Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng

Thanh Trúc |

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định phát triển công nghiệp năng lượng là lĩnh vực đột phá của tỉnh với quyết tâm đến năm 2030 xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng ở khu vực miền Trung.

“Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục triển khai các dự án điện gió, điện mặt trời thì Ban Chỉ đạo Các dự án động lực cấp tỉnh cần tập trung nguồn lực giải quyết những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hai dự án lớn là dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng và dự án Nhiệt điện BOT Quảng Trị 1 bởi hai dự án này được triển khai và đưa vào vận hành sẽ có tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh, góp phần quan trọng để đạt được mục tiêu đến năm 2030 đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng khu vực miền Trung” - Đó là chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng, Trưởng Ban Chỉ đạo Các dự án động lực cấp tỉnh (BCĐ) tại cuộc họp về tình hình triển khai các dự án phát triển năng lượng điện trên địa bàn tỉnh tổ chức ngày 26/5/2021. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang, Phó Trưởng BCĐ; Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng, Phó Trưởng BCĐ tham dự cuộc họp.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định phát triển công nghiệp năng lượng là lĩnh vực đột phá của tỉnh với quyết tâm đến năm 2030 xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng ở khu vực miền Trung. Trên tinh thần đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan đã tập trung làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các dự án, các nội dung của Quy hoạch điện VII, mang lại những kết quả nhất định. Dự kiến đến hết tháng 11/2021, đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo có khoảng 600 MW được đưa vào công suất phát điện của cả nước; còn nhiều dự án đang được tiếp tục hoàn chỉnh các thủ tục theo quy định để đề xuất bổ sung quy hoạch trong thời gian tới.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng chỉ đạo, đối với công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh - Ảnh : T.T
Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng chỉ đạo, đối với công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh - Ảnh : T.T

Bí thư Tỉnh ủy cũng cho rằng trong quá trình triển khai thực hiện, có một số vấn đề cần quan tâm rà soát, đánh giá lại để rút kinh nghiệm cho giai đoạn tới. Đặc biệt cần chú trọng lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, hiệu quả để tạo được động lực, sức lan tỏa trong việc thực hiện các dự án đầu tư lĩnh vực năng lượng. Đối với công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Cần có sự đánh giá tổng thể về tác động môi trường, từ đó đưa ra các dự án liên quan đến công tác tái định cư, phát triển sinh kế của người dân… đảm bảo lợi ích của người dân tại khu vực thực hiện dự án.

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 tỉnh Quảng Trị có tổng công suất đưa vào sơ đồ quy hoạch điện quốc gia ít nhất là 10.000 MW với các dự án điện đa dạng, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành tập trung rà soát lại quy hoạch các dự án phát triển điện lực để báo cáo Bộ Công thương trình Chính phủ xem xét đưa vào Quy hoạch điện VIII. Tập trung hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng để thúc đẩy tiến độ dự án Trạm biến áp 220kV Lao Bảo và đường dây 220kV Đông Hà - Lao Bảo đảm bảo theo quy hoạch được phê duyệt và kế hoạch đề ra, đồng bộ với tiến độ đưa vào vận hành các dự án điện gió. 

Đối với điện mặt trời, hiện nay công suất đưa vào hoạt động so với các địa phương không phải lớn, cần bám sát quy hoạch điện mặt trời quốc gia, rà soát lại những nơi có điều kiện phát triển điện mặt trời để kiến nghị Bộ Công thương xem xét phê duyệt công suất phù hợp với tỉnh, đảm bảo việc giữ gìn, bảo vệ môi trường, không ảnh hưởng đến đất rừng, đất sản xuất của người dân.

Trong thời gian tới, đề nghị UBND tỉnh hoàn chỉnh báo cáo đầy đủ tình hình thực tế các dự án phát triển năng lượng, đưa ra các đề xuất cụ thể để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo. Trên cơ sở Quy hoạch điện VIII được thông qua, đối với lĩnh vực điện gió, điện mặt trời phải có quy hoạch chi tiết để thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cũng như vấn đề kết nối giao thông để việc triển khai các dự án đạt hiệu quả cao nhất. Các ngành, địa phương cần nêu cao trách nhiệm, tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.

Về lĩnh vực thủy điện, nên dừng cấp chủ trương đầu tư các dự án nhà máy thủy điện mới, đồng thời rà soát, giảm thiểu tác động môi trường của các dự án đã cấp chủ trương đầu tư. Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng  

Theo báo cáo về tình hình triển khai các dự án phát triển điện trên địa bàn của UBND tỉnh, đến nay, đối với lĩnh vực điện gió, trong 26 dự án đang triển khai đầu tư, có 14 dự án đã có khả năng hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021.

Có 3 dự án điện khí với tổng công suất 6.340 MW đề xuất đầu tư tại Khu kinh tế Đông Nam, trong đó dự án Nhà máy Điện khí 340 MW của Gazprom đã được Thủ tướng bổ sung quy hoạch vào điện lực quốc gia và chỉ định nhà đầu tư; dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng (4.500 MW) và Nhà máy Điện khí Hải Lăng 1 (1.500 MW) đã hoàn chỉnh hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương xem xét phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, trong đó dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng đã được Thủ tướng đồng ý bổ sung giai đoạn 1 (1.500 MW)  vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, hiện đang triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư dự án.

Đối với lĩnh vực nhiệt điện than, quy hoạch địa điểm Trung tâm Điện lực Quảng Trị được Bộ Công thương phê duyệt gồm 2 nhà máy nhiệt điện than tại Khu kinh tế Đông Nam với tổng công suất 2.400MW.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Chuyển dịch năng lượng xanh: Quá nhiều điểm nghẽn rào cản

Nguyễn Quỳnh |

Việt Nam giàu tiềm năng về điện gió, điện mặt trời để có thể phát triển ở các quy mô khác nhau, có cơ hội kết hợp giữa các công nghệ năng lượng, giữa năng lượng tái tạo (NLTT) với nông nghiệp để tạo ra nhiều lợi ích. Ngoài ra, thủy điện là nguồn điều tần có chi phí thấp cũng như pin tích năng và công nghệ sản xuất hydro là chìa khóa cho tương lai năng lượng sạch của Việt Nam.

Chuyên gia ấn tượng về chuyển đổi sang năng lượng tái tạo của Việt Nam

Thúc Anh |

Sản lượng từ năng lượng Mặt Trời và gió của Việt Nam lần lượt tăng 237% và 60% vào năm 2020, nâng tỷ trọng các nguồn năng lượng này lên 1/4 - trước gần một thập kỷ so với kế hoạch.

Đáp ứng nhu cầu hòa lưới điện từ các dự án năng lượng tái tạo

Lâm Khanh |

Theo báo cáo của Sở Công thương Quảng Trị đến nay trên địa bàn tỉnh có trên 70 dự án điện gió với tổng công suất dự kiến trên 3.600 MW. Theo tiến độ, các dự án điện gió phía Tây Quảng Trị sẽ được vận hành vào năm 2021 với công suất đạt 2.000-2.500 MW; năm 2022 lên mức 4.000 MW.

Hà Nội: Khai trương hệ thống tưới cây chạy bằng năng lượng Mặt Trời

Việt Đức |

Đại sứ quán Israel đã khai trương hệ thống tưới nhỏ giọt chạy bằng năng lượng Mặt Trời dành cho cây cối tại vườn hoa Bác Cổ như một món quà dành tặng thành phố Hà Nội.