Đến cuối năm nay, cả nước có khoảng 18.327 hợp tác xã nông nghiệp và 79 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp. Nếu có sự kết nối hiệu quả, đây là lực lượng hùng mạnh để cơ cấu lại nông nghiệp thời gian tới.
Ngày 19/10, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), từ năm 2013 đến nay, số lượng hợp tác xã nông nghiệp tăng nhanh, trung bình mỗi năm tăng gần 800 hợp tác xã. Riêng giai đoạn 2017-2021 tăng gấp hơn 3 lần giai đoạn 2012-2016.
Cả nước hiện có khoảng 2.300 hợp tác xã nông nghiệp đã thành lập doanh nghiệp, trong đó 2.200 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp... Ước tính đến hết năm nay, cả nước sẽ có khoảng 18.327 hợp tác xã nông nghiệp và 79 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp. Như vậy, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, số lượng hợp tác xã nông nghiệp đã tăng thêm 12.569 hợp tác xã.
Đánh giá về hiệu quả của các tổ chức mô hình hợp tác xã nông nghiệp, TS. Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho rằng, ở đâu các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu, quan tâm chỉ đạo, ở đó kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển mạnh và hiệu quả. “Phát triển nông nghiệp nông thôn nói chung và trong tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới những năm tới cần thống nhất về tư duy, hành động và yêu cầu tổ chức lại sản xuất. Quan trọng hơn là phát triển lực lượng sản xuất, trong đó kinh tế tập thể, hợp tác xã là giải pháp cơ bản để thực hiện thành công quá trình này nhằm phá bỏ lời nguyền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hướng tới nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tích hợp đa giá trị”, TS. Thịnh nhấn mạnh.
Bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhìn nhận, các chi hội nông dân nghề nghiệp do các cấp Hội Nông dân thành lập đã thúc đẩy liên kết giữa nông dân với nông dân; nhiều chi, tổ, hội nghề nghiệp còn phối hợp với doanh nghiệp và nhà khoa học trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, mang lại hiệu quả tích cực.
Cụ thể, những thành viên trong hợp tác xã liên kết với nhau trên nguyên tắc: Tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm. Các thành viên gắn kết hơn khi: Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi. Nguyên tắc “5 tự - 5 cùng” giúp mối liên kết trong các tổ, đội hợp tác xã được bền vững hơn.
Tuy nhiên, bà Thơm cũng đưa ra thực tế khi hiện nay quy mô của đa số các hợp tác xã còn nhỏ nên chưa thực sự gắn kết bền vững. Bên cạnh đó, nhiều hợp tác xã còn gặp khó khăn liên quan đến đội ngũ cán bộ quản lý, về vốn, đất đai, hạ tầng cư sở; mối quan hệ giữa nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp - nhà khoa học còn hạn chế…
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, phát triển hợp tác xã sẽ tạo ra sức mạnh đa chiều. Bởi theo Bộ trưởng, trong bối cảnh hiện nay ngoài việc thu hút đầu tư nước ngoài thì cũng cần chú ý đến tăng cường sức mạnh nội tại. Cùng với sức mạnh của doanh nghiệp thì cũng cần chú ý đến kinh tế tập thể và hợp tác xã.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa ra hình ảnh các doanh nghiệp lớn là những chú đại bàng mạnh mẽ, còn các hợp tác xã hiện như những chú chim sẻ. “Trong thế giới tự nhiên của loài chim, 50% là những con chim sẻ nhỏ bé. Khi nhìn sâu và tổng hợp đa chiều mới có thể nhìn ra giá trị, từ đó mới có thể lót ổ cho chim sẻ, không có tinh thần hợp tác thì không có hợp tác xã, muốn làm được thì phải có tư duy, tinh thần hợp tác”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương quan tâm thực sự đến phát triển hợp tác xã, coi hợp tác xã là một phần của kinh tế nông thôn, là một phần không thể tách rời của kinh tế phi nông nghiệp ở nông thôn. Theo Bộ trưởng, xây dựng các hợp tác xã là xây dựng sự hợp tác để cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông nghiệp.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, ngành nông nghiệp sẽ thu hút đầu tư công về hạ tầng logictics cho hợp tác xã để các hợp tác xã nâng cao năng lực, bà con nông dân kết nối với nhau. Bộ đang chuẩn bị trình Chính phủ chương trình logictics cho ngành nông nghiệp để hạn chế ảnh hưởng của việc đứt gãy chuỗi cung ứng qua những đại dịch, thiên tai, trong đó hợp tác xã sẽ là nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng.
“Nhà nước đầu tư nông nghiệp sẽ không thành công nếu không có hợp tác xã, đầu tư khoa học công nghệ cho nông nghiệp mà không có hợp tác xã cũng không thành công. Muốn đa dạng hóa sản phẩm kể cả đầu vào và đầu ra thì không có cách nào khác phải có sự tham gia của hợp tác xã”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
(Nguồn: Chính phủ)