngập lụt mỗi mùa mưa lũ hằng năm, thôn Bích Khê, xã Triệu Long không có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều hộ dân địa phương, trong đó đi đầu là hội viên CCB thôn Bích Khê đã nỗ lực cải tạo vườn tạp, lựa chọn những loại cây trồng phù hợp để phát triển kinh tế, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Sau một thời gian cải tạo, khu vườn trồng chuối sứ nằm sát bờ sông Thạch Hãn của CCB Đỗ Thiên Dỹ liên kết với các CCB Đặng Phi, Đỗ Hưng đã phát triển tốt và cho thu hoạch gần một năm nay. Ông Đỗ Thiên Dỹ cho biết: “Thông thường người ta trồng chuối để bán trái nhưng chúng tôi thì trồng chuối để bán… lá.

Mô hình trồng ổi lê Đài Loan của gia đình CCB Đỗ Thiên Lam ở thôn Bích Khê, xã Triệu Long,huyện Triệu Phong - Ảnh: ĐV
Mô hình trồng ổi lê Đài Loan của gia đình CCB Đỗ Thiên Lam ở thôn Bích Khê, xã Triệu Long,huyện Triệu Phong - Ảnh: ĐV

Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ lá chuối của các cơ sở làm nem chả, bánh chưng, bánh tét… là khá lớn, trong khi hầu như có rất ít mô hình trồng chuối bán lá nên nhóm hộ chúng tôi đã bàn nhau quyết định thực hiện mô hình này”. Sau khi bàn bạc, nhóm hộ của ông Dỹ đã xin đấu toàn bộ diện tích 20.000 m2 đất bãi bồi ven sông Thạch Hãn thường bị ngập lũ sâu hằng năm để trồng cây chuối sứ bán lá.

“Đây là khu đất nằm ngay đoạn eo sông, mỗi mùa lũ lụt, rều rác, cây khô các loại thường xuyên tấp vào nên bị bỏ hoang, không mấy ai đoái hoài. Vì vậy khi chúng tôi xin đấu trồng chuối, địa phương hoàn toàn ủng hộ. Sau khi đấu, chúng tôi mất một thời gian dài thu gom, chôn lấp rác, cây mục. Song song với đó, chúng tôi trồng vành đai cây tràm xung quanh diện tích để hạn chế dòng chảy và chắn rác mùa lũ tràn vào, sau đó thuê máy cày lên luống và mua giống chuối sứ về trồng.

Chuối sứ là loại cây chống chịu tốt với ngập nước, phát triển nhanh và cho nguồn lá nhiều, chất lượng nên là loại cây trồng rất phù hợp ở đây. Đến nay, vườn chuối phát triển rất tốt, cho thu hoạch nguồn lá mỗi ngày ít nhất hơn 1,5 tạ. Với giá bán hiện tại là 6.000 đồng/kg (dịp tết lên đến 14.000 đồng/kg), thì tính ra mỗi ngày chúng tôi có thu nhập gần 1 triệu đồng từ lá chuối. Lá hầu như thu hoạch quanh năm và được thương lái thu mua tận nơi”, ông Dỹ cho hay.

Ngoài bán lá, thân cây chuối sau một thời gian thu hoạch lá thì được các trang trại chăn nuôi mua để làm thức ăn gia súc, hoa chuối cũng được bán cho người dân và các cơ sở chế biến thực phẩm… Theo ông Dỹ, cây chuối không tốn nhiều chi phí đầu tư, công chăm sóc nên hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, nhất là đối với vùng đất thường ngập lụt, khó sản xuất nông nghiệp như thôn Bích Khê.

Cũng như CCB Đỗ Thiên Dỹ, CCB Đỗ Thiên Lam ở thôn Bích Khê sau khi xuất ngũ đã trở về địa phương lập gia đình, gắn bó với ruộng đồng chí thú làm ăn. Dù diện tích đất vườn ít ỏi (khoảng 600 m2 ) nhưng ông đã cải tạo, tìm tòi các loại cây trồng phù hợp, có giá trị kinh tế cao để canh tác nhằm nâng cao thu nhập. Vào khoảng năm 2017, qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng và nghiên cứu thị trường, ông Lam đã cải tạo mảnh vườn của mình để chuyển sang trồng giống ổi lê Đài Loan.

“Tôi đã tìm mua giống chất lượng và trồng 100 gốc ổi lê trong toàn bộ khu vườn của mình. Chỉ sau một thời gian ngắn, giống ổi lê Đài Loan này đã cho năng suất cao, quả to đều, ngon, giòn… đầu ra tốt”, ông Lam nói. Để không ảnh hưởng bởi tình trạng “được mùa mất giá”, trong vườn ổi của mình, ông không cho thu hoạch quả rộ một lần mà tìm cách thu nhiều lần để bán giá cao hơn.

“Sau mỗi lần thu hoạch trái thì chúng tôi tiến hành cắt cành toàn bộ để cho ra cành mới, nhưng trong vườn tôi không cắt mà lựa chọn cắt đồng loạt khoảng 30 - 40 gốc một lần. Theo đó, ổi quả sẽ ra gối đầu và có hái bán liên tục gần như quanh năm. Cao điểm trong khoảng 3-4 tháng liền mỗi ngày gia đình tôi thu hoạch và bán ngay tại vườn khoảng 20 kg (giá 20.000 đồng/kg), còn ngày thường lai rai bán khoảng 9-10 kg”, ông Lam cho biết.

Ngoài vườn ổi, gia đình ông Lam hiện canh tác thêm 5 sào ruộng, nuôi 1 lợn nái đẻ, 2 lợn thịt và xen canh trong vườn nhiều loại cây rau màu… nên 

mang lại thu nhập ổn định với khoảng từ 50-60 triệu đồng/ năm. Năm 2022, mô hình trồng ổi của gia đình ông Lam được chọn là mô hình “Nhà sạch - Vườn đẹp” của Hội CCB xã Triệu Long.

Chủ tịch Hội CCB xã Triệu Long Đỗ Xuân Việt cho biết: “Do đặc thù đất ruộng tại địa phương rất ít (chỉ khoảng 250 m2 /người) nên các hộ dân, trong đó có nhiều gia đình hội viên CCB đã chú trọng cải tạo vườn tạp để thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp mà trong đó chủ yếu là trồng trọt.

Đánh giá bước đầu, chúng tôi nhận thấy mô hình trồng chuối sứ lấy lá và trồng ổi của các hội viên CCB Đỗ Thiên Dỹ và Đỗ Thiên Lam là rất triển vọng, có hiệu quả kinh tế ổn định và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Đây cũng là những mô hình trồng trọt có tính gợi mở cho nhiều hộ khác nghiên cứu, lựa chọn cây trồng phù hợp, có hiệu quả kinh tế để áp dụng vào phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Hiệu quả thực hiện đề tài trồng chuối tiêu hồng

Trần Anh Minh |

Thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình thâm canh chuối Tiêu hồng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị”, từ năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình thí điểm trồng thâm canh chuối tiêu hồng tại thôn A Ngo, xã A Ngo. Sau 2 năm thực hiện, mô hình mang lại hiệu quả cao, có ý nghĩa về nhiều mặt.

Toàn tỉnh có 11 vùng trồng được cấp mã số xuất khẩu

Lê An |

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị, đến nay toàn tỉnh đã cấp được 24 mã số vùng trồng (MSVT) tại các địa phương. Trong đó, có 11 MSVT phục vụ xuất khẩu gồm: 9 MSVT trên cây chuối (xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc) với diện tích hơn 2.057 ha và 2 MSVT trên cây lúa (xuất khẩu vào thị trường Châu Âu) với diện tích hơn 37 ha.

Mở lối từ cây trồng ở Đakrông

Tây Long |

Dù chăm chỉ lao động nhưng thời gian qua, cuộc sống của nhiều người dân huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị) vẫn quẩn quanh trong khó nghèo. Với quyết tâm vươn lên, cùng sự hỗ trợ của các cấp, ngành, bà con đã mở lối cho chính mình bằng cách thay đổi thói quen, phương thức trồng trọt cũ và thử nghiệm những giống cây mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Hỗ trợ 150.000 cây giống để trồng rừng không đốt thực bì

Anh Vũ |

Được sự hỗ trợ của Dự án Quản lý Rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đang triển khai mô hình trồng rừng không đốt thực bì tại 3 xã: Cam Nghĩa, Cam Chính và Thanh An.