Nhằm tạo sinh kế bền vững cho người dân, đồng thời dịch chuyển một số nghề chăn nuôi theo hướng bền vững, năm 2018, 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã phối với chính quyền địa phương một số xã ven biển, triển khai mô hình nuôi vịt biển và đã đem lại những hiệu quả thiết thực, đến nay mô hình đã được nhân rộng ra nhiều địa phương ven biển.
Tiếp nối những kết quả đạt được đó, để có cơ sở khẳng định giống vịt biển nuôi được trong điều kiện nhiều nguồn nước, theo nhiều phương thức nuôi khác nhau cũng như xuất phát từ nguyện vọng của người dân vùng đồng bằng, với mong muốn được tiếp cận với những đối tượng nuôi mới nhằm phát triển kinh tế, phù hợp với điều kiện nuôi tại địa phương, năm 2020, Trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên kết hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị phát triển mô hình chăn nuôi vịt biển đảm bảo an toàn sinh học cho 10 hộ dân thuộc 4 thôn trên địa bàn xã Hải Định, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Quy mô nuôi tại mỗi hộ dân là 340 con, đây là giống vịt biển 15 của Trung tâm giống Đại Xuyên - Viện chăn nuôi (01 ngày tuổi), có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo quy trình phòng bệnh, cách ly, kiểm dịch theo quy định. Song song với việc triển khai mô hình, Trung tâm đã phối hợp với UBND xã Hải Định tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi vịt biển an toàn sinh học cho các hộ dân trong và ngoài mô hình, nhằm giúp nông dân hiểu rõ hơn về vịt biển và nắm chắc các thuật chăn nuôi.
Cụ thể trong 10 hộ triển khai nuôi vịt biển tại vùng đồng bằng xã Hải Định, huyện Hải Lăng thì hộ ông Lê Đức thôn Thiện Đông đạt hiêu quả cao nhất. Ông Đức cho biết gia đình ông có thâm niên trong nghề nuôi vịt trên địa bàn xã, ông đã nuôi trên 15 năm nay tuy nhiên chưa có giống nào mang tính chất đột phá mà ông ưng ý. Năm 2020, được sự hỗ trợ về giống và thức ăn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, gia đình ông nuôi 340 con vịt biển thương phẩm, sau hơn 2 tháng nuôi vịt gia đình ông đạt khối lượng 2,8 đến 3,2 kg/con. Với giá bán 45.000đ/kg, sau khi trừ chi phí gia đình ông thu lãi trên 10 triệu đồng.
“Nghe tên vịt biển ban đầu tôi nghỉ nó chỉ sống trong vùng ven biển, nước mặn. Vì tò mò và mong muốn thử nghiệm giống vịt mới, tôi đã mạnh dạn đăng ký tham gia nuôi. Đến nay thì hiệu quả thật bất ngờ, giống vịt biển này sống ở môi trường nước ngọt rất tốt, lại nhanh to, vịt không hề mắc bệnh tật gì. Chúng tôi đã dùng thử thấy chất lượng thịt rất thơm ngon” - ông Đức cười nói. Không chỉ riêng ông Đức mà hộ ông Nguyễn Chí thôn Trung Đơn, ông Ngô Ngọc Du thôn Phước Điền là những hộ thực hiện mô hình cho hiệu quả kinh tế khá cao, thu lãi từ 8 đến 9 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Qua quá trình nuôi cho thấy vịt biển khi triển khai nuôi tại vùng đồng bằng đã cho hiệu quả không thua kém gì khi nuôi tại vùng ven biển. Kỹ sư Trần Lương - cán bộ kỹ thuật phụ trách mô hình cho biết: “Vịt biển khi thả nuôi trên vùng đồng bằng thì khả năng thích nghi cao với nhiều phương thức nuôi khác nhau, có thể uống được nước nhiều nguồn khác nhau và tìm kiếm, sử dụng thức ăn từ thiên nhiên như cá, ốc, tôm tép… với số lượng nhiều mà không bị tiêu chảy. So với một số giống vịt nuôi phổ biến tại tỉnh Quảng Trị có cùng độ tuổi thì giống vịt biển có khả năng tăng trọng nhanh hơn, kháng bệnh cao hơn. Kết quả sau 10 tuần tuổi, tỷ lệ sống bình quân của các mô hình đạt 93%, trọng lượng bình quân từ 2,7-3kg/con, vượt mức yêu cầu kỹ thuật đề ra (đạt >2,5 kg/con). Trọng lượng này cũng cho thấy tốc độ tăng trọng của vịt biển nhanh hơn so với con vịt lai của nông dân đang nuôi hiện nay trong cùng độ tuổi từ 5 - 10%. Qua theo dõi ở 10 hộ nuôi, tất cả các đàn vịt đều sinh trưởng phát triển tốt, không bị dịch bệnh, màu lông đẹp, thịt của giống vịt biển nạc dày, ít mỡ nên phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.”
Ông Nguyễn Văn Duy - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên (Viện chăn nuôi) cho biết thêm: “Vịt biển 15 - Đại Xuyên hay còn được gọi là vịt biển, đây là giống gia cầm mới được công nhận giống và chuyển giao sản xuất vào tháng 6 năm 2014 ở nước ta. Đến nay giống này đã được triển khai nuôi ở 28 tỉnh ven biển, các vùng nước nội đồng. Vịt biển có thể sử dụng 50% cá biển (cá đồng) trong khẩu phần thức ăn mà không gây ảnh hưởng đến tiêu hóa, trong khi đó giống vịt địa phương cho ăn 20% có thể bị tiêu chảy. Qua theo dõi nhiều năm chúng tôi khẳng định giống vịt biển nuôi được trong điều kiện nước lợ, nước mặn, nước ngọt theo nhiều phương thức khác nhau như: nuôi nhốt trên khô không cần nước bơi lội, nuôi nhốt trong vườn cây, vườn đồi, nuôi nhốt kết hợp cá - vịt, cá - lúa - vịt, lúa - vịt. Việc giống vịt biển được trung tâm chọn tạo và người dân lực chọn đưa vào chăn nuôi là một hướng đi mới trong phát triển kinh tế của người dân các địa phương”.
Việc triển khai mô hình nuôi vịt biển tại các xã vùng đồng bằng không chỉ cải thiện điều kiện kinh tế của người dân nơi đây mà còn giúp phát huy các lợi thế, thế mạnh của từng địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trung Hậu - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị cho biết: Việc triển khai mô hình chăn nuôi vịt biển theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường tại vùng đồng bằng nhằm giúp nông dân nơi đây phát triển chăn nuôi bền vững, quản lý tốt dịch bệnh, tạo ra sản phẩm chất lượng; Giúp người dân phát triển kinh tế gia đình, khai thác tốt tiểm năng sẵn có tại địa phương, gắn với chuổi liên kết tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao tỷ trọng, giá trị chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra còn giúp thay đổi được tập quán trong chăn nuôi về phương thức đầu tư, quy mô và hạch toán kinh tế. Qua đây sẽ giải quyết một phần nhu cầu việc làm, tạo thu nhập ổn định cho bà con nông dân.
“Đây là điểm trình diễn để cho những nông dân khác trong vùng đến tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm. Ngoài mô hình nuôi vịt biển đang triển khai nuôi tại vùng đồng bằng, chúng tôi cũng đang triển khai mô hình nuôi vịt biển sinh sản. Sau khi tổng kết, đánh giá các mô hình, Trung tâm chúng tôi sẽ có hướng nhân rộng các mô hình này trong thời gian tới” - ông Hậu nói.
(Nguồn: QRTV)