Ngày 1/8, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chủ trì cuộc họp trực tuyến với Tổ công tác số 1 về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của 7 bộ, cơ quan trung ương (Tòa án nhân dân tối cao, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Ủy ban Dân tộc, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) và 4 địa phương (Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Giang, Lạng Sơn). Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng và các phó chủ tịch UBND tỉnh tham dự tại điểm cầu Quảng Trị.
Ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, nhất là trong bối cảnh yêu cầu phục hồi nhanh, phát triển bền vững KT - XH; đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hội nghị trực tuyến toàn quốc và thành lập 6 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công.
Theo đó, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 được Quốc hội quyết định tại các nghị quyết là 526.105,895 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 222.000 tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương là 304.105,895 tỉ đồng. Nếu tính cả 16.000 tỉ đồng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia chuyển nguồn từ năm 2021 sang năm 2022, tổng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 là 542.105,895 tỉ đồng.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN từ đầu năm đến ngày 31/7/2022 là 186.848,16 tỉ đồng, đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm so với cùng kỳ năm trước.
Về tình hình phân bổ, giải ngân của 7 bộ, cơ quan trung ương và 4 địa phương thuộc Tổ công tác số 1, tổng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ giao là 24.091,75 tỉ đồng. Tỉ lệ giải ngân vốn NSNN ước 7 tháng đầu năm của 7 bộ, cơ quan trung ương và 4 địa phương còn thấp, cá biệt có bộ và cơ quan trung ương giải ngân dưới 10%.
Tại thời điểm tháng 5/2022, Tổ Công tác số 1 do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm tổ trưởng đã làm việc và kiểm tra 9 bộ, cơ quan trung ương và 5 địa phương. Đến nay, vẫn còn 7/9 bộ, cơ quan trung ương và 2/5 địa phương thuộc đối tượng kiểm tra chưa có nhiều chuyển biến về tiến độ giải ngân vốn đầu cư công.
Một số khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đầu năm 2022 được đại diện các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nêu tại cuộc họp là công tác giải phóng mặt bằng, biến động của giá nguyên vật liệu. Đối với dự án khởi công mới thì những tháng đầu năm tập trung hoàn thiện thủ tục phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, hoàn thành các thủ tục lựa chọn nhà thầu nên chưa khởi công, chưa tạm ứng hợp đồng và chưa có khối lượng để thanh toán.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cho biết, tính đến ngày 31/7/2022, Quảng Trị đã giải ngân đạt 30% kế hoạch được cấp có thẩm quyền giao vốn, tuy có thấp hơn mức bình quân cả nước nhưng đã cao hơn dự ước của Bộ Tài chính và sẽ phấn đấu đến ngày 31/12/2022 giải ngân 100% vốn đầu tư công.
Để đạt được kế hoạch này, tỉnh Quảng Trị đề ra các giải pháp trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Tổ chức các đoàn công tác của chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra, đôn đốc các dự án. Giao trách nhiệm cho người đứng đầu các sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn trong cung cấp nguồn vật liệu đất san lấp, tổ chức đấu giá mỏ đất, đẩy nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nguồn đất san lấp đáp ứng cho dự án cao tốc Cam Lộ - Vạn Ninh sẽ khởi công trong thời gian tới.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh lưu ý, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần chủ động bám sát chức năng, nhiệm vụ của mình để tập trung tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Khắc phục những khó khăn do nguyên nhân chủ quan, khách quan, những vướng mắc về thể chế hiện nay.
Giữ vững kỷ luật, kỷ cương, chấp hành đúng quy định trong xây dựng và thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm. Nâng cao năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ, nhất là đối với người đứng đầu các cơ quan trung ương, địa phương.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng lưu ý các địa phương tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai, hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ triển khai các dự án. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành trung ương và địa phương báo cáo cuộc họp Chính phủ sắp tới.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)