Thấy gì từ chỉ số PCI Quảng Trị năm 2021?

Lan Hương |

Những năm gần đây, tỉnh Quảng Trị luôn nỗ lực thay đổi chất lượng điều hành; cam kết lắng nghe, chia sẻ và đồng hành với doanh nghiệp; kịp thời nhận diện, tháo gỡ các “điểm nghẽn” về hạ tầng, nguồn nhân lực, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính... hướng đến sự chuyển biến mạnh mẽ và tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh tin tưởng và lựa chọn địa bàn tỉnh Quảng Trị để đầu tư, làm ăn lâu dài.

Ngày 27/4/2022, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021. Theo kết quả xếp hạng, Quảng Trị đạt 63,33 điểm, xếp thứ 41. Mặc dù vẫn giữ nguyên vị trí xếp hạng nhưng tổng điểm năm 2021 cao hơn 0,26 điểm so với năm 2020. Cùng với kết quả này, Quảng Trị xếp thứ 8/12 tỉnh, thành phố vùng duyên hải miền Trung (năm 2020 xếp thứ 10/12).

Theo kết quả phân tích 10 chỉ số thành phần trong PCI phản ánh các lĩnh vực điều hành kinh tế được xếp hạng năm 2021, so với các năm trước, Quảng Trị có nhiều chỉ số thành phần tăng điểm, tăng thứ bậc như: Gia nhập thị trường, Tính minh bạch, Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức, Tính năng động, Hỗ trợ doanh nghiệp, Thiết chế pháp lý. Trong đó có 3 chỉ số thành phần có sự cải thiện đáng kể về điểm số là: Tính minh bạch tăng từ 6,5 điểm năm 2020 lên 7,02 điểm năm 2021; Chi phí không chính thức tăng từ 5,65 điểm năm 2020 lên 6,89 điểm năm 2021 và Thiết chế pháp lý tăng từ 5,75 điểm năm 2020 lên 6,99 điểm năm 2021.

Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Trị hoạt động hiệu quả - Ảnh: PV
Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Trị hoạt động hiệu quả - Ảnh: PV

Đáng chú ý có một số chỉ số thành phần đạt thứ hạng cao trong bảng xếp hạng như: Gia nhập thị trường vươn lên vị trí thứ 8/63 tỉnh, thành phố và 3/12 tỉnh, thành phố vùng duyên hải miền Trung; Tính minh bạch xếp vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố và 1/12 tỉnh, thành phố vùng duyên hải miền Trung.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của COVID-19 nhưng phần lớn các chỉ số thành phần của tỉnh đều có xu hướng cải thiện dần trong những năm qua. Kết quả này minh chứng cho những nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và người dân tỉnh Quảng Trị trong quá trình thay đổi chất lượng điều hành, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Kết quả này còn có ý nghĩa hết sức quan trọng, tiếp tục khẳng định niềm tin, sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo tỉnh Quảng Trị.

Tuy nhiên, nếu đối chiếu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vào bức tranh tổng thể của môi trường kinh doanh thì vẫn còn nhiều “rào cản” ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh. Theo đó, chỉ số Đào tạo lao động năm 2021 của tỉnh chỉ đạt 5,39 điểm, xếp hạng 44/63 tỉnh, thành phố; là chỉ số vừa giảm điểm vừa giảm thứ hạng nhiều nhất của tỉnh trong 10 chỉ số thành phần (giảm 1,6 điểm và hạ 32 bậc trên bảng xếp hạng). Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng đạt 4,95 điểm, đứng thứ 59/63 tỉnh, thành phố và 10/12 tỉnh, thành phố vùng duyên hải miền Trung. Do đó, mục tiêu cơ bản nhất là phải cải thiện điểm số của từng chỉ số thành phần cụ thể; tập trung cải thiện mạnh các chỉ số thành phần giảm điểm, giảm thứ hạng hoặc điểm số còn thấp như: Tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, tính minh bạch, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động và các chỉ số có yếu tố quyết định đến vị trí xếp hạng.

Thực tế năm 2021 nhiều địa phương đã có sự cải thiện mạnh mẽ về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nên việc Quảng Trị có tăng về điểm số nhưng chưa cải thiện được thứ bậc so với năm trước đang đặt ra nhiều thách thức. Bởi lẽ, trong xu thế cạnh tranh ngày càng quyết liệt nhằm nâng hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giữa các địa phương, nếu Quảng Trị không có sự bứt phá mạnh mẽ thì nguy cơ tụt hạng là rất hiện hữu.

Điều đó đòi hỏi địa phương cần nhìn nhận, đánh giá, phân tích những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và vai trò, nhiệm vụ của các cấp chính quyền, các sở, ngành trong quá trình nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để có quan điểm nhất quán, quyết sách đúng đắn và giải pháp, chương trình hành động phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nâng cao kết quả đánh giá xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của địa phương.

Với tâm huyết, nỗ lực đồng hành với doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp đang dần được cụ thể hóa nhằm đón bắt kịp thời làn sóng đầu tư mới của các nhà đầu tư tiềm năng, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, kỳ vọng Quảng Trị sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Quảng Trị cần khai mở, hợp tác với các nhà đầu tư bằng chính sức hấp dẫn của mình

PV |

Ông NGUYỄN VIẾT NÊN, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị: 

Tôi luôn tri ân mảnh đất Gio Linh, Quảng Trị đã nuôi tôi lớn lên, cùng tôi trải qua bao khó khăn, gian khổ để chiến đấu, công tác và trưởng thành.

Triển vọng thu hút đầu tư từ Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị

Huy Nam |

Với cơ chế, chính sách thông thoáng cùng hạ tầng được đầu tư nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, phù hợp với thông lệ quốc tế, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Quảng Trị được hỗ trợ hơn 1.085 tấn gạo trong thời gian giáp hạt

B.A |

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 547/QĐ-TTg ngày 30/4/2022, giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 1.396,08 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 2 tỉnh Quảng Trị và Tuyên Quang để hỗ trợ Nhân dân trong thời gian giáp hạt đầu năm 2022.

Quảng Trị xây dựng đề án Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới

Hưng Thơ |

Dự kiến vào tháng 6.2022, Quảng Trị sẽ hoàn thành sơ bộ “Đề án Khu kinh tế Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đen-sa-vẳn”.