Xác định phát triển thương mại giữ vai trò quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, thời gian qua, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã có nhiều nỗ lực đưa ngành thương mại sớm trở thành ngành mũi nhọn, tạo bước đột phá trong tiến trình phát triển của địa phương.
Những năm qua, huyện Hướng Hóa đã quan tâm phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Đồng thời mở rộng thị trường ở vùng sâu, vùng xa đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp, tổ chức thu mua kịp thời nguồn hàng nông sản, bao tiêu sản phẩm theo hình thức hợp đồng giữa nhà sản xuất, đại lý và nông dân.
Cùng với đó, địa phương cũng khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vốn, cơ sở vật chất khai thác nguồn hàng, loại hàng, mở rộng thị trường phục vụ sản xuất, tiêu dùng của Nhân dân. Đảm bảo nguồn hàng hóa dồi dào và ổn định, cung cấp thường xuyên cho các chợ và mạng lưới bán lẻ, góp phần điều tiết cung cầu, kiểm soát và kiềm chế tăng giá. Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến nông sản đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, đổi mới công nghệ theo hướng chế biến gắn với vùng nguyên liệu, thị trường tiêu thụ và thân thiện với môi trường…
Việc phát triển thị trường qua hệ thống chợ được huyện rất quan tâm. Trên địa bàn hiện có 7 chợ và 1 trung tâm thương mại đều được bố trí ở khu vực trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân đến trao đổi, mua bán hàng hóa.
Huyện Hướng Hóa cũng đã triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, du lịch, phát triển thương mại điện tử để tăng cường khả năng giao dịch, tìm kiếm, mở rộng thị trường… Đồng thời, địa phương chỉ đạo tổ chức quản lý và khai thác tốt nhãn hiệu tập thể các sản phẩm tiêu biểu của địa phương như chuối, bơ Hướng Hóa, cà phê Khe Sanh... Lập hồ sơ đăng ký cấp mã số, mã vạch cho sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Công tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và các xã, thị trấn giới thiệu các sản phẩm đến người tiêu dùng được huyện quan tâm, chỉ đạo thường xuyên. Đến cuối năm 2020, toàn huyện có 13 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà hàng; 799 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống, đây là những cơ sở đóng vai trò quan trọng trong tiêu thụ và giới thiệu sản phẩm của địa phương, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động trên địa bàn.
Xác định hoạt động thương mại biên giới là một trong những động lực quan trọng để thu hút đầu tư phát triển kinh tế- xã hội vùng núi, biên giới, do vậy Hướng Hóa đã quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Kịp thời giải quyết những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa ra vào khu vực biên giới; tạo điều kiện cho cư dân biên giới trong việc trao đổi, mua bán xuất nhập khẩu hàng hóa theo hình thức thương mại biên giới.
Hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, thông qua việc tổ chức các hội chợ và giới thiệu sản phẩm vào các kênh bán lẻ…, huyện Hướng Hóa đã thực hiện khá tốt công tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và các xã, thị trấn giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Chính sách thu hút đầu tư vào Cụm Công nghiệp Hướng Tân bước đầu có hiệu quả. Để thúc đẩy phát triển thương mại trên địa bàn, huyện Hướng Hóa đã ban hành nhiều chính sách và cơ chế khuyến khích phát triển thương mại. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sáng tạo, linh hoạt trong việc giải quyết những thủ tục hành chính đối với người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư vào địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của địa phương, hoạt động thương mại trên địa bàn phát triển còn thiếu vững chắc, chưa tạo được đột phá trong khâu sản xuất; công tác quản lý về hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch hiệu quả chưa cao. Công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại còn dàn trải, công tác quản lý nhiều khi chưa chặt chẽ, thiếu tính đồng bộ. Quá trình vận hành Khu Kinh tế- Thương mại đặc biệt Lao Bảo còn gặp không ít khó khăn.
Từ năm 2014 đến nay, tình hình thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại khu vực này gặp nhiều khó khăn do chính sách thay đổi dẫn đến thu hút đầu tư giảm, hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ; lưu lượng hàng hóa, người và phương tiện qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo giảm đáng kể. Một số nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ đã đồng loạt rút khỏi dự án và khỏi khu vực, số còn lại hoạt động cầm chừng. Cùng với đó, quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh và xuất khẩu các mặt hàng không bền vững, chưa chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến, năng lực cạnh tranh thấp, còn trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Một số chủ trương, chính sách về phát triển khoa học và công nghệ triển khai vào thực tế còn chậm. Trước những diễn biến phức tạp của COVID-19 thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động thương mại trên địa bàn huyện Hướng Hóa; quá trình thu hoạch và vận chuyển nông sản qua lại biên giới Việt - Lào của người dân trên địa bàn bị đình trệ. Đối với Trung tâm thương mại Lao Bảo, hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Ban Quản lý Trung tâm thương mại Lao Bảo chưa chủ động khai thác hết các điểm kinh doanh dịch vụ nhằm tăng nguồn thu cho đơn vị. Trước tình hình thương mại điện tử và các kênh mua sắm online phát triển, trong khi các hộ tiểu thương hoạt động theo kiểu truyền thống nên gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh và bán hàng…
Để tiếp tục đưa ngành thương mại có phát triển vững chắc hơn, bên cạnh sự nỗ lực của địa phương, huyện Hướng Hóa kiến nghị tỉnh xem xét, ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thương mại biên giới, miền núi. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án phát triển Khu kinh tế- thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo (Việt Nam) và Đensavẳn (Lào) nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế của huyện. Quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp được tiếp cận với các nguồn vốn vay để đảm bảo các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Hỗ trợ nguồn vốn để nâng cấp, cải tạo, mở rộng các chợ trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người dân trao đổi, mua bán hàng hóa…
Cùng với đó, huyện cũng đề xuất các sở, ban, ngành quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi trong việc phát triển, tìm kiếm đầu ra ổn định cho các hàng hóa đặc trưng, thế mạnh của địa phương. Chú trọng hỗ trợ hoạt động sản xuất, chế biến hàng hóa tại chỗ; nghiên cứu, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu tiềm năng, các yêu cầu của thị trường và giải pháp đáp ứng cụ thể các yêu cầu đó.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)