Những ngày này, tại các địa phương ven biển, ngư dân bắt đầu bước vào đánh bắt vụ cá Bắc. Mặc dù phải đối mặt thường xuyên với sóng to, gió lớn nhưng với các ngư dân, đây lại là vụ đánh bắt chính do sản phẩm là các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá thu, cá ngừ, mực nang… Với nhiều điều kiện thuận lợi, sự chuẩn bị kỹ càng đang hứa hẹn mang lại cho ngư dân một vụ cá Bắc đạt hiệu quả cao.
Cảng cá Cửa Việt những ngày này san sát những con tàu có công suất từ vài trăm đến hơn 1.000 CV neo đậu. Từ boong những con tàu vừa cập bến sau những ngày đánh bắt trên biển, những con cá thu, cá ngư, cá cờ… được bảo quản trong đá lạnh nhanh chóng chuyển lên xe đưa đi tiêu thụ. Gần đó, những chiếc tàu đang khẩn trương tu sửa máy móc, bốc dỡ ngư lưới cụ, bổ sung lương thực, thực phẩm… để sẵn sàng cho chuyến ra khơi mới. Vừa điều khiển máy tời để bốc dỡ vàng lưới rê bùng nhùng dài gần 10 hải lý lên con tàu mới mang số hiệu QT 99699TS, dài 22,7 m, công suất 870 CV của mình, lão ngư Trần Quang Nàn ở tại Khu phố 7, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị) vừa cho biết, vụ cá Bắc bắt đầu từ tháng 10 âm lịch và kéo dài đến tháng 3 năm sau. Đây là thời điểm biển thường xuyên có sóng to gió lớn, nhiều khi lên đến cấp 7, cấp 8 nên khi ra khơi ngư dân luôn phải đối mặt với những hiểm nguy, rủi ro trên biển.
Tuy nhiên, do các đối tượng thủy sản đánh bắt được thường có giá trị kinh tế cao như cá thu, cá ngừ, cá cờ… nên các ngư dân vẫn tích cực vươn khơi bám biển. Với kinh nghiệm hơn 30 năm gắn bó với những con tàu cá lênh đênh trên các vùng biển của Tổ quốc, ông Nàn nhấn mạnh, để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá thì việc kiểm tra, tu sửa máy móc trước khi ra khơi là hết sức cần thiết. Khi ra khơi phải đi theo tổ, nhóm để có thể hỗ trợ lẫn nhau khi gặp sự cố; thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo thời tiết để có biện pháp xử lý kịp thời. “Vụ cá Bắc năm trước, chỉ với con tàu vỏ gỗ số hiệu QT 90222TS, công suất 420 CV, tôi đã đạt doanh thu gần 1,2 tỉ đồng. Năm nay tôi quyết định mua thêm một chiếc tàu mới có công suất lớn hơn, đầu tư thêm một vàng lưới rê bùng nhùng dài hơn với hy vọng sẽ đánh bắt được nhiều hơn. Ngư trường dự kiến sẽ là khu vực vịnh Bắc Bộ, xung quanh đảo Bạch Long Vĩ”, ông Nàn cho hay.
Cách đó không xa, trên con tàu QT 92929TS, các ngư dân cũng đang hối hả bốc xếp lương thực, thực phẩm, bổ sung thêm dầu, đá lạnh… để chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp theo. Năm nay chưa đầy 30 tuổi nhưng anh Hồ Văn Dũng, thuyền trưởng tàu cá QT 92929TS đã khá dày dặn kinh nghiệm. Tàu cá của anh Dũng vừa trở về sau hơn 10 ngày lênh đênh trên vùng biển vịnh Bắc Bộ với thành quả thu về gần 1 tấn cá thu, cá ngừ... Bằng chất giọng sang sảng, anh Dũng cho biết, điểm đặc biệt của vụ cá Bắc là biển càng động thì càng đánh bắt được nhiều cá. Do đó, việc bám biển dài ngày, đối mặt với sóng gió cấp 7, cấp 8 là chuyện bình thường. Để đảm bảo an toàn, trước khi vào vụ cá Bắc, anh và các chủ tàu đều tập trung sửa chữa, nâng cấp tàu thuyền, ngư lưới cụ; trang bị đầy đủ thiết bị thông tin liên lạc, an toàn hàng hải.
Trong quá trình đánh bắt phải thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo thời tiết của các Đài thông tin duyên hải và cơ quan chức năng… “Làm nghề này phụ thuộc vào thời tiết rất nhiều. Biển chỉ cần giảm sóng gió là tàu nhổ neo lên đường. Vụ cá Nam thì đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, còn vụ cá Bắc thì lên vùng biển vịnh Bắc Bộ. Chuyến biển nào ngắn thì khoảng 7 - 8 ngày, dài thì 12 - 15 ngày. Chúng tôi đang chờ các đợt gió mùa đông bắc mạnh hơn tràn về, biển động mạnh hơn thì nguồn cá cũng dồi dào hơn. Hy vọng sẽ đánh bắt được những mẻ cá lớn”, anh Dũng nói.
Thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh là địa phương có tổng số tàu thuyền tham gia khai thác trong vụ cá Bắc lớn nhất tỉnh với hơn 100 tàu cá có công suất từ 400 - 1.000 CV. Ngành nghề khai thác chủ yếu là nghề lưới rê bùng nhùng khai thác cá ngừ, cá thu; nghề pha xúc kết hợp vây rút chì và nghề chụp mực kết hợp với lồng bẫy ghẹ, ốc hương. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt Mai Văn Minh cho biết, đối với ngư dân thị trấn Cửa Việt thì vụ cá Bắc là vụ đánh bắt chính, quyết định kết quả của cả năm. Mặc dù sản lượng khai thác trong vụ cá Bắc chỉ chiếm khoảng 40% tổng sản lượng đánh bắt nhưng do sản phẩm chủ yếu là các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao nên hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn gấp 5 - 6 lần. Bình quân mỗi chuyến biển từ 7 - 15 ngày có thể mang lại thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng mỗi tàu.
Theo ông Minh, mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng đây cũng là thời điểm ngư dân phải thường xuyên đối mặt với nguy hiểm do thời tiết gây ra. Do đó, để đảm bảo an toàn cho các chuyến biển, ngay từ đầu vụ cá Bắc, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, hướng dẫn các chủ tàu cá triển khai tu sửa tàu thuyền, kiểm tra lại máy móc, ngư lưới cụ, các trang thiết bị hàng hải. Vận động các thuyền trưởng, chủ tàu cá tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Thủy sản 2017 như bật thiết bị giám sát hành trình tàu cá, không vượt ranh giới trên biển, nộp nhật ký khai thác thủy sản…
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nguyễn Hoài Nam thông tin, sau những ngày mưa bão có thể thấy rõ sự chuyển biến thời tiết theo hướng có lợi cho khai thác vụ cá Bắc. Trên các ngư trương truyền thống, ngoài các đàn cá nổi như cá cơm, cá nục thì các loại cá sống ở tầng đáy như cá thu, cá ngừ, cá khoai, cá hố… cũng xuất hiện với số lượng lớn. Nhiều tàu cá đã khai thác đạt sản lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo ông Nam, nếu như trước đây, ngư dân thường chịu ảnh hưởng lớn của thời tiết trong vụ cá Bắc thì hiện nay, với các chính sách hỗ trợ của nhà nước như Nghị định 67, Quyết định 48, ngư dân trong tỉnh đã mạnh dạn đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu thuyền; mua sắm máy móc; đầu tư các trang thiết bị hàng hải hiện đại như máy dò cá, ra đa hàng hải, thiết bị giám sát hành trình tàu cá, máy thông tin liên lạc tầm xa… đủ khả năng chống chịu với sóng to gió lớn, vươn khơi bám biển dài ngày. Đồng hành với ngư dân trong vụ cá Bắc 2020 - 2021, Chi cục Thủy sản cũng tăng cường thông tin, dự báo ngư trường, vùng khai thác đến cho ngư dân.
Đồng thời tích cực phối hợp với các địa phương ven biển trong việc tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản 2017; các quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); đảm bảo an toàn cho người và tàu cá khi hoạt động khai thác trên biển. Khuyến khích việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong khai thác và bảo quản sản phẩm như sử dụng máy tời thủy lực, máy dò ngang, máy chụp, đèn led, hầm bảo quản bằng PU… Đồng thời phối hợp với các lực lượng liên quan, các địa phương tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra về khai thác hải sản trên biển. Kiên quyết không cho tàu cá ra khơi khi chưa đủ các thủ tục, giấy tờ, các trang thiết bị theo quy định; nhất là với các tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT); xử lý nghiêm các trường hợp cố tình không bật thiết bị GSHT 24/24 giờ khi ra khơi.
Đặc biệt, ông Nam lưu ý, hiện nay Hiệp định Hợp tác Nghề cá vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã hết hiệu lực; giấy phép đánh bắt trong Vùng đánh cá chung vịnh Bắc Bộ cũng đã hết hiệu lực. Trong khi ngư trường vịnh Bắc Bộ lại là ngư trường chính của ngư dân Quảng Trị trong vụ cá Bắc. Do đó, trong thời gian 2 nước tổ chức đàm phán xác định các nội dung hợp tác tiếp theo, các tàu cá của ngư dân không được sang đánh cá ở phía Đông Đường phân định vịnh Bắc Bộ, kể cả các tàu được cấp phép đánh bắt trong Vùng đánh cá chung cho đến khi có thông báo mới; tổ chức thành tổ, đội khi đi sản xuất để hỗ trợ nhau trên biển; thông báo với cơ quan chức năng về các hành vi vi phạm của tàu cá nước ngoài trong vùng biển Việt Nam cũng như các vụ việc đột xuất phát sinh trên biển đối với tàu cá và ngư dân để được hỗ trợ kịp thời.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)