Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Thủy Ba Tây, xã Vĩnh Thủy là đơn vị đầu tiên trên địa bàn huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) ứng dụng thiết bị bay (còn gọi là drone) để phun thuốc bảo vệ thực vật trên diện tích lúa 110 ha. Qua thực tế sản xuất, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Thủy Ba Tây Nguyễn Văn Lâm cho biết, công nghệ này có nhiều tiện ích, không chỉ tiết kiệm được chi phí, sức lao động mà quan trọng hơn là góp phần bảo vệ sức khỏe người nông dân.
Với người dân nhiều địa phương khác, việc ứng dụng drone vào sản xuất nông nghiệp dường như đã không còn xa lạ. Tuy nhiên, tại xã Vĩnh Thủy cũng như toàn huyện Vĩnh Linh, công nghệ này còn khá mới mẻ. Bắt đầu từ vụ đông xuân 2020 - 2021, sau khi chứng kiến chương trình bay trình diễn của Công ty Cổ phần tập đoàn Lộc Trời (Công ty Lộc Trời) và được cán bộ kỹ thuật của công ty giới thiệu các vấn đề liên quan đến ứng dụng drone vào phun thuốc quản lý dịch hại trên cây lúa, các thành viên hợp tác xã (HTX) đã đồng tình cao và rất mong muốn được sử dụng công nghệ này vào sản xuất.
Thiết bị drone có tính năng thiết lập đường bay tự động, điều chỉnh chế độ phun tự động cho nhiều loại cây trồng như cây lương thực, cây thực phẩm, cây ăn quả, cây công nghiệp. Với cơ chế đầu phun liên tục xoáy tròn, hạt dung dịch thuốc khi ra khỏi đầu phun có kích cỡ rất nhỏ và mịn, lượng thuốc được phân bổ đều trên bề mặt ruộng lúa do đường bay không chồng lấn lên nhau.
Khi dùng drone sẽ giảm được lượng thuốc, thời gian phun thuốc, tránh dẫm đạp khi đi lại trong quá trình phun thuốc và đặc biệt là tránh sự tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) so với phun thuốc thủ công thông thường. Với mỗi lần bay, drone có thể mang theo khoảng 10 lít dung dịch thuốc.
Nếu như trước đây nông dân phải sử dụng 300 - 400 lít dung dịch thuốc BVTV để phun cho 1 ha lúa thì nay với việc sử dụng drone lượng nước giảm đến 90%, chỉ tốn khoảng 15 - 30 lít dung dịch thuốc nhưng với các công nghệ lập trình sẵn đường bay, hệ thống đầu phun siêu nhỏ nên hạt dung dịch thuốc được phun đều và mịn, trải đều trên mặt ruộng.
Anh Nguyễn Văn Nam, một thành viên của HTX Nông nghiệp dịch vụ Thủy Ba Tây chia sẻ: “Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, nếu phun thủ công mỗi ngày người dân chỉ thực hiện được trên diện tích khoảng 1 mẫu (tương đương với 10 sào hoặc 0,5 ha). Trên diện tích 110 ha thì phải tốn kinh phí phun thuốc trên 120 triệu đồng. Nhưng với drone, công suất phun tối thiểu sẽ đạt 16 ha/ngày, tối đa 20 ha/ ngày. Chi phí phun cho 110 ha cũng chỉ xấp xỉ mức 90 triệu đồng”.
Đánh giá về lợi ích của drone, ông Nguyễn Văn Lâm cho biết: “Ngoài việc người phun không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV, phun bằng drone sẽ tiết kiệm công lao động rất lớn; đạt được sự đồng đều, chứ phun thuốc bằng tay thì cũng có nhiều lỗi. Vụ đông xuân 2020 - 2021, HTX phun bằng drone, chi phí giảm 30%, tỉ lệ lúa bị sâu hại giảm 40%. Trước đây, khi phun thuốc bằng phương pháp thủ công thì năng suất lúa chỉ đạt 58 tạ/ha; nhưng trong vụ đông xuân 2020 - 2021, năng suất lúa đạt trên 61 tạ/ha. Từ những lợi ích mà drone mang lại, trong vụ hè thu 2021, đơn vị tiếp tục ký kết hợp đồng với Công ty Lộc Trời thực hiện phun trên 100% diện tích lúa. Hiện HTX đã phun lần thứ 2 để phòng trừ dịch rầy trên cây lúa”.
Việc áp dụng drone vào phun thuốc BVTV đã cho thấy nhiều lợi ích, vừa góp phần nâng cao năng suất lao động vừa tiết kiệm thời gian và quan trọng hơn là bảo vệ sức khỏe cho người lao động. Đây là một bước chuyển đổi lớn trong việc đẩy mạnh cơ giới hóa ngành nông nghiệp. Bước đi này góp phần phát huy lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả, chất lượng nông sản và tăng thu nhập cho nông dân.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)