Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang nghiên cứu, xây dựng đề án và ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ trồng rừng FSC. Đồng thời, khuyến khích các nhóm hộ trồng rừng, chủ rừng tham gia xây dựng chứng chỉ rừng, quản lý rừng bền vững FSC để đưa Quảng Trị trở thành trung tâm cung cấp gỗ nguyên liệu và chế biến gỗ từ rừng trồng ở khu vực miền Trung theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Ông Nguyễn Hữu Minh, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng nói với chúng tôi rằng: Từ năm 2015, khi chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012, chúng tôi đã nhanh chóng thay đổi cách hoạt động để thích ứng với mô hình mới. Trong đó, để khai thác có hiệu quả lợi thế của vùng gò đồi, năm 2017, HTX đã phổ biến cho các thành viên về lợi ích tổng hợp của việc trồng rừng được cấp chứng chỉ FSC. Đồng thời, mời các chuyên gia về hướng dẫn về quy trình trồng rừng, cách đào hố, đặt cây, bón phân, bảo vệ, theo dõi, đo đếm quá trình phát triển của cây cho đến ngày khai thác, vận chuyển gỗ. Cho đến nay, HTX có 140 ha rừng FSC, mỗi năm khai thác khoảng 20 ha, trữ lượng gỗ trung bình đạt 180 tấn/ha, bán với giá gần 150 triệu đồng/ha, cao hơn rừng bình thường khoảng 30 triệu đồng/ha. Hiện nay, HTX có kế hoạch mở rộng diện tích, đặc biệt, cuối năm 2019, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn làm thí điểm, chúng tôi đã xây dựng mô hình “ Trồng rừng thâm canh gỗ lớn cây keo lai mô” trên diện tích 20,2 ha với nguồn giống có chất lượng lấy từ Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Bắc Trung bộ. Tuy mới hơn 18 tháng cho thấy cây sinh trưởng và phát triển tốt, chiều cao bình quân trên 5m, đường kính 1,3 đạt bình quân 5,5cm, có nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống keo lai lâu nay đã trồng. Nếu mô hình thành công, HTX sẽ đưa toàn bộ diện tích rừng 278 ha vào trồng loại giống này bởi theo kết quả của nhiều nơi đã trồng thì giống này cho trữ lượng gỗ lớn, chất lượng gỗ đồng đều.
Không chỉ ở HTX Phú Hưng, nhiều nơi trong tỉnh Quảng Trị, đặc biệt là các công ty lâm nghiệp đã tích cực thực hiện chương trình trồng rừng FSC và đến nay có trên 23.000 rừng FSC, chiếm 12% tổng diện tích rừng loại này của cả nước. Đây là một mô hình thành công lần đầu tiên ở Việt Nam được nhiều tổ chức quan tâm và hỗ trợ các nguồn vốn để duy trì và nhân rộng. Theo tính toán, từ khi trồng chăm sóc đến khai thác, mỗi ha rừng FSC đầu tư hết khoảng 30 triệu đồng, chu kỳ khai thác bình quân khoảng 10 năm, mỗi ha cho năng suất từ 170-200 tấn gỗ, trong đó, 70% cây gỗ có đường kính hơn 12 cm đủ tiêu chuẩn để chế biến thành nhiều sản phẩm xuất khẩu. Với giá bán 1,4 triệu đồng/tấn gỗ, sau khi trừ hết mọi chi phí, mỗi ha rừng FSC cho thu lãi trên 100 triệu đồng/ha, cao gấp hơn hai lần so với trồng rừng thông thường.
Ông Hà Sỹ Đồng, UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Phát triển nhanh và bền vững rừng FSC là phù hợp chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam, là giải pháp căn cơ để đưa Quảng Trị trở thành trung tâm cung cấp gỗ nguyên liệu và chế biến gỗ từ rừng trồng ở khu vực miền Trung theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Do vậy, tỉnh đang tập trung xây dựng đề án và ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, đồng thời, khuyến khích các nhóm hộ trồng rừng, chủ rừng tham gia xây dựng chứng chỉ rừng, quản lý rừng bền vững để nâng cao chất lượng rừng. Việc làm này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường sống, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tỉnh Quảng Trị đề ra mục tiêu đến năm 2030 phát triển được 100.000 ha rừng FSC, tăng gấp 4 lần hiện nay và đưa kết quả cấp chứng chỉ rừng bền vững là một chỉ tiêu trong quy hoạch, phát triển rừng. Hiện tại, tỉnh chỉ đạo Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng tăng cường các hoạt động hỗ trợ, khuyến khích các Doanh nghiệp liên kết với HTX và người dân trồng rừng FSC. Mặt khác, tranh thủ sự hỗ trợ của Dự án PROSPER do Liên Minh châu Âu tại Việt Nam và tổ chức MCNV tài trợ với tổng ngân sách 800.000 Euro trong giai đoạn từ 2020 -2023 nhằm hỗ trợ xây dựng năng lực về quản lý rừng bền vững; thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ rừng trồng FSC cho nhóm chủ rừng là hộ gia đình, HTX tham gia trồng rừng gỗ lớn có chứng nhận FSC.
(Nguồn: QRTV)