Quan tâm phát triển thương mại, dịch vụ ở huyện Đakrông

Ngọc Trang |

Những năm qua, huyện Đakrông (Quảng Trị) triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh sẵn có và thu hút đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn. Qua đó, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Là huyện miền núi, có 5 xã biên giới nên Đakrông tập trung huy động, lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư, nâng cấp, xây dựng hạ tầng thương mại, dịch vụ; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư, tham gia hoạt động kinh doanh trên địa bàn; khuyến khích phát triển kinh doanh và bảo vệ người tiêu dùng. Nhờ vậy, thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện đã có bước phát triển. Hàng hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; các loại hình doanh nghiệp, thương nhân hoạt động thương mại ngày càng phát triển; kết cấu hạ tầng thương mại được quan tâm đầu tư xây dựng; công tác quản lý thị trường triển khai thực hiện có hiệu quả, đảm bảo lưu thông, ổn định giá cả.

Các loại hình doanh nghiệp, hoạt động thương mại, dịch vụ ở huyện Đakrông ngày càng phát triển - Ảnh: N.T
Các loại hình doanh nghiệp, hoạt động thương mại, dịch vụ ở huyện Đakrông ngày càng phát triển - Ảnh: N.T

Đến nay, toàn huyện có 1 chợ trung tâm và 1 siêu thị điện máy tại thị trấn Krông Klang, 9 điểm mua bán tập trung tại các xã Hướng Hiệp, A Bung, A Ngo, Mò Ó, Đakrông, Ba Nang, Húc Nghì, Ba Lòng, Tà Long; có 1.112 hộ cá thể, 12 doanh nghiệp, HTX thương mại, dịch vụ; 8 cơ sở nhà nghỉ với 88 phòng… Dịch vụ bưu chính viễn thông cũng được nâng cao và phát triển rộng khắp; dịch vụ vận tải cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân với 160 phương tiện gồm 6 xe khách và 154 xe vận tải hàng hóa; hoạt động tín dụng ngân hàng ổn định nguồn vốn, cơ bản đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và hộ kinh doanh.

Ngoài ra, huyện có 2 doanh nghiệp sản xuất, chế biến dăm gỗ và gỗ ghép thanh xuất khẩu sang Lào; 4 thương nhân được UBND tỉnh công nhận thương nhân hoạt động thương mại biên giới và có khoảng 323 hộ kinh doanh cá thể thuộc 5 xã biên giới có các cửa hàng, điểm bán lẻ phục vụ các mặt hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu của cư dân các xã trên toàn tuyến biên giới.

Để phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa, huyện đã phối hợp cấp giấy chứng nhận hoạt động tại Cửa khẩu quốc tế La Lay; tổ chức hội đàm thường niên và giao ban định kỳ giữa huyện Đakrông và huyện Sa Muồi (Lào) để đối thoại củng cố phát triển hoạt động biên giới trên đất liền, góp phần phổ biến, thực hiện có hiệu quả Hiệp định thương mại biên giới của Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa DCND Lào ngày 27/6/2015. Hằng năm, huyện hỗ trợ các sản phẩm đáp ứng điều kiện liên kết tiêu thụ nông sản, hỗ trợ trưng bày, tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tham gia các hội chợ tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Phối hợp tổ chức hoặc tham gia các hội chợ triển lãm - bán hàng trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu, ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản của địa phương. Từ năm 2013 đến nay, huyện tham gia 9 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, tổ chức 14 gian hàng tại các hội chợ thương mại - tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Nhiều doanh nghiệp được huyện quan tâm phối hợp, hỗ trợ xúc tiến thương mại, khuyến công, thương mại điện tử, liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất, kinh doanh.

Trên địa bàn, các loại hình dịch vụ mới như hình thức giao dịch, mua bán sản phẩm, dịch vụ trực tuyến, bán hàng online, thanh toán online khá phổ biến; các hình thức thanh toán điện tử bước đầu được ứng dụng như bằng thẻ, qua cổng thanh toán, ví điện tử và thiết bị điện thoại thông minh... Huyện còn triển khai ứng dụng mô hình “Một cửa điện tử” tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 giải quyết công việc cho doanh nghiệp nhanh chóng, hiệu quả; ứng dụng hóa đơn trong thanh toán dịch vụ và ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện mô hình “Một cửa, một điểm dừng” tại Cửa khẩu quốc tế La Lay đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân hai nước qua lại, rút ngắn thời gian làm thủ tục xuất khẩu và tăng cường mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước Việt - Lào.

Nhằm góp phần bảo tồn văn hóa, khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển du lịch ở địa phương, huyện đã tranh thủ các nguồn lực đầu tư nhà homestay có không gian hướng đến một cuộc sống gần gũi với thiên nhiên; phục dựng 16 ngôi nhà truyền thống của đồng bào Vân Kiều tại Khu du lịch suối nước nóng Klu. Nhờ vậy, lượng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng ở huyện ngày càng tăng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông Lê Đại Lợi cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, thương mại, dịch vụ ở huyện còn một số hạn chế như nguồn vốn ngân sách còn khó khăn trong khi chưa thu hút được nguồn vốn xã hội hóa đầu tư phát triển ngành thương mại - dịch vụ trên địa bàn. Sự phát triển của thương mại, dịch vụ chủ yếu tập trung ở trung tâm huyện, khu vực vùng sâu, vùng xa còn chậm phát triển. Hạ tầng ngành thương mại được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Sức cạnh tranh dịch vụ hàng hóa còn yếu.

Hiện vẫn còn một số tuyến đường hư hỏng xuống cấp, chưa đảm bảo cho lưu thông hàng hóa thuận lợi… Do đó, huyện đề nghị HĐND tỉnh xem xét ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ thúc đẩy phát triển thương mại biên giới, miền núi để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư, tạo động lực cho phát triển thương mại của huyện. Ban hành cơ chế hướng dẫn lồng ghép nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia để địa phương có cơ sở áp dụng phù hợp.

Đề nghị UBND tỉnh kêu gọi Trung ương hỗ trợ, đầu tư hoàn thiện hạ tầng thương mại - dịch vụ Cửa khẩu quốc tế La Lay; sớm xây dựng hạ tầng cửa khẩu phụ Cóc đã được quy hoạch. Đầu tư nâng cấp tuyến đường 15D đã xuống cấp do mưa lũ. Quan tâm phân bổ kinh phí đầu tư xây dựng chợ Ba Lòng và 2 điểm trưng bày bán hàng OCOP theo chương trình mỗi xã một sản phẩm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Nỗ lực thúc đẩy phát triển thương mại ở Hướng Hóa

Thanh Lê |

Xác định phát triển thương mại giữ vai trò quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, thời gian qua, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã có nhiều nỗ lực đưa ngành thương mại sớm trở thành ngành mũi nhọn, tạo bước đột phá trong tiến trình phát triển của địa phương.

Hà Nội cho phép thể dục thể thao ngoài trời, mở cửa trung tâm thương mại từ 28/9

Thanh Mai |

UBND TP.Hà Nội cho phép thể dục, thể thao ngoài trời, trung tâm thương mại, cửa hàng may mặc, thời trang, hóa mỹ phẩm được hoạt động trở lại.

Định hướng phát triển Lao Bảo thành Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới

Lâm Thanh |

Cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chọn Khu KTTMĐB Lao Bảo là 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025. Chủ trương trên đã mở ra “cơ hội vàng” để Lao Bảo phát triển.

Việt Nam-Hoa Kỳ hướng tới quan hệ thương mại bình đẳng bền vững

Uyên Hương |

Chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris mở ra những cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh mới cho doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới.