Theo Giám đốc Sở Công Thương Quảng Trị Lê Quang Vĩnh, tỉnh đôn đốc chủ đầu tư tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công để 22 dự án điện gió phát điện thương mại trong năm 2021.
Từ nay đến cuối năm 2021, tỉnh Quảng Trị có 22 dự án điện gió với tổng công suất trên 907 MW đi vào vận hành thương mại như các nhà máy Hướng Phùng 2 và 3; Hướng Tân, Phong Nguyên, Phong Liệu, Phong Huy, Tân Linh…
Theo Giám đốc Sở Công Thương Quảng Trị Lê Quang Vĩnh, để 22 dự án điện gió phát điện thương mại trong năm 2021, tỉnh đôn đốc chủ đầu tư tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công.
Tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ sửa chữa Quốc lộ 9 và các tuyến đường khác để tạo điều kiện cho nhà đầu tư điện gió, vận chuyển trang thiết bị từ cảng biển Cửa Việt lên vùng miền núi phía Tây của Quảng Trị.
Ngoài ra, Sở Công thương Quảng Trị cũng đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan, giải quyết kịp thời vướng mắc về giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công Trạm biến áp 220kV Lao Bảo và đường dây 220kV Lao Bảo-Đông Hà, cùng dự án nâng tiết diện đường dây 110kV Đông Hà-Lao Bảo để giải tỏa công suất điện cho các nhà máy điện gió khi đi vào vận hành.
[Cà Mau khởi công nhà máy điện gió, tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng]
Đến tháng 1/2021, Bộ Công Thương đã phê duyệt quy hoạch 31 dự án điện gió ở tỉnh Quảng Trị với tổng công suất trên 1.177 MW; trong đó, có 22 dự án điện gió dự kiến phát điện thương mại trong năm 2021; 7 dự án còn lại đang trong quá trình triển khai xây dựng.
Trước đó, tỉnh Quảng Trị đã có 2 dự điện gió là Hướng Linh 1 và 2 đã đi vào hoạt động. Việc có nhiều dự án điện gió đi vào hoạt động trong năm 2021 sẽ đóng góp lớn cho thu ngân sách địa phương.
Ở vùng miền núi phía Tây của tỉnh Quảng Trị có tiềm năng rất lớn về điện gió, khi tốc độ gió trung bình đạt từ 6-7m/s. Ngoài các dự án điện gió đã được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch, tỉnh Quảng Trị còn có hàng chục dự án điện gió khác đang trong quá trình nghiên cứu và khảo sát với tổng công suất khoảng trên 3.600 MW.
Thời gian qua, thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng nói chung, điện gió nói riêng là một trong những ưu tiên của tỉnh Quảng Trị.
Tỉnh thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như cung cấp thông tin, triển khai xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chính thống, hỗ trợ và tư vấn trên các lĩnh vực như thuế, bảo hiểm, hợp đồng, đất đai, môi trường...
Tuy nhiên, tỉnh cũng kiên quyết không thu hồi đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ nằm trong quy hoạch để làm điện gió.
(Nguồn: TTXVN)