Phát triển cây công nghiệp ở vùng gò đồi

Lê Cảnh Thu |

Với lợi thế đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào thuận lợi để trồng cây công nghiệp, cây ăn quả nên huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã tập trung phát triển kinh tế vùng gò đồi, đặc biệt là thâm canh cây trồng có múi. Đây là một trong những cây trồng chủ lực thúc đẩy phát triển hàng hóa, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Triệu Thượng là địa phương có diện tích trồng cây có múi nhiều nhất huyện Triệu Phong. Với lợi thế là địa phương có truyền thống trồng cây bưởi thanh trà lâu năm, cùng với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu phù hợp để phát triển cây có múi. Hiện nay, trên địa bàn xã đã trồng được 4,5 ha thanh trà, trên 5 ha diện tích cây có múi, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt Israel, vừa giúp cây phát triển tốt, đồng đều, vừa tiết kiệm nước, giảm chi phí, mỗi vụ thu khoảng 107 tấn quả, giá bình quân 12.000 đồng/kg, cho thu nhập khoảng 1,3 tỉ đồng. Đối với cây cam Vân Du, Cam V2, cam Xã Đoài, thu về khoảng 10-12 tấn quả/ha, giá bán ra thị trường 25.000 đồng/kg, thu về khoảng 250 triệu đồng.

Phát triển cây Cam Vân Du trên vùng gò đồi Triệu Thượng -Ảnh: C.T
Phát triển cây Cam Vân Du trên vùng gò đồi Triệu Thượng -Ảnh: C.T

Ông Lê Kim Cận, Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu Thượng cho biết: “Triệu Thượng là vùng đất gò đồi, bán sơn địa, thực hiện chủ trương mỗi xã 1 sản phẩm, chúng tôi đã vận động nông dân trồng cây có múi như bưởi Thanh Trà, cam Vân Du, cam Xã Đoài. Nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế vùng gò đồi nói chung và cây có múi nói riêng được quan tâm đầu tư phát triển và đem lại hiệu quả thiết thực. Trên cơ sở đó chúng tôi vận động bà con nông dân tăng diện tích để đưa cây có múi trở thành sản phẩm đặc trưng của xã. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các ngành mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng các loại cây có múi, vận động Nhân dân mở rộng diện tích để trồng các loại cây có múi. Hội sẽ tín chấp vay vốn cho bà con để có vốn sản xuất”.

Trên vùng đất xã Triệu Thượng, ngoài loại cây bưởi thanh trà, hiện nay để khai thác tiềm năng vùng đất màu mỡ này, nhiều người dân đã chuyển đổi diện tích trồng tràm và thông kém hiệu quả sang trồng cây có múi. Anh Bùi Quang Huyên ở thôn Thượng Phước đã chuyển 4 ha tràm và thông sang trồng cây cam V2 và bưởi da xanh. Bắt đầu chuyển đổi từ năm 2018, sau hơn 3 năm dày công chăm bón, đến nay vườn cam của anh phát triển xanh tốt và đã cho thu hoạch. Anh Huyên cho biết: “Trong 3 năm trồng cam V2 giống lấy từ Nghệ An, tôi thấy loại cây này phát triển rất tốt, trái nhiều, ngọt. Qua thu hoạch năm đầu với 1.500 cây cho khoảng 2 tấn quả, giá bán 1 kg 25.000 đồng, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Từ hiệu quả ban đầu trồng cam, hiện nay tôi đã triển khai trồng thêm 1 ha cây bưởi Da Xanh. Để cung cấp đủ nước, giúp cây phát triển tốt, tôi đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt Israel để tưới”.

Sau nhiều năm trồng tràm nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao, qua tìm hiểu thực tế tại các tỉnh bạn, anh Lê Đình Lễ ở thôn Kiên Phước, xã Triệu Ái nhận thấy cây bưởi da xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao, có nhiều đặc điểm tương đồng với vùng đất gò đồi Triệu Ái nên năm 2022 anh quyết định chuyển đổi 5 ha diện tích trồng tràm sang trồng bưởi da xanh, nguồn giống nhập từ HTX Tân Thiềng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Trên diện tích này anh đã quy hoạch, bố trí trồng 1.600 cây bưởi da xanh theo đúng khoa học, quy trình kỹ thuật. Đây là một trong những cây trồng mới trên vùng gò đồi Triệu Phong, kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao để nhân rộng và tiến tới xây dựng cây đặc trưng cho địa bàn xã Triệu Ái. Anh Lễ cho biết: “Bước đầu trồng loại cây mới, gia đình tôi gặp không ít khó khăn về hạ tầng cơ sở, nhất là hệ thống điện phục vụ tưới cũng như kiến thức chăm sóc cây trồng... Do đó, mong muốn chính quyền các cấp hỗ trợ và được tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng bưởi da xanh. Hy vọng chúng tôi sẽ trồng loại cây này mang lại hiệu quả kinh tế cao, phấn đấu xây dựng thương hiệu loại cây có múi này trên địa bàn huyện”.

Huyện Triệu Phong có 2 xã vùng gò đồi gồm: Triệu Thượng, Triệu Ái với hơn 17.000 ha, chiếm 48% diện tích đất tự nhiên toàn huyện. Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu BCH Đảng bộ huyện khóa XX “Về phát triển KT-XH vùng gò đồi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” của Huyện ủy Triệu Phong. Trong đó, tập trung quy hoạch, phục tráng cũng như đưa các loại cây có múi giá trị kinh tế cao vào sản xuất, xây dựng phát triển các loại cây có múi trở thành cây đặc trưng vùng miền. Theo đó, các địa phương đã triển khai trồng các loại cây như cam Vân Du, Nghệ An, cam V2, cam Xã Đoài, chanh leo, bưởi da xanh. Và triển khai phục tráng cây Thanh Trà cây đặc trưng của vùng Thượng Phước xã Triệu Thượng. Đồng thời, xây dựng và phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, canh tác tự nhiên, canh tác hữu cơ; phát triển mô hình cây chủ lực, liên kết sản xuất để nâng cao chất lượng, hướng tới sản xuất theo hướng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa.

Các mô hình trồng rừng ở vùng gò đồi huyện Triệu Phong đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân - Ảnh: NHƠN BỐN
Các mô hình trồng rừng ở vùng gò đồi huyện Triệu Phong đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân - Ảnh: NHƠN BỐN

Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Vũ Thành Công cho biết: “Cây ăn quả, cây dược liệu được xác định là cây trồng có hiệu quả, phát triển mạnh trong thời gian tới ở vùng gò đồi để khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai. Để phát triển diện tích cây ăn quả, cây dược liệu, huyện Triệu Phong sẽ tập trung thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi diện tích một số cây trồng hiệu quả không cao sang trồng cây ăn quả, đặc biệt là loại cây có múi, từng bước hình thành các mô hình sản xuất với quy mô lớn, tập trung gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đi cùng với đó là đẩy mạnh các biện pháp thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, lựa chọn các giống chất lượng, năng suất cao để đưa vào sản xuất; mở rộng diện tích sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ. Phấn đấu đến năm 2025 diện tích cây ăn quả ở vùng gò đồi là 50-70 ha, vùng sản xuất quy mô tập trung 30-50 ha; đến năm 2030 là 90-110 ha, vùng sản xuất quy mô tập trung 50-70 ha”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Cựu chiến binh làm giàu từ mô hình đa cây, đa con

Thanh Lê |

Những năm qua, phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý thức chủ động vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng của nhiều hội viên cựu chiến binh (CCB). Từ phong trào này, ông Đặng Bá Trá, thôn Thiện Đông, xã Hải Định, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã lựa chọn được mô hình phù hợp ở vùng thấp trũng để phát triển sản xuất, trở thành tấm gương CCB làm kinh tế tiêu biểu ở địa phương.

Triển vọng từ cây an xoa ở Cam Lộ

Lê Trường |

Sau gần 1 năm xuống giống trồng thử nghiệm, những diện tích cây an xoa đầu tiên ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị) bắt đầu cho thu hoạch với năng suất cao. Vừa được mùa, lại được các cơ sở chế biến cao dược liệu trên địa bàn đến thu mua ngay tại ruộng với giá cao nên nông dân hết sức phấn khởi.

Xuất hiện bệnh đạo ôn cổ bông trên cây lúa

Lê An |

Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) Quảng Trị, tính đến thời điểm hiện tại ngoài 512 ha lúa bị nhiễm đạo ôn lá thì bệnh đạo ôn cổ bông đã phát sinh, gây hại nhiều nơi. Một số vùng bệnh đạo ôn cổ bông đã gây hại nặng như các xã Phong Bình, Gio Hải (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị)… tỉ lệ bệnh nơi cao lên đến 70% – 80%.

Trồng thử nghiệm 5 ha cây dong riềng đỏ

Anh Vũ |

Nhằm giúp nông dân khai thác tốt tiềm năng đất đai cũng như chuyển đổi một số cây trồng cạn hiệu quả thấp, đầu năm 2022, Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị đã liên kết với nông dân huyện Cam Lộ và Hướng Hóa triển khai trồng thử nghiệm cây dong riềng đỏ. Sau một thời gian xuống giống, hiện nay loại cây này phát triển rất tốt, hứa hẹn mạng lại giá trị kinh tế cao.