Xã Hải Ba, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) là địa phương thuần nông, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào “chân đồng, chân cát” nên đời sống của bà con nhìn chung còn nhiều khó khăn.
Biến khó khăn thành lợi thế, những năm qua địa phương đã chú trọng khai thác tiềm năng vùng cát để phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp và đến nay “vùng đất khó” năm xưa đã mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân nơi đây.
Gần 30 năm nay, đời sống và nguồn thu nhập chính của gia đình chị Mai Thị Tày ở Đội 6, thôn Phương Hải, xã Hải Ba chủ yếu dựa vào làm ruộng và canh tác hoa màu trên vùng cát. Gia đình chị Tày hiện canh tác 20 sào ruộng, 10 sào hoa màu và nuôi bình quân khoảng từ 6 - 8 con bò để tận dụng nguồn phân chuồng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tại thôn Phương Hải, vợ chồng chị Tày được xem là một trong những hộ gia đình có thời gian gắn bó sản xuất lâu dài nhất trên vùng cát của địa phương.
“Hồi trước không có đường đi và điện lưới nên việc canh tác ở vùng đất này quá vất vả. Rau củ quả trồng ra tiêu thụ rất hạn chế vì thị trường hạn hẹp, đời sống vì thế rất khó khăn. Tuy nhiên, khoảng 6 - 7 năm trở lại đây, vùng sản xuất hoa màu tập trung ở đây đã có điện lưới kéo ra phục vụ tưới tiêu, đường đi được cấp phối hoặc đổ bê tông giúp việc sản xuất thuận lợi hơn nhiều. Đầu ra nông sản hiện nay cũng khá tốt, vì vậy thu nhập của chúng tôi được nâng lên nhiều lần, bình quân giá trị thu nhập của gia đình tôi đạt khoảng 20 triệu đồng/sào hoa màu/năm”, chị Tày phấn khởi nói.
Trong 10 sào đất canh tác ở vùng cát, vợ chồng chị Tày hầu như không cho đất nghỉ. Quanh năm, cứ hết vụ mướp đắng hai vợ chồng lại chuyển sang trồng ngô, lạc, dưa hấu, cà, bầu bí, dưa leo và xen canh thêm ném kiệu, ớt, rau màu... “Cây mướp đắng và bầu mang lại giá trị cao nhất với giá bán tại vườn của mướp đắng bình quân từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, bầu từ 10.000 - 12.000 đồng/quả... Vào chính vụ, lúc cao điểm gia đình tôi bán được vài triệu đồng từ bầu, mướp đắng là bình thường. So với làm ruộng, trồng mướp đắng và các loại cây hoa màu ở vùng cát bây giờ thu nhập gấp hơn 10 lần. Nhờ vậy gia đình tôi cũng như hàng chục hộ gia đình ở thôn Phương Hải có thu nhập khá ổn định, cuộc sống ấm no hơn”, chị Tày nói thêm.
Những tháng cuối năm này, nông dân thôn Thống Nhất ở Tổ hợp tác Ba Du đang khẩn trương tập trung chăm sóc, làm cỏ cho cây ném chính vụ được trồng trên vùng cát. Đây là địa phương có truyền thống canh tác cây ném từ lâu đời và có hàng chục hộ dân tham gia trồng cây ném bên cạnh nghề làm ruộng. Hộ ông Nguyễn Đức Đương, thôn Thống Nhất hiện trồng 2 sào cây ném, đây cũng là nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình ông. Ông Đương cho biết, cây ném bắt đầu trồng từ tháng 7 âm lịch, sau khoảng 2 tháng thì có thể thu hoạch lá để bán. Riêng ném củ thì thu hoạch vào tháng 2 năm sau.
“Ném là loại cây dễ trồng, phù hợp với tập quán canh tác của người dân và ít bị sâu bệnh nên ai cũng có thể trồng được cây ném. Với thời vụ khoảng hơn 4 tháng, năng suất bình quân đạt 3 tạ/sào, cây ném ở đây cho thu nhập bình quân từ 6 - 8 triệu đồng/ sào. Ngoài cây ném, chúng tôi còn xen canh, luân canh tăng vụ thêm một số loại đậu, ngô, khoai, ớt… nên thu nhập từ vùng cát này là khá ổn định”, ông Đương cho biết.
Cũng như gia đình chị Tày, ông Đương, những năm qua có hàng trăm hộ gia đình trên địa bàn xã Hải Ba tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh đất đai của vùng cát, đưa vào trồng các loại cây chủ lực, phát triển chăn nuôi phù hợp và đã mang lại nguồn thu nhập khá để cải thiện cuộc sống.
Chủ tịch UBND xã Hải Ba Lê Xuân Trường cho biết, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ xã lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất cây trồng, vật nuôi, thu nhập của người dân, phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao trước năm 2030, thời gian qua xã Hải Ba đã chú trọng triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển một số mô hình cây trồng, vật nuôi có tiềm năng để tạo sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh. Hiện thực hóa các mô hình cũng nhằm tạo động lực xây dựng và phát triển nền sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững; sản xuất hàng hóa, phát huy tiềm năng, lợi thế kinh tế vùng cát trên địa bàn để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm.
Theo ông Trường, hiện nay địa phương đã tập trung đầu tư xây dựng tương đối hoàn thiện các tuyến đường giao thông, điện lưới ra vùng cát. Bên cạnh đó đẩy mạnh thâm canh, xen canh, nhân rộng các mô hình cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao như ném kiệu 32 ha; mướp đắng 18,5 ha; dưa, cà các loại 60 ha... với năng suất, sản lượng và giá cả thị trường ổn định đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. “Những mô hình cây trồng chủ lực như ném, kiệu, mướp đắng đã khẳng định được hiệu quả với thu nhập bình quân đạt từ 120- 150 triệu đồng/ha. Cùng với cây lúa, các loại hình dịch vụ thương mại thì các mô hình cây trồng trên vùng cát đã tạo được thu nhập ổn định cho các gia đình nông dân”, ông Trường khẳng định.
Hiện nay, UBND xã cũng đã quy hoạch vùng trồng rau tại vùng cát thôn Phương Hải với diện tích 35 ha; vùng chuyên canh trồng ngô 14 ha tại khu vực Đa Nghi, thuộc thôn Thống Nhất; tổ chức trồng 5 ha mướp đắng trái vụ bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao... Xã Hải Ba còn triển khai nhiều chính sách hỗ trợ chăn nuôi như xây dựng các mô hình trồng cỏ nuôi bò nhốt, chăn nuôi lợn tập trung theo quy hoạch xa khu dân cư; hỗ trợ xây dựng hầm khí biogas bằng composite.... nhằm tạo việc làm cho người dân và giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.
Đến nay, toàn xã đã phát triển được tổng đàn bò 633 con, tỉ lệ bò lai đạt 70,7%, tầm vóc đàn nái trung bình từ 250 - 300 kg/ con; quy mô đàn lợn thịt từ 1.000 - 1.500 con, lợn nái từ 700 - 1.000 con; có 1 hộ nuôi lợn trên 100 con/lứa khá hiệu quả, đảm bảo an toàn sinh học; đàn gia cầm 32.000 con, có 5 hộ chăn nuôi gia cầm trên 1.000 con/ lứa... Xã đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung tại vùng cát khu vực Ba Du, Cổ Lũy với diện tích 5 ha.
Các chính sách đã có những tác động tích cực đến lĩnh vực chăn nuôi trong việc hỗ trợ chuyển dịch dần theo hướng tập trung, quy mô trang trại, gia trại, xa khu dân cư; đã hỗ trợ phát triển chăn nuôi gắn với đảm bảo vệ sinh môi trường, đặc biệt là chăn nuôi trong khu dân cư. Một số vật nuôi chủ lực được người dân phát triển theo hướng thâm canh, tăng năng suất như nuôi bò lai, lợn nái lai, nái ngoại, lợn siêu nạc… nên giá trị thu nhập từ chăn nuôi ngày càng được nâng cao.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)