Nhiều mô hình hay, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Đakrông

Ngọc Trang |

 Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và lâu dài, những năm qua, huyện Đakrông huy động nhiều nguồn lực và sự tham gia của người dân trong thực hiện nhiệm vụ này. Nhờ đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay, sáng tạo, phù hợp trong xây dựng NTM, góp phần đưa huyện miền núi này ngày càng phát triển.

 
 Mô hình nuôi hươu hiệu quả ở xã Triệu Nguyên -Ảnh: N.T
      

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” trên địa bàn huyện triển khai sâu rộng và có hiệu quả. Đặc biệt, các đơn vị tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, chú trọng đến phát triển đời sống kinh tế gia đình với nhiều hình thức như: hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ giống, hướng dẫn, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Vận động người dân tham gia xây dựng nhiều mô hình xây dựng NTM.

Tiêu biểu như 2 mô hình trồng rau sạch kết hợp chăn nuôi lợn ở xã Ba Lòng, 2 mô hình nuôi hươu ở xã Triệu Nguyên và nhiều mô hình kinh tế khác mang lại thu nhập cao; vận động Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; xóa bỏ những hủ tục; tham gia các hoạt động giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; quy hoạch vườn, ao, chuồng và các công trình vệ sinh; thu gom, xử lý chất thải sản xuất và sinh hoạt.

Cùng với đó, xây dựng các mô hình khu dân cư tự quản an ninh trật tự, khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường, mô hình đường làng ngõ xóm. Phối hợp quản lý, giúp đỡ gia đình có người cai nghiện ma túy, gia đình có người chấp hành xong án phạt tù, xây dựng được 22 mô hình: khu dân cư tự quản an ninh trật tự, “Khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội”, “Câu lạc bộ phòng chống tội phạm”, “Câu lạc bộ phòng chống ma túy”, “Câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình”, “Tổ tự quản về phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội”; 5 mô hình an toàn giao thông, phòng chống tội phạm; 13 mô hình “3 quản”.

Xác định rõ vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng NTM, Hội Nông dân huyện đẩy mạnh tuyên truyền tới hội viên nâng cao nhận thức về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình xây dựng NTM. Nhờ đó, nhiều hộ hội viên tích cực tham gia hiến đất, đóng góp công, của xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, chỉnh trang nhà cửa, vườn tạp.

Các cấp hội nông dân tăng cường phối hợp hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu như: lạc vùng chiến khu Ba Lòng, dưa hấu Mò Ó, đậu xanh Ba Lòng, gạo ra dư Đakrông, nếp than Đakrông, chổi đót Đakrông, dệt thổ cẩm A Bung.

Đẩy mạnh các phong trào thi đua: “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Sáng tạo khoa học nhà nông”, “Nông dân thời 4.0”, “Nông dân Việt Nam xuất sắc”... góp phần xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương. Chất lượng, hiệu quả của các phong trào ngày càng được nâng cao, một số hộ có quy mô sản xuất tương đối lớn, có vốn kinh doanh hàng trăm triệu đồng, thu hút hàng chục lao động, mang lại hiệu quả và thu nhập cao.

Trên địa bàn huyện có mô hình trồng chuối lùn bản địa, mô hình trồng lạc theo chuỗi liên kết mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Để góp phần chung sức xây dựng NTM, các cấp hội phụ nữ trong huyện xác định tập trung đẩy mạnh thực hiện tiêu chí không đói nghèo; triển khai thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, vận động hội viên chủ động vượt khó vươn lên thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, đến thời điểm này có 100% xã, thị trấn ở huyện có mô hình tiết kiệm vốn vay thôn bản, với 288 nhóm/4.812 thành viên, tổng tiền tiết kiệm hàng năm hơn 5 tỉ đồng.

Phát huy vai trò xung kích phát triển KT-XH, lập thân, lập nghiệp của thanh niên gắn với phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng NTM”, Huyện đoàn Đakrông triển khai nhiều đợt phát động phong trào thi đua về cấp đoàn cơ sở. Thành lập đội xung kích tuyên truyền NTM, xây dựng các tiết mục văn nghệ, nhằm “sân khấu hóa” lồng ghép với hội thi chuyển tải các nội dung chương trình MTQG xây dựng NTM đến với các tầng lớp nhân dân và cư dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Kết nối với các chi đoàn cơ quan cấp huyện và đoàn thanh niên cấp xã thành các đội thanh niên tình nguyện, huy động trên 1.800 ngày công giúp đỡ các hộ gia đình thuộc đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn của huyện như sửa chữa, xây dựng nhà ở, chuồng trại chăn nuôi, đào hố xử lý rác thải hộ gia đình theo tiêu chí NTM.

Tham gia xây dựng 13 công trình “Ánh sáng đường quê” lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng với tổng chiều dài 14 km trên các trục đường trung tâm thôn, bản thuộc 6 xã: Hướng Hiệp, Triệu Nguyên, Hải Phúc, Đakrông, Tà Rụt, A Bung. Tổ chức các đợt vệ sinh môi trường, chỉnh trang trên các tuyến đường giao thông do đoàn thanh niên tự quản tại các khu vực trung tâm xã và khu dân cư vùng nông thôn, đồng thời trồng trên 30.000 cây xanh tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp.

Hội Cựu chiến binh huyện cũng tổ chức các hoạt động tuyên truyền về xây dựng NTM gắn với phong trào 3 hiến “hiến kế, hiến công, hiến đất” và “chỉnh trang đường làng, ngõ xóm”. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, đoàn thể, nhất là sự đồng lòng, chung tay, góp sức của Nhân dân nên phong trào xây dựng NTM ở huyện Đakrông đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đến nay, toàn huyện đạt 161 tiêu chí xây dựng NTM, bình quân tiêu chí đạt chuẩn 13,4 tiêu chí/xã; xã Triệu Nguyên duy trì đạt chuẩn NTM.

Những mô hình hay, sáng tạo trong xây dựng NTM đã góp phần xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh; sản xuất phát triển theo hướng hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ... Cảnh quan, môi trường nông thôn dần được cải thiện. Đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân được nâng cao, diện mạo nông thôn miền núi ngày càng khởi sắc.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

TAGS

Triển vọng từ mô hình kinh tế tổng hợp của một thanh niên Vân Kiều

Ngọc Trang |

Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của gia đình, những năm trở lại đây, anh Hồ Văn Păn, người dân tộc Vân Kiều ở thôn A Dơi Đớ, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa quyết định chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng mô hình kinh tế tổng hợp. Nhờ biết cách khai thác tiềm năng, lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương, mô hình của anh bước đầu mang lại nguồn thu nhập khá, tạo động lực để anh tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế bền vững.

Kỳ vọng mô hình trồng cây gai xanh AP1

Lê An |

Sau 5 tháng đưa vào trồng thử nghiệm, mô hình trồng cây gai xanh AP1 do Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị phối hợp với Tập đoàn An Phước - Viramie thực hiện đã cho những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Mô hình hứa hẹn mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả.

Nhân rộng mô hình nuôi dê nhốt ở vùng Cùa gặp khó khăn

Lê Trường |

Với ưu thế dễ nuôi, tốn ít công chăm sóc, tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có nên mô hình dê nhốt được nhiều hộ gia đình ở vùng Cùa, huyện Cam Lộ lựa chọn phát triển. Đây là hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc nhân rộng mô hình gặp khó khăn, người dân cần được sự hỗ trợ từ các cấp.

Hội nghị đầu bờ mô hình trồng thử nghiệm cây gai xanh

Lê An |

Sáng nay 29/5, tại xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị tổ chức hội nghị đầu bờ mô hình trồng cây gai xanh.