Kết quả mô hình nghiên cứu cho thấy có tới 26 đối tượng sâu bệnh gây hại trên cây chanh leo trồng ở Quảng Trị.
Năm 2018, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị liên kết với Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc triển khai mô hình liên kết trồng và tiêu thụ chanh leo phục vụ chế biến và xuất khẩu trên địa bàn huyện Hướng Hóa, với diện tích 12 ha. Từ đó đến nay, toàn tỉnh phát triển được trên 100 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Hướng Hóa, Vĩnh Linh, Cam Lộ, Triệu Phong.
Theo khảo sát của cơ quan chức năng, cây chanh leo ở Quảng Trị đạt năng suất trung bình đạt 15 -20 tấn/ha. Một số vườn chăm sóc tốt, tuân thủ quy trình năng suất lên tới 40 - 50 tấn/ha.
Với năng suất trên, sau khi trừ chi phí, các nhà vườn tham gia mô hình liên kết có thể lãi ròng từ 40- 100 triệu đồng/ha. Cá biệt một số vườn lãi ròng từ 150 - 200 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cây chanh leo rất mẫn cảm với các loại dịch bệnh gây hại.
Để xác định các loại sâu bệnh gây hại, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã xây dựng mô hình Nghiên cứu thành phần sâu bệnh hại, diễn biến một số dịch hại chính và biện pháp quản lý tổng hợp trên giống chanh leo Đài Nông 1 tại Quảng Trị, được thực hiện ở 2 xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh và Hướng Tân, huyện Hướng Hóa.
Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy, có 26 đối tượng dịch bệnh gây hại, chủ yếu là nhện đỏ, nhện trắng, bệnh đốm dầu, ruồi đục quả xuất hiện và gây hại với tần suất rất phổ biến ở cả vùng đồng bằng và miền núi. Bên cạnh đó, các đối tượng bệnh héo quả, bệnh đốm nâu, bọ trĩ, bệnh virus xuất hiện với mức độ phổ biến.
Từ kết quả nghiên cứu, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị Sở NN-PTNT Quảng Trị ban hành quy trình sản xuất, phòng trừ tổng hợp dịch hại trên cây chanh leo, tạo tâm lý yên tâm cho bà con nông dân đầu tư thâm canh, tăng hiệu quả kinh tế và làm giàu từ cây chanh leo.