Cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chọn Khu KTTMĐB Lao Bảo là 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025. Chủ trương trên đã mở ra “cơ hội vàng” để Lao Bảo phát triển.
Đón đầu chủ trương
Khu KTTMĐB Lao Bảo đã có một thời phát triển sôi động. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay không còn nhộn nhịp như trước. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ra đời khi khu kinh tế này đang trải qua thời điểm khó khăn sau khi bãi bỏ các cơ chế đặc biệt từ năm 2016 nên nhiều người kỳ vọng đây là “chiếc phao” để Lao Bảo trở thành khu kinh tế năng động trên EWEC.
Khu KTTMĐB Lao Bảo được thành lập năm 1998. Đến năm 2005, khu kinh tế này được Chính phủ cho phép hoạt động theo một quy chế riêng thông qua việc áp dụng thí điểm cơ chế, chính sách ưu đãi ở mức cao nhất theo quy định của luật pháp Việt Nam và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, tạo điều kiện hấp dẫn để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh nên đã đón nhận làn sóng đầu tư khá lớn, trở thành khu kinh tế thương mại sôi động và sầm uất.
Theo số liệu từ BQL Khu kinh tế tỉnh, khi mới thành lập (năm 1998) khu vực này có 12 doanh nghiệp, đến nay có trên 400 doanh nghiệp, có 63 dự án đăng ký đầu tư, với tổng số vốn đăng ký là 3.720 tỉ đồng, diện tích đất thuê là 1.756 ha, trong đó có 50 dự án đã đi vào hoạt động với tổng số vốn đầu tư là 3.384 tỉ đồng; 10 dự án đang triển khai xây dựng với số vốn đầu tư 336 tỉ đồng. Trong 63 dự án trên có 5 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 22,6 triệu USD.
Khi mới thành lập có khoảng 1.000 hộ kinh doanh cá thể đăng ký tham gia, đến nay có khoảng 4.000 hộ kinh doanh cá thể hoạt động. Lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, người và phương tiện xuất nhập cảnh ra vào Khu KTTMĐB Lao Bảo ngày càng tăng, thúc đẩy hoạt động giao thương trên EWEC qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và lan tỏa đến các khu vực khác.
Theo Trưởng BQL Khu kinh tế tỉnh Phạm Ngọc Minh, đón đầu chủ trương của Chính phủ giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực để xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội một cách đồng bộ thu hút đầu tư, nâng cao đời sống dân sinh ở địa bàn Lao Bảo. Tỉnh đã đề xuất Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tiếp tục tư vấn kỹ thuật và hỗ trợ kinh phí để nâng cấp Quốc lộ 9 giai đoạn 3, tạo thêm 2 làn đường để các loại phương tiện tham gia giao thông, vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn.
Đồng thời, xem xét phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ vốn để xây dựng tuyến đường sắt Đông Hà-Lao Bảo kết nối với tuyến đường sắt Densavanh Savannakhet phía bạn Lào, hình thành tuyến đường sắt trên EWEC. Đầu tư xây dựng hệ thống kho bãi, chợ biên giới, dịch vụ hậu cần logistics, xây dựng khu vực tập kết, trung chuyển hàng hóa Việt Nam xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa của các nước trên EWEC qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo-Densavanh.
Sẽ trở thành Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới
Khu KTTMĐB Lao Bảo có quy mô, tiềm năng phát triển lớn, là cơ sở quan trọng để xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới. Để hiện thực hóa ý tưởng này, tỉnh Quảng Trị đang tích cực phối hợp Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án Phát triển Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo (Việt Nam)- Densavanh (Lào).
Theo đó, tỉnh Quảng Trị đề xuất xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Densavanh dựa trên mô hình “Hai nước một khu kinh tế” có chung cơ chế, chính sách và quản lý vận hành; có các chính sách ưu đãi đặc biệt với nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi, tôn trọng sự độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Trên cơ sở tuân thủ các yêu cầu pháp lý của cả hai bên và thông lệ quốc tế, sơ đồ khu vực, tổ chức và vận hành chung, bằng cách xây dựng hạ tầng chung trong khu trung tâm và các cơ sở hạ tầng kết nối trong và ngoài khu trung tâm; tạo thuận lợi cho kết nối vận tải, logistics xuyên biên giới; thiết lập và triển khai cơ chế “ba trong một” (đó là ba đồng: đồng chính sách, đồng quy tắc, đồng tiêu chuẩn và một chung là chung một khu).
Theo đánh giá của Viện Chiến lược phát triển, Khu KTTMĐB Lao Bảo gồm 5 xã và 2 thị trấn thuộc huyện miền núi Hướng Hoá có tổng diện tích là 15.804 ha, phân bố dọc theo Quốc lộ 9 với chiều dài 25 km, là địa bàn sinh sống của 3 dân tộc chính là Kinh, Vân Kiều và PaKô. Diện tích và quy mô dân số như trên là yếu tố thuận lợi để phát triển Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung.
Mặt khác Khu KTTMĐB Lao Bảo nằm tại vị trí điểm đầu của Việt Nam trên EWEC, là “vùng động lực của tuyến động lực” của tỉnh Quảng Trị về phía Tây, là đầu mối giao thương quan trọng của tỉnh Quảng Trị, thuận lợi để phát triển các ngành dịch vụ như vận tải và logistics, thương mại, du lịch... Song song với quá trình xây dựng khu vực này, tỉnh Quảng Trị đã có điều kiện để hình thành nên Khu công nghiệp (KCN) Nam Đông Hà, KCN Quán Ngang, KCN Tây Bắc Hồ Xá và gần đây đã khởi động khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ ở hạ tầng hình thành nên chuỗi đô thị dọc theo EWEC, đảm nhận và phát huy vai trò trung chuyển, trở thành “đầu vào” và cũng là “đầu ra” của các khu kinh tế của các nước trên EWEC. Đồng thời, sự vận hành của Khu KTTMĐB Lao Bảo trong mối quan hệ với Khu thương mại biên giới Densavanh suốt hơn 20 năm qua cũng đã góp phần làm cho quan hệ hữu nghị giữa 2 tỉnh Quảng Trị-Savannakhet và 2 nước Việt Nam - Lào ngày càng được củng cố, thắt chặt.
Về giải pháp phát triển Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Densavanh, theo Trưởng BQL Khu kinh tế tỉnh Phạm Ngọc Minh, cần nâng cao hiệu quả hoạt động và khai thác hết tiềm năng của Trung tâm thương mại Lao Bảo trong việc trưng bày, giới thiệu, tập kết, mua bán các loại hàng hóa. Phát huy tất cả tiềm năng lợi thế của điểm đầu trên EWEC (phía Việt Nam), tập trung phát triển 2 đô thị dịch vụ là Khe Sanh và Lao Bảo, trong đó phát triển mạnh dịch vụ logistics, dịch vụ du lịch, xây dựng hệ thống đường giao thông, kho bãi, cảng cạn (có cẩu container) tạo động lực thu hút đầu tư để Khu KTTMĐB Lao Bảo trở thành trung tâm thương mại có tầm cỡ trên EWEC.
Hiện nay, lượng xe xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo rất đông, bãi chờ nhập đã được Hải quan Quảng Trị đầu tư, các phương tiện có nơi đậu đỗ an toàn. Riêng bãi chờ xuất chỉ mới thực hiện san nền chưa đầu tư sân bãi nên các phương tiện chờ xuất đang tập trung 1 làn bên phải Quốc lộ 9 kéo dài từ Cầu A Trùm lên đến cửa khẩu và một số nơi, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến công tác xuất khẩu hàng hóa.
Vì vậy, trước mắt cần ưu tiên vốn thực hiện dự án san nền và hạ tầng kỹ thuật bãi chờ xuất và khu dịch vụ Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo để kịp thời phục vụ công tác xuất nhập khẩu qua cửa khẩu này. Tỉnh đã khảo sát, quy hoạch vị trí với tổng diện tích thực hiện khoảng 8 ha (bao gồm khu dịch vụ khoảng 2,6 ha; bãi chờ xuất khoảng 2,8 ha và đường giao thông nội bộ).
Để đảm bảo phát huy được tiềm năng thế mạnh của Khu KTTMĐB Lao Bảo trên cơ sở xây dựng định hướng phát triển trong tương lai cần có cơ chế chính sách hỗ trợ riêng đối với các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây nhằm phục hồi, nâng cao hiệu quả và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Có chính sách mặt hàng riêng và những ưu đãi về mặt hàng để phát triển thương mại biên giới Việt Nam-Lào, nhất là các mặt hàng nông sản cũng như hàng công nghiệp sản xuất tại địa phương.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)