Ông NGUYỄN VIẾT NÊN, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị:
Tôi luôn tri ân mảnh đất Gio Linh, Quảng Trị đã nuôi tôi lớn lên, cùng tôi trải qua bao khó khăn, gian khổ để chiến đấu, công tác và trưởng thành.
Từ một cán bộ an ninh giải phóng vào sinh ra tử, sống mái với quân thù để góp phần giải phóng quê hương, ngay sau ngày quê hương giải phóng, tôi được Đảng điều động, tăng cường về làm Bí thư Đảng ủy xã, sau đó làm Bí thư Huyện ủy rồi 10 năm sau làm Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Vì vậy đối với tôi, sự phát triển của quê hương Quảng Trị trong nửa thế kỷ qua là rất đáng tự hào vì tôi đã được cống hiến công sức, trí lực, góp phần vào thành quả lớn lao mà Quảng Trị có được cho đến hôm nay.
Tôi được Đảng cho nghỉ hưu đến nay vừa tròn 13 năm. Về với đời thường tôi vẫn dõi theo từng bước phát triển của tỉnh nhà. Từ một mảnh đất bị hủy diệt trong chiến tranh hôm nay mới thấy được giá trị lớn lao và thành quả cực kỳ to lớn mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Trị đã nỗ lực phấn đấu bền bỉ để đạt được trong suốt 50 năm qua. Song hiện tại tôi vẫn còn băn khoăn, trăn trở về chặng đường tiếp theo phải làm gì, làm như thế nào để Quảng Trị phát triển nhanh và bền vững?
Theo tôi, muốn tỉnh Quảng Trị phát triển nhanh và bền vững cần phải hội đủ 3 thành tố. Đó là tiềm năng, lợi thế và nguồn lực (nguồn lực ở đây phải bao hàm về vật chất, tinh thần và trí tuệ). Trước hết phải khẳng định rằng về tiềm năng của tỉnh đã được xác định rõ nét bởi hội đủ 4 vùng tự nhiên là miền núi, gò đồi, đồng bằng và vùng biển - ven biển. Và hiện nay còn có thêm một dạng tiềm năng mới đó là nguồn năng lượng từ nắng và gió. Biến cái bất lợi thành tiềm năng phát triển. Về lợi thế có các tuyến giao thông Bắc - Nam, cảng biển và đường xuyên Á. Quảng Trị cần ưu tiên khai thác các lợi thế mang tính đặc thù như đường xuyên Á nằm trên Hành lang kinh tế Đông - Tây để tạo ra thế mạnh của nó.
Lãnh đạo tỉnh qua nhiều thời kỳ đã trăn trở, đặc biệt là trong nhiệm kỳ 2005 - 2010, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Khu Kinh tế- Thương mại đặc biệt Lao Bảo, ban hành nghị quyết khai thác tiềm năng, lợi thế Hành lang kinh tế Đông - Tây, trong đó xác định rõ tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây là tuyến kinh tế động lực của tỉnh để tập trung phát triển 3 vùng động lực. Đông Hà là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, là trung tâm của tuyến hành lang. Thị trấn Lao Bảo là điểm “đầu cầu” của tuyến, là cụm động lực của tuyến động lực về phía Việt Nam. Cửa Việt - Cửa Tùng - Mỹ Thủy - đảo Cồn Cỏ là điểm cuối của hành lang về phía Đông ra biển và định hướng rõ cho từng vùng, từng cụm.
Đồng thời cũng chỉ rõ những khó khăn và hạn chế để khai thác tốt nhất một khi đã nhận ra có sự cạnh tranh của đường 7, đường 8 khi tỉnh ta chưa có sân bay, cảng biển. Mãi đến năm 2008 được Trung ương cho biết đã phát hiện mỏ khí cách đảo Cồn Cỏ 70 km gần đất liền Quảng Trị nhất. Vì thế lãnh đạo tỉnh tổ chức đi khảo sát các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan, Hà Lan, Phần Lan và tổ chức 2 hội thảo khoa học để bàn, thống nhất chủ trương xin ý kiến Trung ương về xây dựng cảng biển Mỹ Thủy và Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Nhưng chủ trương đó phải đến năm 2015 Thủ tướng mới quyết định cho Quảng Trị xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và cảng biển Mỹ Thủy, đưa năng lượng khí vào khu kinh tế để làm hạt nhân thu hút các dự án khác, đồng thời Chính phủ cho Quảng Trị lập quy hoạch xây dựng sân bay lưỡng dụng Quán Ngang và đường sắt Đông Hà - Lao Bảo - Densavanh. Một khi đã có cảng biển, có sân bay thì lợi thế của tỉnh mới được phát huy, khai thác tốt nhất để Quảng Trị phát triển nhanh và bền vững. Vì vậy, tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa việc kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong nước và các tập đoàn kinh tế nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore để đầu tư vào Quảng Trị.
Để thu hút được các tập đoàn kinh tế lớn đến hợp tác với Quảng Trị, tỉnh cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt các thủ tục rườm rà, các khâu trung gian dễ gây ra nhũng nhiễu, tiêu cực. Bên cạnh đó, tiếp tục xin Trung ương hình thành các cơ chế ưu đãi, cởi mở thông thoáng nhưng đúng với thông lệ quốc tế để hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đến hợp tác đầu tư. Theo tôi, tỉnh cần ưu tiên cho các nhà đầu tư xây dựng sớm cảng nước sâu Mỹ Thủy, năng lượng khí và sân bay Quảng Trị để tạo thêm lợi thế giúp tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Đối với Hành lang kinh tế Đông-Tây cần nghiêm túc đánh giá lại một cách khách quan về ưu điểm và nhược điểm nhưng phải khẳng định nhất quán rằng đây là một lợi thế đặc thù của Quảng Trị. Một khi đã có sân bay, cảng biển thì cần kéo dài “biên giới thương mại” của Quảng Trị qua các tỉnh của nước Lào, Đông Bắc Thái Lan…Từ đó, khuyến khích xây dựng các siêu thị hàng hóa Việt Nam, các điểm logistics dọc trên hành lang đường bộ, các khu khu kinh tế tại trung tâm các tỉnh Savannakhet, Salavan, Pakse (Lào)…để từng bước khai thác hết tiềm năng lợi thế của mình.
Về du lịch muốn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra thì cần phải xác định lại tiềm năng và lợi thế về du lịch cũng như hiện trạng đầu tư phát triển. Theo tôi, nên chọn một số địa bàn trọng yếu để đầu tư và kêu gọi đầu tư một cách thỏa đáng, xứng tầm chứ không khuyến khích phát triển du lịch một cách tự phát. Một khi đã ưu tiên đầu tư thì phải tập trung kinh phí để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, xây dựng các sản phẩm du lịch và đào tạo nhân lực làm du lịch.
Về địa bàn cần đầu tư phát triển du lịch theo tôi nên chọn Cửa Việt - Cửa Tùng và đảo Cồn Cỏ để ưu tiên đầu tư phát triển về du lịch biển, đảo. Về sản phẩm và loại hình du lịch, theo tôi cần ưu tiên xây dựng loại hình du lịch di tích lịch sử chiến tranh cách mạng, nhất là 3 di tích đặc biệt cấp quốc gia. Đối với Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn dành quỹ đất khoảng 20 ha để trồng rừng và xây dựng, mô phỏng, tái hiện lại bếp Hoàng Cầm, đường Trường Sơn…
Đối với Di tích Hiền Lương - sông Bến Hải dành quỹ đất để xây dựng mô hình thu gọn về làng Hòa Bình hoặc làng quê Việt Nam gắn với Lễ hội Thống nhất non sông. Địa đạo Vịnh Mốc gắn kết phát triển với rừng nguyên sinh Rú Lịnh. Thành Cổ Quảng Trị cần gắn kết với Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn. Riêng đối với Thành Cổ Quảng Trị gần đây tôi được biết có dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Thành Cổ nhưng địa điểm xây dựng nằm ở ngoài khuôn viên Thành Cổ theo tôi là không hợp lý bởi thiếu đi sự liên kết nguyên khối từ tượng đài đến bảo tàng. Mặt khác bảo tàng ngoài việc trưng bày các hiện vật chiến tranh có giá trị cần phải xây dựng các cuốn phim theo công nghệ 3D để trình chiếu, tái hiện các căn cứ phòng thủ của địch trên đất Quảng Trị như hàng rào điện tử Mc.Namara, căn cứ Đầu Mầu, chiến dịch giải phóng Quảng Trị…đặc biệt là hình ảnh của cuộc chiến khốc liệt 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ của quân đội ta.
Tóm lại, muốn thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững thì ngoài nguồn lực nội tại là quan trọng nhưng không phải bám vào “bầu sữa” ngân sách từ Trung ương mà cần phải thu hút cho bằng được các nguồn đầu tư từ các đối tác bên ngoài. Trung ương chỉ cho chủ trương, kinh tế, còn Quảng Trị cần phải khai mở, hợp tác với các nhà đầu tư bằng chính sự hấp dẫn riêng của mình.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)