Thoát khỏi nỗi lo âu thường trực phải đối mặt với nguy cơ sạt lở núi, lũ ống, lũ quét, đến nay đã có hàng trăm hộ dân ở khu vực miền núi phía Tây Quảng Trị được di dời đến nơi ở mới an toàn. Định cư ở những ngôi làng mới với các điều kiện thuận lợi đã mở ra cuộc sống ổn định, lâu dài cho người dân.
Niềm vui nơi làng mới
Sau đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2020, núi Tà Bang thuộc thôn Ra Ly - Rào, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa xuất hiện vết nứt dài khoảng 200 m, rộng từ 20 - 50 cm nên nguy cơ sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã di dời người dân sinh sống dưới núi Tà Bang đến nơi ở tạm để đảm bảo an toàn. Để người dân có cuộc sống ổn định lâu dài, tỉnh Quảng Trị đã đầu tư hơn 5 tỉ đồng xây dựng khu tái định cư Ra Ly - Rào.
Tháng 9/2021, 45 hộ với 171 nhân khẩu đã được di dời đến khu tái định cư mới hoàn thành. Trong những căn nhà mới còn vương mùi vôi vữa, dân bản ai cũng tỏ rõ sự vui mừng khôn tả. Những dãy nhà ở kiên cố, khang trang ngay ngắn ở miền sơn cước vốn gánh chịu nhiều tổn thất, mất mát trong những đợt mưa lũ lịch sử cuối năm 2020 đã phần nào xua tan nỗi lo của bà con. Không chỉ khu dân cư mà một điểm trường mầm non với 2 phòng học cũng đã kịp thời được đầu tư để giúp việc học của các cháu trong khu tái định cư được thuận tiện.
Vốn chỉ quen với cuộc sống sinh hoạt trong nếp nhà sàn ở đồi dốc, giờ đây bà con đã thực sự hòa nhập với nhịp sống mới trong ngôi làng tái định cư đầy sức sống. Bà Hồ Thị Phấn, cư dân của khu tái định cư thôn Ra Ly - Rào xúc động ngắm căn nhà xây mới của mình. Bà cho biết chưa bao giờ dám nghĩ có ngày gia đình bà lại được sở hữu một căn nhà xây kiên cố, đẹp đẽ như hôm nay. “Sống ở gần suối dưới chân núi Tà Bang, đường sá đi lại khó khăn, lại đối mặt với nguy cơ sạt lở núi, lũ ống, lũ quét nguy hiểm nên ai cũng không thể yên cái bụng. Và cuộc sống quanh năm bám nương rẫy cũng chỉ đủ ăn nên nhà cửa của dân bản hầu như rất tuềnh toàng, cả bản chỉ có được vài căn nhà xây. Vậy nên khi được nhà nước cho di dời ra đây định cư, xây tặng nhà cửa, làm đường sá, bắt điện, kéo nước về, chúng tôi ai cũng hạnh phúc và xúc động lắm”, bà Phấn tâm sự.
Chung tâm trạng, anh Hồ Văn Xể, thôn Ra Ly - Rào vui vẻ cho biết so với nơi làng cũ thì khu tái định cư mới này có đầy đủ các hạ tầng thiết yếu. Gia đình nào cũng có căn nhà xây đẹp, không còn phải lo lắng mỗi mùa mưa bão về. “Trận mưa lũ lịch sử cuối năm 2020 vẫn còn ám ảnh lắm. Lũ quét đổ về đã cuốn trôi căn nhà của gia đình tôi, mọi người trong gia đình được sơ tán đi trước đó nên may không sao. Bản làng cũng trở nên tan hoang, ngổn ngang đá tảng và cây cối. Qua năm nay, gia đình tôi và nhiều gia đình khác từng sống dưới chân núi Tà Bang đã được bố trí về khu làng mới này. Ở đây cao ráo, an toàn nên mọi người sẽ không còn thấp thỏm lo âu mỗi mùa mưa bão. Hy vọng cuộc sống mới nơi đây sẽ khởi sắc, sung túc hơn”, anh Xể chia sẻ.
Trưởng thôn Ra Ly - Rào Hồ Văn Ngân cho hay, hiện nay cuộc sống của người dân chuyển đến khu tái định cư đã dần ổn định. Đến nơi ở mới nhưng bà con vẫn tiếp tục sản xuất, canh tác nương rẫy, ruộng nước ở ngôi làng cũ cách xa khoảng 4 km. Toàn thôn có 40 ha ruộng lúa, 70 ha rừng trồng, 50 ha sắn, trên 200 con trâu và bò, hàng trăm con dê, lợn… “Chuyển đến nơi ở mới bà con phấn khởi lắm. Hiện dân bản vừa ra sức phục hóa ruộng, rẫy hư hại do đợt lũ năm trước để sản xuất vừa hoàn thiện nhà cửa, đảm bảo cuộc sống ổn định lâu dài cũng như đón cái Tết ý nghĩa”, anh Ngân cho biết.
Tại xã Tà Rụt, huyện Đakrông, khu tái định cư Tà Rụt 1 với quy mô bố trí cho khoảng 106 hộ dân cũng đã được hoàn thành. Trưởng thôn Tà Rụt 1 Hồ Văn Hoài cho biết, hiện tại đã có khoảng 43 hộ dân tiến hành làm nhà ở khu tái định cư. Các hộ dân thuộc diện di dời là những hộ có nguy cơ bị sạt lở, lũ ống, lũ quét, chủ yếu ở các thôn Vực Leng, A Đăng và A Liêng. Đến nơi ở mới, mỗi hộ dân được bố trí 400 m2 đất ở và chi phí di dời, xây dựng nhà mới theo quy định. Khoảng 23 giếng khoan kèm bể chứa nước cộng đồng phục vụ người dân khu tái định cư cũng đã hoàn thành. Gia đình chị Hồ Thị Hà sinh sống từ lâu ở khu vực bờ sông Đakrông thuộc thôn Vực Leng đến nay đã được di dời đến khu tái định cư Tà Rụt 1. Thời gian này, gia đình chị đang khẩn trương hoàn thiện ngôi nhà xây kiên cố để sớm dọn vào ở. Chị Hà vui vẻ nói: “Những năm gần đây mưa lũ trên sông Đakrông thường lớn, nước đầu nguồn chảy về xiết, nhanh và rất nguy hiểm. Năm nào gia đình tôi cũng phải đi tránh bão lũ ở nhà cộng đồng, trường học. Nay được bố trí vào ở khu tái định cư an toàn, có nhiều điều kiện thuận lợi, gia đình tôi rất phấn khởi”.
An cư lâu dài
Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn Lê Trọng Tường cho biết, dù khu tái định cư Ra Ly - Rào đã cơ bản hoàn thành nhưng vẫn có một số hạng mục còn vướng mắc, chính quyền địa phương tiếp tục kiến nghị lên cấp trên để quan tâm giải quyết. Về vấn đề nguồn nước sinh hoạt cho khu tái định cư, ông Tường cho biết hiện các đơn vị thi công đang triển khai và dự kiến hoàn thành trước tết Nguyên đán sắp tới để phục vụ bà con. “Địa phương kiến nghị UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tiếp tục quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện hoàn thành một số hạng mục còn lại như kéo đường dây điện, xây dựng nhà vệ sinh cho người dân. Đồng thời, vận động, kêu gọi các nguồn lực, cây, con giống để hỗ trợ bà con khu tái định cư Ra Ly - Rào sản xuất, cải thiện cuộc sống”, ông Tường cho biết.
Cùng với đó, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức gặp gỡ để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Do diện tích đất ở hạn hẹp, các dãy nhà được bố trí sát nhau nên một số hộ đã thả rông gia súc, gây ảnh hưởng đến môi trường. Về vấn đề này, địa phương đã tổ chức tập huấn trồng cỏ, chăn nuôi tập trung để người dân thực hiện tốt, vừa đảm bảo phát triển kinh tế gia đình, vừa giữ gìn khu tái định cư được xanh, sạch, đẹp.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hoàng Minh Trí cho biết, đến nay đã cơ bản hoàn thành bố trí tái định cư cho 93/93 hộ dân thuộc diện di dời khẩn cấp sau thiên tai năm 2020 ở xã Hướng Sơn, Hướng Lập và Húc (huyện Hướng Hóa). Trong thời gian tới, tiếp tục tập trung thực hiện các dự án tái định cư gồm Hải Lệ (quy mô 60 hộ), Ba Tầng (200 hộ) và Tà Rụt (106 hộ). Các khu tái định cư này đang được hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu để phục vụ các hộ dân đến sinh sống thuận lợi. Thực tế đến nay đã có nhiều khu tái định cư di dời dân khẩn cấp, tái định cư cho các hộ dân vùng xung yếu như: Khu tái định cư Tân Phước, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng (xây dựng khoảng năm 2007); khu tái định cư Húc Nghì, xã Húc Nghì, huyện Đakrông (xây dựng năm 2010) đã phát huy hiệu quả cao, qua đó hình thành nên những ngôi làng mới có cuộc sống tốt và an toàn hơn nhiều so với nơi ở cũ.
Với các điều kiện, hạ tầng thiết yếu đầy đủ, người dân ở những ngôi làng mới yên tâm khi định cư và làm ăn ổn định tại nơi ở mới. Từ đây hy vọng rằng, những khu tái định cư tránh lũ mới, nhất là ở các địa phương miền núi của tỉnh sẽ trở thành quê hương thứ hai để các hộ dân gắn bó lâu dài, sinh cơ lập nghiệp và tạo dựng cuộc sống tươi đẹp hơn.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)