Xác định sản xuất nông nghiệp là một trong những thế mạnh của địa phương, thời gian qua, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Qua đó, từng bước tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Năm 2023, huyện Hướng Hóa gieo trồng được trên 9.220 ha cây trồng các loại; trong đó chủ lực là cây sắn với diện tích trên 5.600 ha, năng suất bình quân đạt 15,9 tấn/ha, sản lượng ước đạt trên 90.000 tấn; hơn 2.300 ha lúa, sản lượng đạt gần 8.000 tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra còn có hơn 560 ha ngô, 319 ha rau đậu các loại, khoảng 133 ha cây có củ, 178 ha cây gia vị, dược liệu...
Đối với cây lâu năm, toàn huyện hiện có trên 3.700 ha cây cà phê, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 3.400 ha, năng suất đạt 10,4 tạ/ha; khoảng 230 ha hồ tiêu, năng suất thu hoạch đạt 10,4 tạ/ha; trên 1.100 ha cao su với diện tích cho thu hoạch khoảng 690 ha, sản lượng mủ ước đạt 853 tạ/ ha. Đặc biệt, cùng với chính sách tái canh cây cà phê của tỉnh và tính ổn định về kinh tế so với các loại cây trồng khác, thời gian qua, người dân đã quan tâm đến việc tái canh cây cà phê. Trong năm 2023 đã tái canh được trên 152 ha; trong đó, trồng mới 132 ha, cưa đốn phục hồi 20 ha. Đồng thời, với sự hỗ trợ của một số dự án phát triển cây cà phê theo hướng sinh thái, hữu cơ và không xâm lấn rừng, người trồng cà phê đang dần thay đổi cách sản xuất cà phê để tạo nên sản phẩm chất lượng, mang thương hiệu cà phê Khe Sanh.
Ngoài các loại cây trồng hằng năm và lâu năm, cây ăn quả được xem là thế mạnh của huyện Hướng Hóa với diện tích trên 4.100 ha; chủ lực là cây chuối với diện tích 3.050 ha, sản lượng đạt trên 42.000 tấn. Sản phẩm chuối quả đã được các cơ sở chế biến thu mua, một phần được xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc nên giá bán cao hơn so với cùng kỳ năm trước, bình quân từ 3.500 - 8.000 đồng/kg tùy thời điểm. Huyện có hơn 538 ha cây mắc ca và khoảng 96 ha chanh leo.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, toàn huyện hiện có tổng đàn gia súc trên 67.300 con và khoảng 177.500 con gia cầm. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2023 đạt trên 3.100 tấn, đạt 116,3% kế hoạch. Đáng chú ý, ngoài chăn nuôi theo phương thức gia trại, nông hộ, trên địa bàn huyện đã có 138 trang trại chăn nuôi gia súc; trong đó, có 4 trang trại quy mô lớn, 52 trang trại quy mô vừa và 82 trang trại nhỏ.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, toàn huyện có trên 52.250 ha rừng, tỉ lệ che phủ rừng đạt 44,7%. Đã xây dựng và được công nhận 2.145 ha rừng theo chứng chỉ FSC; giao khoán được 7.157 ha rừng cho cộng đồng và 18.28 hộ gia đình chăm sóc bảo vệ. Trong năm 2023 đã trồng mới hơn 690 ha rừng tập trung và hơn 11 vạn cây phân tán.
Bên cạnh đó, huyện đã hỗ trợ, xây dựng một số mô hình có tính đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Đơn cử như mô hình thí điểm phát triển chăn nuôi bò thịt 3B tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337; mô hình trồng cây mắc ca làm đường bao, chắn gió với diện tích trồng phân tán 5 ha; phối hợp với Viện Chiến lược dân tộc cấp 125 con bò lai Sind cho 39 hộ tại thị trấn Khe Sanh và xã Tân Liên; hỗ trợ phát triển cây cà phê theo hướng đặc sản, hữu cơ kết hợp trồng xen cây ăn quả với quy mô 80 ha; phát triển cây chanh leo theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm với quy mô 5 ha... Đến nay các mô hình đều đang phát triển tốt. Người dân, doanh nghiệp đã đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới tự động; ứng dụng công nghệ chuồng kín, máng ăn, uống tự động, đệm lót sinh học, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong chăn nuôi.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hướng Hóa Hoàng Đình Bình thông tin, xác định mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của địa phương, trong thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai những giải pháp đồng bộ nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung, thâm canh, chuyên canh; từng bước hình thành những vùng sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao; gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng phát triển các cây trồng chủ lực của địa phương, duy trì ổn định diện tích sắn khoảng 5.500 ha, cà phê 3.600 ha...
Thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, gắn với kiểm tra, giám sát, quản lý các vùng trồng được cấp mã số và hỗ trợ cấp mới mã vùng trồng các loại trái cây có lợi thế của huyện như: chuối, chanh leo... Khuyến khích đầu tư chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp nhằm ổn định tổng đàn và tăng sản lượng thịt hơi xuất chuồng.
Thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, khuyến khích và hỗ trợ phát triển rừng sản xuất gắn với chế biến lâm sản, lâm sản ngoài gỗ theo quy hoạch để nâng cao đời sống người trồng rừng. Phấn đấu năm 2024 trồng mới 500 ha rừng tập trung và 10 vạn cây phân tán, duy trì ổn định tỉ lệ che phủ rừng ở mức 44,7%.
Đồng thời, tập trung hỗ trợ để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các hợp tác xã, phát triển phù hợp với cơ chế thị trường, làm mắt xích quan trọng trong liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)