Là một tỉnh đi lên với xuất phát điểm thấp do hoàn cảnh lịch sử để lại, trong những năm qua, nhất là từ ngày lập lại tỉnh (1/7/1989) đến nay, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Trị đã tập trung nguồn lực, tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của trung ương, của các tổ chức quốc tế để đầu tư phát triển nhanh kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển, đảm bảo QP-AN.
Những kết quả đạt được có thể coi là nền tảng để tỉnh tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, tạo động lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Có thể kể đến một số cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng trong những năm gần đây, đón đầu cho sự phát triển. Đó là các công trình giao thông quan trọng kết nối Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị với Hành lang kinh tế Đông - Tây, Khu kinh tế - thương mại Lao Bảo; tam giác du lịch biển Cửa Việt- Cửa Tùng - Cồn Cỏ được bổ sung vào quy hoạch và đang từng bước triển khai thực hiện.
Gần đây, một số công trình, dự án giao thông được xây dựng, như cầu sông Hiếu; cầu thứ hai bắc qua sông Thạch Hãn; đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn đi qua địa bàn tỉnh; đường Sa Trầm - Palin; trục đường trung tâm Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và hiện nay đang xây dựng đường tránh TP. Đông Hà về phía Đông.
Nhiều công trình giao thông quan trọng được cải tạo, nâng cấp hoặc đầu tư xây dựng mới, tạo sự liên kết vùng, miền và khu vực. Các tuyến xe buýt được mở đến tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Đã hình thành và phát triển một số khu đô thị mới, hạ tầng đô thị thiết yếu từng bước hoàn thiện, nhiều công trình hạ tầng xã hội được đầu tư xây dựng.
Cùng với đó, hạ tầng điện được phát triển rộng khắp; hạ tầng cấp, thoát nước được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn đảm bảo cung cấp nước cho TP. Đông Hà, thị xã Quảng Trị, các thị trấn huyện lỵ và một số xã. Hạ tầng bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp từng bước được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư và triển khai thực hiện các dự án đầu tư.
Hệ thống hạ tầng thủy lợi được đầu tư, nâng cấp, cơ bản đồng bộ, đảm bảo chủ động tưới, tiêu phục vụ sản xuất; kè sông, kè biển được tập trung đầu tư tại các vị trí sạt lở cấp bách, nguy hiểm, góp phần chủ động phòng, chống thiên tai, ổn định đời sống dân cư, cải thiện cảnh quan đô thị và nông thôn vùng ven sông, ven biển.
Tuy đã có sự phát triển vượt bậc về kết cấu hạ tầng, tạo thuận lợi cho phát triển, nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan, việc thu hút đầu tư, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đạt thấp. Quy mô, năng lực nền kinh tế của tỉnh còn hạn chế để tham gia khai thác hiệu quả từ những thuận lợi của Hành lang kinh tế Đông - Tây mang lại.
Một số chương trình, lĩnh vực trọng điểm kinh tế được kỳ vọng mang tính đột phá nhưng trong thực tế tiến triển chậm, như: các dự án trọng điểm ở Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tam giác du lịch Cửa Việt - Cửa Tùng - Cồn Cỏ, thậm chí có công trình, dự án đã khởi công nhưng triển khai còn chậm, như: Cảng biển Mỹ Thủy, Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1…
Bởi vậy, từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chủ trương của Đảng bộ, chính quyền tỉnh là tập trung kêu gọi, tìm kiếm và sử dụng hiệu quả tối đa các nguồn lực: công, tư, xã hội để đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trong đó ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông nội tỉnh, kết nối liên vùng Bắc Trung Bộ và các tỉnh duyên hải miền Trung, tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây nhằm tạo động lực phát triển KT-XH địa phương và khu vực.
Đặc biệt chú trọng việc liên kết giữa các trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ tới các đầu mối giao thông quan trọng như: Khu bến cảng Mỹ Thủy, Cảng hàng không Quảng Trị và giữa mạng lưới đường tỉnh kết nối với đường bộ cao tốc quốc gia. Từng bước cải thiện năng lực vận tải loại hình thủy nội địa như tuyến sông Hiếu, sông Bến Hải kết nối thuận lợi với hệ thống cảng biển.
Cùng với đó, tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông, như đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông-Tây; cao tốc Cam Lộ - Vạn Ninh; tuyến tránh Quốc lộ 1 phía Đông TP. Đông Hà; đường Hùng Vương nối dài; nâng cấp và đầu tư mới Quốc lộ 9D; mở rộng Quốc lộ 9; đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây; xây dựng mới các trục đường kết nối liên vùng, liên tỉnh.
Huy động, đa dạng hóa các nguồn lực để sớm triển khai đầu tư một số dự án giao thông trọng điểm, như: cao tốc Cam Lộ- Lao Bảo, Quốc lộ 15D, Cảng hàng không Quảng Trị, Cảng nước sâu Mỹ Thủy, phấn đấu đến năm 2030 hệ thống giao thông tỉnh sẽ có đủ các phương thức vận tải: đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa.
Và một nhiệm vụ quan trọng nữa là chú trọng công tác quản lý đô thị; tổ chức không gian đô thị đảm bảo các tiêu chuẩn đô thị hiện đại, bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu gắn kết chặt chẽ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghiên cứu mở rộng không gian và phát triển các khu đô thị mới theo hướng đô thị sinh thái, đô thị xanh; đô thị hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung hoàn thành công tác quy hoạch chuỗi đô thị ven biển gắn với tuyến đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông- Tây và Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị; quy hoạch khu đô thị sân bay gắn với khu vực quy hoạch Cảng hàng không Quảng Trị…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)