Tạo diện mạo mới cho thị trấn Cửa Việt

Hoài An |

Với sự nỗ lực, hiệu quả trong lãnh đạo, điều hành của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng lòng, góp sức của Nhân dân đã làm cho thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh ngày càng khởi sắc, phát triển. Thị trấn Cửa Việt hôm nay đã mang dáng dấp một đô thị năng động, với kết cấu hạ tầng được đầu tư gắn với xây dựng đô thị văn minh.

Thời gian qua, thị trấn Cửa Việt đã thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn, kịp thời điều chỉnh quy hoạch, bổ sung quy hoạch phù hợp với chỉnh trang đô thị; tập trung huy động các nguồn lực từ nguồn phân bổ ngân sách hằng năm, đấu giá đất, đóng góp của Nhân dân và dự án đất trên địa bàn để ưu tiên xây dựng hạ tầng giao thông nội thị, trường học... 5 năm qua, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng trên địa bàn 285 tỉ đồng. Đến nay, trên địa bàn thị trấn tỉ lệ đường nhựa hóa, bê tông hóa trên 80%, nhà ở xây dựng kiên cố trên 90%, nhà cao tầng 35%, góp phần làm thay đổi diện mạo thị trấn.

Thị trấn Cửa Việt tập trung phát triển dịch vụ-du lịch biển - Ảnh: HA​
Thị trấn Cửa Việt tập trung phát triển dịch vụ-du lịch biển - Ảnh: HA​

Thị trấn Cửa Việt xác định khai thác, đánh bắt, chế biến thủy, hải sản là ngành kinh tế mũi nhọn, từ đó tập trung huy động mọi nguồn lực trong Nhân dân cùng với việc đầu tư của các ngân hàng để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Nghị định 89 của Chính phủ. Ngư dân tập trung nâng cấp, cải hoán, đóng mới tàu thuyền có công suất lớn, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại vươn khơi, bám biển dài ngày đạt hiệu quả kinh tế cao. 5 năm qua, đã đóng mới 14 tàu, nâng cấp 70 tàu, nâng tổng số tàu thuyền toàn thị trấn lên 211 tàu, với tổng công suất 49.797 CV. 100% tàu thuyền xa bờ được lắp đặt máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa, có tích hợp thiết bị vệ tinh (GPS) và đã chuyển đổi công nghệ từ đèn cao áp sang đèn led để tiết kiệm nhiên liệu trong đánh bắt. Sản lượng khai thác bình quân hằng năm đạt 6.500- 7.000 tấn. Nuôi trồng thủy sản được duy trì và phát triển, với diện tích nuôi tôm 2,34 ha, thu hoạch đạt từ 6-7 tấn/năm; diện tích nuôi cá nước ngọt 8,5 ha, thu hoạch khoảng 7 tấn/năm; nuôi cá lồng bè có 38 lồng, thu hoạch khoảng 39 tấn/năm. Các cơ sở chế biến thủy sản tiếp tục phát triển, chế biến bình quân hằng năm đạt 5.000- 6.500 tấn; giá trị chế biến thủy, hải sản đạt 322 tỉ đồng.

Lĩnh vực thương mại- dịch vụ trên địa bàn thị trấn được mở rộng, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa sản xuất và tiêu dùng. Ngoài Chợ trung tâm Cửa Việt, đã phát triển nhiều cơ sở bách hóa tổng hợp, ngư lưới cụ; các đại lý xăng dầu, vật liệu xây dựng… được đầu tư phát triển, có quy mô phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa. Khu du lịch - dịch vụ Cửa Việt ngày càng được đầu tư nâng cấp, phục vụ du khách về nghỉ dưỡng, tắm biển, vui chơi, giải trí. Hiện nay, trên địa bàn thị trấn có 43 quán kinh doanh tại bãi tắm Cửa Việt và nhiều nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ được đầu tư lớn, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Tổng giá trị thương mại- dịch vụ du lịch biển đến cuối năm 2019 đạt 307 tỉ đồng. Về lĩnh vực công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, các cơ sở đóng tàu thuyền, chế biến hải sản, cơ khí, mộc… tiếp tục được duy trì và mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện nay, trên địa bàn thị trấn có 2 doanh nghiệp tư nhân và 40 cơ sở kinh doanh trên các lĩnh vực hoạt động hiệu quả.

Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được triển khai sâu rộng, chất lượng được nâng lên, các thiết chế văn hóa, lễ hội truyền thống được giữ gìn và phát huy. Thị trấn đã tập trung tuyên truyền và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW của BCH Trung ương và chương trình hành động của Tỉnh ủy, Huyện ủy về xây dựng và phát triển văn hóa - con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Việc thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã có sự chuyển biến tích cực. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư phát triển sâu rộng; có 7 khu phố và 2 đơn vị trường học được công nhận đơn vị văn hóa cấp huyện, cấp tỉnh; 95% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo phát triển khá toàn diện. Cơ sở vật chất phục vụ dạy và học ngày càng được đầu tư khang trang. Phong trào xã hội hóa giáo dục, khuyến học và khuyến tài được đẩy mạnh; công tác phổ cập giáo dục, xây dựng trường chuẩn quốc gia trong các cấp học được giữ vững. Chất lượng giáo dục mũi nhọn và đại trà được nâng lên. 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn; tỉ lệ học sinh đỗ các trường đại học, cao đẳng ngày càng nhiều. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh được đầu tư, phục vụ tốt cho người dân. Công tác chính sách xã hội, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, xóa đói giảm nghèo được triển khai thực hiện hiệu quả. 5 năm qua, thị trấn huy động được 1,2 tỉ đồng để xây dựng và sửa chữa 35 nhà tình nghĩa; huy động nguồn đóng góp Quỹ “Vì người nghèo” với số tiền 240 triệu đồng, xây dựng 6 nhà đại đoàn kết. Thông qua các chương trình, dự án và giải pháp chuyển đổi sinh kế sau sự cố môi trường biển đã đào tạo nghề cho hơn 665 người trong độ tuổi lao động, giải quyết việc làm tại chỗ cho 1.250 lao động; đồng thời thông qua các sàn giao dịch, các công ty tư vấn đã xuất khẩu lao động cho 360 người. Đời sống người dân ngày càng được nâng cao, với thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt 47 triệu đồng; tỉ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn chiếm 2,7%.

Thị trấn Cửa Việt còn là điểm sáng trong giữ vững quốc phòng- an ninh. Đã xây dựng và nhân rộng, củng cố, phát huy hiệu quả các mô hình, câu lạc bộ (CLB) phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội như 1 CLB thanh niên tuyên truyền pháp luật và phòng chống ma túy, 1 mô hình dòng họ không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, 2 mô hình niệm phật đường an lành, trật tự, văn minh, 7 khu dân cư an toàn về an ninh trật tự, 4 tổ tự quản tàu thuyền an toàn. Từ những thành quả đạt được trên các lĩnh vực, thị trấn Cửa Việt quyết tâm tạo nên diện mạo mới để đô thị phát triển theo hướng văn minh, giàu đẹp.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Cà phê Khe Sanh vươn xa

Công Điền |

Huyện Hướng Hóa là vùng trồng cà phê Arabica chủ yếu của tỉnh Quảng Trị và khu vực miền Trung. Đây cũng là địa phương sở hữu thương hiệu cà phê Khe Sanh nổi tiếng.

Mặc áo dài truyền thống chào cờ đầu tuần

Minh Hiền |

Ngày 7/9, toàn thể cán bộ Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế mặc trang phục áo dài truyền thống dự lễ chào cờ tháng 9. Lễ chào cờ diễn ra trang nghiêm, đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Khởi sắc từ một tuyến đường

Nguyên Đồng |

Thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là một trong ba chủ trương lớn toàn khóa của Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Linh lần thứ 18, nhiệm kỳ 2015-2020. Trong đó dự án lớn nhất được đầu tư xây dựng và hoàn thành trong nhiệm kỳ là đường giao thông Thạch Kim - Hiền Hòa với tổng nguồn vốn trên 400 tỉ đồng. Công trình góp phần đưa huyện Vĩnh Linh trở thành một trong những địa phương có cơ sở hạ tầng giao thông hoàn chỉnh của tỉnh Quảng Trị.

Có 153 nhà thầu mua hồ sơ 3 dự án vốn đầu tư công cao tốc Bắc-Nam

Việt Hùng |

Bộ Giao thông Vận tải sẽ chọn các nhà thầu thực sự đáp ứng được về năng lực cũng như có kinh nghiệm nhằm đảm bảo chất lượng và tiến độ thi công cao tốc Bắc-Nam.