Quan tâm sinh kế cho người dân các dự án di dân tập trung

Thủy Ngọc |

Cùng với triển khai các dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư vùng bị ảnh hưởng thiên tai, tỉnh Quảng Trị đã và đang tranh thủ các nguồn lực, tích cực triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất. Từ đó, tạo sinh kế bền vững, giúp người dân an cư, lạc nghiệp khi đến nơi ở mới.


Tháng 8/2024, “Thôn nghĩa tình Sơn Hải” ở xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa do Tập đoàn Sơn Hải đầu tư xây dựng nhằm hỗ trợ cho 56 hộ dân ở các thôn Cuôi, Tri, Cha Lỳ (bị mất và hư hỏng nhà do sạt lở đất trong đợt mưa lũ năm 2020) khánh thành và đưa vào sử dụng. Dự án di dân tập trung này được xem là hình mẫu lý tưởng về chương trình bố trí dân cư vùng thiên tai, biên giới ở Quảng Trị nói riêng, cả nước nói chung.

Ngoài xây dựng một bản làng mới với những ngôi nhà kiên cố kèm hệ thống đồng bộ về hạ tầng như: giếng khoan, đường giao thông, đường dây điện, trường học, Tập đoàn Sơn Hải còn hỗ trợ gạo ăn cho dân bản trong vòng 3 năm. Đặc biệt, tập đoàn hỗ trợ kinh phí cải tạo mặt bằng, hình thành 7,59 ha ruộng lúa bậc thang ngay tại nơi ở mới và tặng mỗi hộ 1 con bò, giúp người dân có sinh kế bền vững. Để biến vùng đất đồi thành những thửa ruộng bậc thang, Tập đoàn Sơn Hải đã cho đơn vị thi công san gạt mặt bằng, múc phần đất tầng mặt để riêng, cải tạo xong đồng ruộng thì phủ lại phần đất mặt để tạo độ mùn, dinh dưỡng cho đồng ruộng. Hiện nay, đơn vị đang xây dựng hệ thống dẫn nước từ khe suối về tưới cho toàn bộ diện tích này. Dự kiến đến năm 2026, dân bản có thể trồng lúa nước trên diện tích ruộng bậc thang này.

Hệ thống ruộng bậc thang đang được Tập đoàn Hải Sơn đầu tư xây dựng ngay sau “Thôn nghĩa tình Sơn Hải” để người dân trồng lúa nước tại nơi ở mới - Ảnh: T.N
Hệ thống ruộng bậc thang đang được Tập đoàn Hải Sơn đầu tư xây dựng ngay sau “Thôn nghĩa tình Sơn Hải” để người dân trồng lúa nước tại nơi ở mới - Ảnh: T.N

Sau đợt mưa lũ lịch sử năm 2020, tỉnh Quảng Trị có chủ trương di dời dân ra khỏi những địa điểm có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, chia cắt. Ngày 18/5/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 590/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Để kịp triển khai có hiệu quả chương trình bố trí dân cư tại địa phương, Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 34/2023/NQ-HĐND, ngày 28/3/2023 quy định chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân thuộc chương trình bố trí, ổn định dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, di cư tự do, khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2025.

Tuy vậy, theo ông Hoàng Minh Trí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và PTNT, để thực hiện chính sách này cần nguồn lực đầu tư rất lớn. Không phải vùng bố trí dân cư nào cũng may mắn xây dựng được một bản làng mới gắn liền sinh kế cho người một cách bài bản, quy mô như “Thôn nghĩa tình Sơn Hải”.

Trong kế hoạch giai đoạn 2021-2025, tỉnh thực hiện sắp xếp, ổn định dân cư khoảng 255 hộ (bình quân 85 hộ/năm). Đến nay, tỉnh đã bố trí định cư cho 216 hộ (đối tượng vùng thiên tai 117 hộ; vùng biên giới 99 hộ), trong đó bố trí theo hình thức tập trung dân cư có 200 hộ, xen ghép 12 hộ, ổn định tại chỗ 4 hộ.

Cùng với việc bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư, vấn đề sản xuất, nâng cao thu nhập nhằm ổn định cuộc sống cho người dân tại nơi mới là vấn đề quan trọng. Những năm qua, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ đất sản xuất, xây dựng và nhân rộng một số mô hình sinh kế, tổ chức một số lớp đào tạo nghề, định hướng chuyển đổi nghề. Tuy vậy, thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân cũng như tình hình, điều kiện canh tác, thổ nhưỡng của từng vùng, từng dự án di dân.

Để thực hiện tốt chương trình bố trí dân cư cũng như đảm bảo sinh kế, ổn định đời sống, sản xuất cho người dân tại dự án, điểm bố trí dân cư, ngành nông nghiệp và PTNT đề xuất cần rà soát, phân loại đối tượng ngay từ khi xây dựng phương án di dân.

Mục đích nhằm đảm bảo việc hỗ trợ sinh kế gắn với chuyển đổi nghề (nông nghiệp, phi nông nghiệp, ngành nghề khác) phù hợp với năng lực và nguyện vọng của người dân. Khi xây dựng phương án di dân phải đảm bảo quỹ đất sản xuất phù hợp để hỗ trợ người dân tạo sinh kế. Quỹ đất để tạo sinh kế phải là đất sạch, đất được cải tạo phù hợp với kế hoạch phát triển sản xuất.

Việc hỗ trợ sinh kế, kể cả đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho đối tượng di dân theo Quyết định 590/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cần có một chính sách riêng, đủ mạnh chứ không nên lồng ghép vào các chương trình mục tiêu quốc gia như hiện nay.

Theo ông Trí, lý do là phần lớn các hộ sinh sống trong vùng thiên tai là những người yếu thế về mọi mặt, nếu không có chính sách đủ mạnh thì không tạo sinh kế bền vững cho họ. Bởi việc áp dụng chính sách hỗ trợ theo chương trình mục tiêu quốc gia nào thì đối tượng của dự án di dân phải phụ thuộc theo đối tượng áp dụng của chương trình đó.

Ví dụ như, kinh phí hỗ trợ sinh kế của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo; Chương trình giảm nghèo bền vững thì đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; Chương trình nông thôn mới không giới hạn về đối tượng nhưng chỉ hỗ trợ các dự án liên kết (theo Nghị định 98 của Chính phủ) chứ không hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng. Chính vì thế mà có nhiều hộ dự án di dân tập trung nhưng không thuộc đối tượng của các chương trình mục tiêu quốc gia nên không được hỗ trợ sinh kế.

Ngoài ra, cần sự vào cuộc, chung tay của hệ thống ngân hàng (nhất là ngân hàng nông nghiệp và ngân hàng chính sách xã hội) trong việc giãn nợ vay hoặc có sự ưu tiên cho vay mới để phát triển các mô hình kinh tế đối với đối tượng di dân.

Ngành chức năng, chính quyền địa phương cũng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn tại cơ sở trước và sau đầu tư để các dự án di dân tập trung, các điểm bố trí dân cư xen ghép đảm bảo đời sống sinh hoạt và phát triển sản xuất cho người dân.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Tục chia hồn lúa của người Bru - Vân Kiều, Tà Ôi/Pa Kô

Hoàng Ngọc Thiệp |

Sinh sống trong điều kiện môi trường núi rừng, cuộc sống của người Bru - Vân Kiều, Tà Ôi/Pa Kô chủ yếu dựa trên canh tác lúa nương và săn bắn hái lượm, một cách thức sinh tồn cơ bản, phổ biến và kéo dài. Chính vì thế, trong đời sống của họ cũng như của các tộc người bản địa khác sinh sống trên dãy Trường Sơn nói chung vẫn còn những tập tục phản ánh nhiều dấu ấn của xã hội thời kỳ nguyên thủy, biểu hiện rõ nét nhất qua chu trình sinh trưởng của cây lúa.

Chính sách mới về hỗ trợ đất trồng lúa

PV |

Ngày 11/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 112/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về đất trồng lúa. Trong đó nêu rõ chính sách hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa; đầu tư, hỗ trợ đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.

Tiết lộ quá trình tiến hóa trong 100.000 năm của cây lúa

Kim Chi |

Ngày 24/5, nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã tiết lộ lịch sử tiến hóa liên tục của cây lúa trong 100.000 năm, từ một loài cây dại đến được thuần hóa thành giống lúa trồng ngày nay.

Chủ động triển khai sản xuất lúa vụ hè thu

Lê An |

Sau khi hoàn thành thu hoạch lúa vụ đông xuân, thời điểm này, nông dân các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tập trung ra đồng làm đất và chuẩn bị các điều kiện để sản xuất vụ hè thu. Đồng hành với nông dân, ngành nông nghiệp và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo vụ hè thu thắng lợi.