Nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, trong những năm qua, cùng với việc tập trung phát triển KT-XH, QP-AN, vấn đề lao động-việc làm, giáo dục nghề nghiệp luôn được các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở quan tâm.
Tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn lao động và giải quyết việc làm.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII (2020-2025) đặt ra chỉ tiêu số lao động được tạo việc làm mới bình quân hàng năm giai đoạn 2020-2025 là 12.000 người, giai đoạn 2025- 2030 trên 12.500 người. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 75-80%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ trên 33%; đến năm 2030 là 85 - 90%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ trên 36%.
Bà Nguyễn Thị Ái Loan, Trưởng phòng Phòng Lao động-Việc làm, Sở Lao động,Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) cho biết: Hiện thực hóa nghị quyết của đại hội, thời gian qua, ngành đã thực hiện các hoạt động thị trường lao động hiệu quả như kết nối cung, cầu lao động; tổ chức sàn giao dịch việc làm cố định, lưu động và chuyên đề; hội nghị, hội thảo và thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm cung cấp thông tin nhanh nhất đến người lao động, người sử dụng lao động phục vụ cho thị trường trong tỉnh, các tỉnh trong nước và nước ngoài.
Nhờ đó, bình quân hằng năm người lao động tìm kiếm được việc làm trên địa bàn tỉnh khoảng 6.500-7.000 người, trong nước khoảng 3.000-4.000 người, thị trường nước ngoài khoảng 1.000-1.500 người. Trong lúc đó, hằng năm nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động toàn tỉnh khoảng 17.000 người.
Riêng năm 2022, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 16.103 lượt lao động, đạt 134,2% kế hoạch, trong đó có 2.845 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 237% kế hoạch năm. 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 7.275 lượt lao động được giải quyết việc làm, đạt 60% kế hoạch năm.
Chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh ngày càng được nâng cao, nguồn lực lao động đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, nhu cầu việc làm của người lao động vẫn chưa được đáp ứng, vấn đề giải quyết việc làm, cung ứng lao động trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn.
Nguyên nhân do năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế thế giới, trong nước đối diện không ít thách thức, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, một số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập, ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tinh thần.
Theo dự báo thị trường lao động giai đoạn cuối năm 2023- 2025 có những biến động về nhu cầu lao động, bao gồm sự tăng lên về số lượng lao động được sử dụng trong doanh nghiệp với các dự án sản xuất năng lượng, chế biến nông-lâm-thủy sản, dệt may. Đặc biệt là các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị nếu được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào hoạt động sẽ thu hút nhiều lao động của địa phương, trong đó nhu cầu về lao động có trình độ chuyên môn và tay nghề cao sẽ tăng lên nhanh chóng.
Đây chính là cơ hội cho các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, cung ứng lao động.
Theo Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Lê Nguyên Hồng, để xây dựng và phát triển thị trường lao độngtrong tình hình mới cần sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị bằng những kế hoạch, chương trình, chính sách cụ thể, đồng bộ với những giải pháp có tính chiến lược.
Tập trung truyền thông, nâng cao năng lực thực hiện Chương trình hành động giải quyết việc làm cho người lao động, trong đó chú ý tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giải quyết việc làm bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhằm nâng cao nhận thức cho Nhân dân, người lao động và người sử dụng lao động về giải quyết việc làm.
Các cơ sở đào tạo phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan tổ chức đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp đảm bảo theo chuỗi giá trị, bám sát việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tập trung đào tạo những ngành nghề chủ lực của tỉnh, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.
Cần đổi mới hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng mở, linh hoạt, hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư để phát triển nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo những kỹ năng ngoại ngữ, tính kỷ luật, kỷ cương... để hội nhập với thị trường lao động trong nước, khu vực và thế giới. Thực hiện hiệu quả công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy.
Các cơ sở đào tạo nghề chú trọng hơn nữa việc liên kết với các doanh nghiệp đào tạo theo đơn đặt hàng, kể cả liên kết cung ứng lao động theo yêu cầu của doanh nghiệp. Chú trọng hỗ trợ sản xuất, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế ở nông thôn, vừa giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân trên địa bàn, vừa thúc đẩy phát triển KT-XH cho địa phương.
Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, đẩy mạnh thu nhập, cập nhật và phân tích thông tin thị trường và thông tin về tình hình biến động, nhu cầu việc làm. Nâng cao năng lực của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh trong tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và định hướng nghề nghiệp.
Hình thành và phát triển mạng lưới thông tin thị trường lao động từ tỉnh đến cơ sở. Phối hợp với các địa phương để đầu tư Sàn giao dịch việc làm vệ tinh tại các huyện, thị xã. Đổi mới công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm; giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu xã hội và quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH địa phương.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)